Đây là thông điệp được đưa ra tại hội thảo "Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng ĐBSCL" do Báo SGGP phối hợp cùng UBND TP.Cần Thơ, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 15.5 tại TP.Cần Thơ.
Hậu quả và hệ lụy của biến đổi khí hậu
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng ĐBSCL. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến nay, việc triển khai thực hiện nghị quyết này đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và phát triển thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang khiến vùng ĐBSCL đối mặt hàng loạt vấn đề như sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất - sinh hoạt…
"Những thách thức mà ĐBSCL đương đầu không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia. Vì vậy, thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu, cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, toàn diện", ông Hiếu nói.
Theo nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo SGGP, thống kê từ các địa phương ĐBSCL cho thấy, cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha lúa, rau màu bị thiệt hại bởi thiếu nước tưới…
"Những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ lụy của biến đổi khí hậu là rất nặng nề; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn. Đặc biệt với TP.HCM, ĐBSCL là nơi cung ứng lương thực thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tàu kinh tế của cả nước", ông Tăng Hữu Phong nói.
Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với ĐBSCL sẽ còn tăng lên trong tương lai, nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết.
Trữ nước cho ĐBSCL
Chia sẻ về định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho ĐBSCL, PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học và thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát. Bên cạnh ưu tiên giải pháp phi công trình thì các giải pháp công trình cũng rất quan trọng nhằm chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội.
Ông Hoằng cũng nhấn mạnh đến các giải pháp chủ động trữ nước như hồ chứa, trong mương vườn; đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Trữ nước trên ruộng (đối với lúa); trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khăn trong mùa khô… Đặc biệt là trữ trong hệ thống kênh, rạch khi các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỉ m3.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng về lâu dài, ĐBSCL cần chuyển đổi cây trồng, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm…
Tính đến giải pháp trăm năm cho đồng bằng
Cũng chỉ rõ những thách thức của ĐBSCL, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 14 nhận định, việc ứng phó những vấn đề của ĐBSCL hiện còn chậm, bởi các giải pháp được đưa ra đã được đề xuất từ năm 2016 đến nay. "Trung ương có nhiều nghị quyết, các địa phương cũng rất chủ động, người dân linh hoạt thích nghi. Nhưng có lẽ chúng ta phải nhấn mạnh hơn, nguyên nhân vì sao gây ra hiện tượng này", PGS-TS Phan Thanh Bình đặt vấn đề.
Theo ông Bình, có ba tác động làm cho ĐBSCL khó khăn là do biến đổi khí hậu, do con người và do tác động của hoạt động phát triển thượng nguồn. Trong đó, cần nhìn nhận rằng yếu tố con người tại chỗ là rất quan trọng.
"Chúng ta cần xem lại đã đối xử với môi trường của ĐBSCL như thế nào? Hiện vấn đề lún sụt và ngập mặn phải chăng có vấn đề từ việc khai thác cát, khai thác nước ngầm. Nếu không còn cát, phù sa thì phải làm sao? Phải chăng cần nhìn nhận lại nhiều mặt, giải pháp đưa ra, nhưng cộng đồng phải thay đổi cách sống, cách sản xuất… Giải pháp cấp thiết cho ĐBSCL là đúng, nhưng bản chất, phải căn cơ, lâu dài, coi là kế sách trăm năm cho ĐBSCL, hướng đến phát triển bền vững", PGS-TS Phan Thanh Bình nói.
Bình luận (0)