Cặp vợ chồng U90 hơn 20 năm chèo thuyền vớt ve chai trên sông Sài Gòn

13/01/2021 13:28 GMT+7

Chiếc xuống nhỏ của vợ chồng ông Đặng Văn Ngộ (86 tuổi) và bà Võ Thị Sẩm (81 tuổi,) ngày ngày vẫn lênh đênh trên khúc sông Sài Gòn ở quận 2, TP.HCM để vớt ve chai. Tuổi đã cao nhưng vì không muốn phụ thuộc con cháu nên vợ chồng ông bà vẫn bám trụ với cái nghề đã theo mình hơn hai chục năm qua dù mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.

Lấy nhau từ thuở mười tám, đôi mươi dù không qua tìm hiểu, vợ chồng ông Đặng Văn Ngộ (86 tuổi) và bà Võ Thị Sẩm (81 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) vẫn có với nhau 11 người con, cuộc sống ấm êm. Giờ đây, mỗi ngày cùng nhau chèo xuồng vớt ve chai trên sông Sài Gòn kiếm chỉ mười mấy, hai chục ngàn nhưng cặp vợ chồng già luôn thấy viên mãn, hạnh phúc. 

Kết viên mãn của chuyện tình không yêu mà cưới

Mái tóc bạc trắng, da mặt chi chít chấm đồi mồi, đôi mắt lờ mờ sụp mí vì tuổi già, bà Võ Thị Sẩm cười móm mém khi được hỏi về cuộc hôn nhân hơn 60 năm. Bà kể, ngày đó ông Ngộ không còn cha mẹ, nhưng thấy ông chịu khó làm ăn nên mẹ bà nói bà cưới ông đi, cãi lời mẹ bà bị rầy nên đành về ở với ông Ngộ.

Số tiền ít ỏi kiếm được từ vớt ve chai chỉ khoảng mười mấy, hai chục ngàn trong những ngày nghịch nước

Ảnh: Vũ Phượng

Dù con cháu cấm cản nhưng ông bà vẫn muốn tự đi vớt ve chai để xoay xở cuộc sống

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Cuộc sống của vợ chồng nghèo quanh năm gắn với nghề nông, lúc thì nuôi vịt, mò hến, lúc thì đánh cá trên sông, đi làm thuê làm mướn. Cứ vậy, lần lượt 11 người con chào đời. “Ngày đó đâu có kế hoạch gì, cứ nghĩ trời sinh trời nuôi, có lúa xát gạo ra ăn, đói quá thì trộn lúa với mì như nhà người ta thôi. Rồi đứa lớn nuôi đứa bé, dần dần đến tuổi có chồng có vợ, tụi nó ra ở riêng thì đứa kế lại nuôi em út. Giờ con lớn cũng 60 tuổi rồi, đứa út bao nhiêu tuổi tui không nhớ nữa. 1 đứa con gái thì chết cách đây 3-4 năm nên giờ tui còn 10 đứa”, cụ bà tâm sự.
Theo lời bà Sẩm, vì lấy nhau về tu chí làm ăn nên cuộc sống cứ vậy ngày qua ngày. Nhưng nhiều lúc bất đồng quan điểm cũng không tránh khỏi lời qua tiếng lại, mỗi khi như vậy, bà đều im lặng nhường chồng. Bà bộc bạch: “Nghĩ cũng tức, cũng buồn, mà thôi kệ, dù sao ổng cũng là chồng mình. Mình có giận có tức thì vẫn phải nấu cơm để đó ổng đói ổng ăn. Chứ để ổng nấu thì tui ăn không được vì ổng bỏ đường ngọt lắm. Rồi xưa ổng cũng rượu chè miết, tới khi tui khuyên riết thì ổng bỏ, cũng thương vợ con vậy là được rồi”.

Bà là người nhẫn nhịn mọi chuyện để gia đình được ấm êm

Ảnh: Vũ Phượng

Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, tình cảm của ông dành cho bà ngày càng sâu đậm

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Ông bà có với nhau 11 người con và cuộc sống hạnh phúc hơn 60 năm qua

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Đặng Văn Ngộ cũng hạnh phúc khi nói về cuộc hôn nhân hơn 60 năm của mình: “Già rồi tôi thấy thương bả hơn hồi trẻ. Giờ không biết ai chết trước ai chết sau nên thương nhau dữ lắm. Thương thì sớm mai bả làm gì nặng nề tui phụ, cái gì tui cũng gánh vác cho bả thôi, không cho làm nặng, không cho làm nhiều, tui còn mạnh tui làm, để bả lo cơm nước thôi”.
Ngồi cạnh bên, nghe chồng nói vậy, bà Sẩm cười kể: “Ổng bị nặng tai, mấy lần tui kêu vô ăn cơm mà ổng lặng thinh à, bực dễ sợ. Hồi sau kêu ổng cứ hả, hả, ghét quá tui dọn ăn một mình rồi ổng tự lên ăn”.

Vẫn tự chèo xuồng vớt ve chai vì thương con cháu

Căn nhà tôn vừa sửa sang dán chi chít băng rôn quảng cáo mà ông bà vớt được trên sông và cả những tấm vé số cụ ông mua với hi vọng có ngày trúng số để có tiền giúp đỡ lại những người từng giúp vợ chồng ông qua giai đoạn ngặt nghèo. Tất cả đồ đạc trong nhà, từ ti vi, tủ lạnh đến chiếc tủ gỗ đều là của mọi người không xài nữa mang đến cho lại ông bà.

Ve chai ngày càng rớt giá khiến thu nhập của ông bà ngày càng eo hẹp

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Khi tuổi cao, ông bà không dám băng qua bên kia dòng sông nữa mà chỉ đi dọc theo mé một phía

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Ông chèo, bà vớt... Bao nhiêu năm qua công việc của cặp vợ chồng già vẫn như vậy

Ảnh: Vũ Phượng

11 người con của cặp vợ chồng U.90, giờ còn 10 người gồm 4 gái, 6 trai ai cũng chỉ học tới lớp hai, lớp ba đọc rành mặt chữ rồi nghỉ nên cuộc sống gắn với ba việc bán buôn, sông nước. Nhìn con kiếm từng miếng ăn khó nhọc, không đành lòng ngồi ở nhà để các con phụng dưỡng, ông bà quyết tự kiếm sống bằng nghề chèo xuồng nhặt ve chai trên sông Sài Gòn dù con cái cấm cản .
Ông Đặng Văn Ngộ cho biết, tính đến nay cũng hơn 20 năm ông bà chèo xuồng vớt ve chai trên đoạn sông Sài Gòn này. Ve chai ngày càng ít, giá lại giảm và nhiều người vớt nên thu nhập của ông bà ngày càng ít đi, nhưng tuổi già cũng không có nhu cầu chi tiêu gì nên có đồng ra đồng vào phòng khi có việc cần với ông bà đó là hạnh phúc.

Con thứ chín là người ở gần ông bà nhất và cũng là người tức tốc chạy ghe máy ra kè chiếc xuồng của ông bà về mỗi khi trời gió

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Vì cụ bà vừa mổ mắt nên ông giành luôn phần nấu bếp để bà nghỉ ngơi

Ảnh: Vũ Phượng

Cụ ông bày tỏ: “Tui ở nhà thì thấy bực bội lắm, bơi xuồng đi vậy cho thoải mái. Sông giờ cũng nhiều người mót ve chai, mình nghèo người ta cũng nghèo, ai cũng kiếm miếng cơm thôi. Vợ chồng tôi may được con cháu, bà con lúc cho gạo, cho rau, cho cá nên cứ dành đó ăn dần, thành ra không áp lực, đi làm cho thoải mái, còn sức mà không muốn phụ thuộc vào con cháu”.
Trên chiếc xuồng gỗ cũ nát, cụ ông cầm mái chèo, còn cụ bà cầm chiếc vợt tự chế để vớt vỏ lon, chai nhựa trôi dạt trên sông. Hễ có ca nô hay tàu thuyền lớn đi qua, chiếc xuồng của ông bà lại chòng chành nhưng dường như ông bà đã quá quen và tay nắm chặt vào hai bên thành xuồng để giữ cân bằng. Suốt dọc đường đi, câu chuyện của cặp vợ chồng già chỉ quanh quẩn chỗ này, chỗ kia có ve chai và chuyện về con cháu.
Theo lời ông kể, hai mấy năm chèo xuồng vớt ve chai trên sông, chưa bao giờ ông bà gặp phải sự cố gì vì cứ canh trời êm gió mới đi. Ngày trước còn khỏe, ông bà còn chèo từ bờ bên này băng ngang sông qua mé bên kia, còn giờ chỉ đi vớt mé sông cùng chiều.

Người con rể thứ 10 bị bệnh khô não nên không đi làm, thường xuyên chạy qua chạy lại nhà ông bà

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Cả tuần vớt ve chai, ông bà chỉ bán được 170.000 đồng

Ảnh: Vũ Phượng

“Đang đi mà thấy trời mây đen thì rà rà chèo về, hoặc gió nổi bất chợt thì thằng thứ bảy, thứ chín nổ ghe máy ra kè về. Tụi nó đều quanh quẩn Thạnh Mỹ Lợi này nên chạy qua chạy lại suốt. Xưa mình khổ không nuôi tụi nó học cao được nên giờ mình tự lo mình để tụi nó lo cho con nó học cao là vui rồi”, bà Sẩm tâm sự.
Nói về ước mơ, cả ông Ngộ và bà Sẩm đều chỉ mong có sức khỏe để tự mần ăn mà không phải phụ thuộc vào con cháu. Bà nói: “Cái ăn thì không cần thiết, có nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Giờ chỉ mong sống để dòm ngó mấy đứa con mần ăn được mình mừng chết cũng vui”.
Ông Đặng Văn Tân (48 tuổi, con thứ chín của ông bà) cho biết 10 anh chị em ai cũng đi làm thuê làm mướn, ông ở gần ông bà nhất thì làm nghề đi đò, chở khách ra vô kiêm sửa ghe.
“Mấy anh chị em nói ông bà suốt mà ông bà cứ thích đi vậy đó chứ không chịu ở không. Mấy chị gái tôi bán cá ở chợ Cây Xoài thì hay mang cá qua để ông bà nấu ăn, tôi thì nhà có gì ăn cũng đem qua, ông bà cũng thích ở riêng, nấu riêng nên chúng tôi thay phiên nhau ngó qua ngó lại”, ông Tân bộc bạch.
Ông Phạm Đình Tú – Chủ tịch P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2, TP.HCM) cũng cho biết vợ chồng già chèo xuồng vớt ve chai trên sông Sài Gòn vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo, được con cháu ở gần chăm lo. Ông bà cũng có bảo hiểm miễn phí, hàng tháng đều đến trạm xá nhận thuốc về uống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.