'Thổi hồn' vào từng trang giấy
Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ con vào mỗi dịp Tết Trung thu. Những tưởng trước sự phát triển không ngừng của mặt nạ nhựa và các đồ chơi công nghệ, mặt nạ giấy bồi sẽ không đủ sức bám vững nhưng không, nét đẹp văn hoá này vẫn âm ỉ sống trong lòng Hà Nội.
Khu phố cổ có vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hoà (66 tuổi) và Đặng Hương Lan (60 tuổi) ngày ngày say sưa, tỉ mỉ tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh suốt 40 năm qua.
Nơi làm việc của vợ chồng nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng đất Hà thành nằm sâu trong những con ngõ nhỏ, chật hẹp đặc trưng của các căn nhà tập thể trên phố Hàng Than (quận Hoàn Kiếm). Căn gác ở tầng 3 chưa đầy 10m2 chất chứa nhiều lọ màu, khuôn hình, giấy bồi… Vợ chồng ông bà vẫn cố tạo hình để có những chiếc mặt nạ đẹp mắt nhất.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mặt nạ giấy bồi, tuổi thơ của bà Lan là những tháng ngày cần mẫn, chăm chỉ học theo bố. Dần dần, bà quyết định gắn bó với nghề mà bố để lại, giữ gìn nghề truyền thống trước sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ.
|
“Bao năm vẫn vậy, vẫn làm hoàn toàn bằng thủ công, không có sự thay đổi nhiều. Tôi cứ pha chế các màu đẹp, gửi hồn vào từng chiếc mặt nạ trắng để có được những nét vẽ mềm mại, tươi tắn”, bà Lan chia sẻ.
Hằng ngày, ông Hoà và bà Lan làm việc từ 9 giờ đến khoảng 17 giờ. Là mặt hàng đồ chơi truyền thống nên các khuôn mẫu bao nhiêu năm không có sự thay đổi, gắn bó với trẻ con, trở thành ký ức tuổi thơ không thể thiếu với nhiều người.
Nói về công đoạn làm mặt nạ giấy bồi, bà Lan cho hay sự tỉ mẩn là yếu tố quan trọng để chiếc mặt nạ ra hình thù, có hồn hấp dẫn con trẻ. Sau khi có khuôn, người nghệ nhân bắt đầu thực hiện công đoạn quét hồ vào từng lớp giấy. Trước kia, mặt nạ chỉ có mỗi giấy, sau này để hấp dẫn con trẻ, bà Lan sử dụng thêm nhiều nét vẽ với nhiều hình thù khác nhau.
“Lớp đầu tiên là lớp giấy A4, quét hồ làm từ củ sắn xay ra bột sau đó cho lớp thứ hai là giấy bìa lên. Bồi dần dần chồng thêm lớp thứ ba, thứ tư tuỳ theo độ dày mỏng của mặt nạ. Sau đó, gấp mép và cẩn thận lấy ra khuôn đem phơi tự nhiên từ sáng đến tối. Cuối cùng lấy bút vẽ phác hoạ từng chi tiết cho mặt nạ, làm cái này cần có sự tỉ mỉ, kiên trì, lớp này khô mới vẽ tiếp chi tiết khác để không bị nhoè”, bà Lan chia sẻ.
|
Trong căn gác nhỏ, bà Lan tỉ mẩn với từng nét vẽ, ông Hoà cặm cụi bồi giấy vào khuôn, cứ thế họ mang đến niềm vui cho con trẻ suốt nhiều năm qua. Ở tuổi xế chiều, thay vì chọn nghỉ ngơi ông bà vẫn say sưa, giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề.
Họ làm quanh năm, mỗi dịp Trung thu cận kề lại chở hàng nghìn chiếc mặt ra phố Hàng Lược bày bán. Ngày thường, nhiều người biết đến hàng của ông bà sẽ tìm đến tận nhà hỏi mua, bà Lan thỉnh thoảng còn hợp tác với công ty du lịch để giới thiệu nét đẹp văn hoá này tới nhiều du khách.
Giữ nghề trước sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ
Mặc dù chứa đựng những giá trị sâu sắc nhưng đến nay nghề làm mặt nạ giấy bồi rất ít người làm, vợ chồng bà là gia đình duy nhất còn bám trụ với nghề.
Ngày trước, mỗi dịp Trung thu cận kề, mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ con. Tuy nhiên, khi có nhiều sự lựa chọn hơn với mặt nạ nhựa, đồ chơi công nghệ, mặt nạ giấy bồi “kén” người mua hơn, nhưng không vì thế mà ông bà từ bỏ.
|
“Nhiều người biết đến vẫn giới thiệu cho nhau đến hỏi mua, khi làm phải có tâm, thực sự yêu thích với từng chiếc mặt nạ nên khi thấy mọi người khen cũng là động lực để tôi gắn bó, gìn giữ nghề truyền thống ông cha để lại. Phải thực sự yêu tôi mới có tiếp tục làm, giờ bỏ nghề truyền thống sẽ bị mai một, lúc đó tôi sẽ cảm thấy tiếc nên không khi nào tôi muốn dừng lại”, bà Lan tâm sự.
Trải qua thời gian, có những giai đoạn nghề của ông bà thực sự lao đao khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện tràn ngập thị trường khiến mặt nạ giấy bồi không thể bán được. Tuy nhiên, lo lắng về độ an toàn của những món đồ chơi không rõ nguồn gốc, nhiều người lại tìm về món đồ chơi truyền thống của ông bà.
|
“Khó khăn gặp phải cũng nhiều nhưng qua nhiều năm trải nghiệm giờ tôi cũng quen, cứ quyết tâm giữ gìn nghề bằng cái tâm, sự cần cù, sáng tạo trong từng nét vẽ thì mặt nạ giấy bồi vẫn có chỗ đứng riêng, không mặt hàng nào có thể sánh được”, ông Hoà vừa bồi giấy vừa nói.
Khi thị trường mặt nạ giấy bồi nhộn nhịp, lái buôn thường bắt chước làm theo chủ yếu “chạy” theo số lượng nên hàng nhái rất nhiều. Dù vậy, ông bà vẫn cần cù làm từng chi tiết để giá trị của mỗi chiếc mặt nạ thủ công đến gần hơn với cuộc sống mọi người.
|
“Trẻ con yêu thích là động lực để tôi làm, trẻ con mà không thích thì biết bán cho ai. Dù ngồi nhiều cũng mỏi, cũng chán nhưng khi thấy con trẻ vui mừng, yêu thích lại có “đồng ra, đồng vào” mọi mệt nhọc đều tan biến”, ông Hoà cho hay.
Những chiếc mặt nạ qua đôi bàn tay sáng tạo của vợ chồng nghệ nhân thường gắn với các nhân vật truyền thống như Chí Phèo, ông Địa, bà Địa, mặt nạ hình trâu, hổ,…
Dù phải rất tỉ mỉ mới có thể làm ra được mặt nạ giấy bồi những mỗi chiếc được ông bà bán ra với giá chỉ 30.000 – 100.000 đồng/cái để ai cũng dễ dàng mua, trẻ con có niềm vui mỗi dịp Trung thu về.
Dịch Covid-19 xuất hiện khiến đồ chơi truyền thống khó bán hơn, nhưng bà Lan nhận định “khó thì khó chung, nên hàng cũng làm ít hơn so với mọi năm”.
|
Dù cuộc sống luôn phát triển theo thời gian nhưng nét đẹp văn hoá với nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi vẫn sống mãi qua đôi bàn tay khéo léo của ông Hoà, bà Lan.
Bình luận (0)