Cấp thiết giảm thuế cho xăng dầu

27/08/2022 06:35 GMT+7

Giá xăng nhập khẩu tăng mạnh trở lại, tình trạng đại lý đóng cửa sớm - ngưng bán hàng lại tiếp diễn; kinh tế đang cần tiếp sức trong những tháng cuối cùng của năm đang đặt yêu cầu cấp thiết phải giảm thuế để giảm giá xăng dầu.

Phập phồng theo giá xăng dầu

Giá xăng dầu trong nước đã có 5 đợt giảm liên tiếp từ đầu tháng 7 do giá nguồn năng lượng này trên thế giới đi xuống. Thế nhưng đợt giảm giá này đã không thể kéo dài khi đầu tuần này, dầu diesel và dầu hỏa đã tăng trở lại hơn 800 đồng/lít trong khi giá xăng đứng yên. Điều này đưa giá hai loại dầu này vượt mặt cả xăng E5 RON 92 - và đây là điều chưa từng xảy ra trong vòng vài năm gần đây.

Người dân, doanh nghiệp lại lo giá xăng dầu tăng cao

Ngọc Dương

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, đưa cho PV Thanh Niên xem thông báo áp dụng giá cước vận tải mới từ một khách hàng lớn của công ty đề nghị áp dụng từ ngày 1.8. Cụ thể, theo hợp đồng vận tải đã ký giữa Kim Phát và khách hàng vào lúc giá dầu là 29.610 đồng/lít thì nay giá dầu là 23.900 đồng/lít, tương đương mức giảm 19%. Theo thỏa thuận, cứ giá dầu biến động 10% thì sẽ điều chỉnh giá cước tương ứng. Định mức giá dầu trong vận tải là 30% (cứ 1 triệu đồng tiền cước phí vận tải thì giá dầu là 300.000 đồng) thì khách hàng yêu cầu giảm giá cước 5,79%. Đây là đợt giảm giá thứ hai của Kim Phát kể từ sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh. Trước đó trong tháng 7, công ty này đã giảm cước từ 180.000 đồng/tấn hàng hóa từ TP.HCM đi Vũng Tàu xuống còn 160.000 đồng/tấn. Ông Thanh còn “quá choáng” khi bỗng nhiên giá dầu tăng cao hơn giá xăng trong khi từ trước đến nay giá dầu thường thấp hơn xăng khoảng 3.000 đồng/lít. “Chúng tôi vẫn phập phồng lo ngại khi thông tin giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại. Rất căng thẳng với giá dầu từ mấy tháng nay. Doanh nghiệp (DN) đều trông mong nhà nước sớm giảm các loại thuế đối với xăng dầu, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) khi được đánh giá là không phù hợp với mặt hàng thiết yếu này”, ông Thanh nói.

Chúng tôi vẫn phập phồng lo ngại khi thông tin giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại. Doanh nghiệp đều trông mong nhà nước sớm giảm các loại thuế đối với xăng dầu, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt khi được đánh giá là không phù hợp với mặt hàng thiết yếu này.

Ông NGUYỄN NGỌC THANH, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát

Không chỉ riêng DN vận tải như Kim Phát, nhiều công ty cũng cho biết giá xăng dầu liên tiếp tăng cao trong nửa đầu năm vừa qua đã kéo theo mặt bằng giá hàng loạt hàng hóa đi lên khiến chi phí sản xuất nhảy vọt. Chính vì vậy, dữ liệu cập nhật từ Bộ Công thương cho thấy giá xăng RON 95 nhập khẩu từ Singapore đã tăng mạnh lên 115,71 USD/thùng khiến nhiều người khá lo ngại. Mức giá này tương đương giá nhập khẩu ngày 18.7 là lúc xăng RON 95 trong nước ở mức 29.675 đồng/lít. Hay giá dầu diesel nhập khẩu cũng vọt lên 146,14 USD/thùng, cao hơn 10 USD/thùng tại thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu đầu tuần này. Đại diện một DN chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho hay, các đơn vị đã nhìn nhau và vừa giảm nhẹ giá sản phẩm bán ra sau khi xăng dầu có 5 đợt giảm giá liên tiếp. Nếu giá xăng quay trở lại mức cao là 29.000 - 30.000 đồng/lít như trước là “quá căng”. Không chỉ người dân khốn khó mà bản thân các DN cũng khủng hoảng vì chi phí đầu vào lên cao sẽ khiến sức mua giảm sút, sản xuất chững lại…

Cần giảm, bỏ thuế ngay lập tức

Bối cảnh này đang đặt ra yêu cầu giảm thuế giá trị gia tăng và thuế TTĐB cho xăng dầu nếu muốn kiểm soát giá cả thị trường, chi phí sản xuất để phục hồi kinh tế. Nói về câu chuyện điều hành giá xăng dầu trong nước, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng nguyên tắc của các chính sách thuế là để thúc đẩy sản xuất kinh doanh hay hạn chế những sản phẩm có thể gây hại cho người dùng, xã hội. Hoặc như dùng thuế thu nhập cá nhân để điều phối thu nhập từ những người có thu nhập khá để thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho người nghèo. Trong đó, bản chất của thuế TTĐB thông thường ai cũng hiểu là hạn chế các loại hàng xa xỉ hay có thể gây ra tác dộng xấu như thuốc lá, rượu bia. Trong khi đó, xăng dầu hiện nay thì người nghèo hay giàu đều phải sử dụng, nên đó là sản phẩm thiết yếu trong đời sống của cả xã hội. Đó là chưa kể, một người bình thường cũng sử dụng một chiếc xe với số lượng mấy lít trong một tuần là cố định thì dù giá tăng hay giảm cũng không thể sử dụng nhiều hơn hay ít đi. Chính vì vậy, thuế TTĐB đang đánh trên xăng dầu là không đúng về nguyên tắc của sắc thuế. Tương tự, bản chất thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng này là cũng chưa đúng. Việc thu toàn diện đối với sản phẩm thiết yếu là gây hại cho cả người dân lẫn nền kinh tế.

Bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố và các thương nhân đầu mối, các thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện các nhiệm vụ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước. Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các DN trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng. Song song đó, Bộ Công thương đề nghị các DN đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới; không để gián đoạn nguồn cung; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của DN. Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Giữ các loại thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu khiến người nghèo đang được hỗ trợ cũng phải nộp thuế. Chính phủ nên bỏ luôn các loại thuế này để xăng dầu xuống giá thấp. Từ đó DN hoạt động kinh doanh được thì nguồn thu khác sẽ gia tăng mạnh hơn, từ thuế thu nhập cá nhân đến thuế thu nhập DN. Chỉ giữ lại thuế giá trị gia tăng và người dân, DN sử dụng bao nhiêu thì đóng thuế bấy nhiêu như các hàng hóa khác. Nhưng ở thời điểm này, cũng cần phải giảm ngay thuế giá trị gia tăng của xăng dầu từ 10% xuống còn 8% như các hàng hóa khác đã được hưởng chính sách này từ đầu năm đến nay. Kinh tế phát triển mạnh thì nguồn thu ngân sách sẽ gia tăng, không lo thiếu hụt.

Còn TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại có thể “phớt lờ” trước kiến nghị từ lâu của người dân, DN hay các chuyên gia kinh tế xoay quanh chuyện bỏ thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bởi đã xem đây là sản phẩm thiết yếu, tác động đến mọi người dân và ngành nghề thì không thể tiếp tục áp dụng hai sắc thuế này. Bên cạnh đó, việc vẫn tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá cũng là điều quá vô lý, không sòng phẳng với người dân. Việc Quốc hội quyết định giảm được thuế bảo vệ môi trường với xăng 1.000 đồng/lít thì liên bộ Công thương - Tài chính vẫn trích lập quỹ bình ổn giá gần 1.000 đồng/lít như vừa qua là không thể chấp nhận được. “Tôi vẫn không hiểu cơ quan điều hành xăng dầu tính toán gì? Chờ cái gì trước các kiến nghị xem xét bỏ các loại thuế vô lý đang đánh trên xăng dầu cũng như giảm thuế giá trị gia tăng như các hàng hóa khác? Việc giảm, bỏ thuế đối với xăng dầu là quá cấp thiết, phải thực hiện ngay vì chỉ có như vậy mới giúp được đời sống người dân bớt khó khăn trong bối cảnh hàng hóa đồng loạt tăng giá”, TS Bùi Trinh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.