Khi khán giả trở thành diễn viên chính
Ông Đặng Thanh Lương, xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ kể: “Khi cán bộ của phòng văn hóa huyện xuống thông báo, tôi cứ ngỡ là họ nói đùa. Carnaval đến 4 - 5 năm nay rồi tôi có bao giờ thấy tiết mục gì đặc trưng của người Quảng Ninh đâu, nói chi của người Dao Thanh Y chúng tôi? Chỉ đến khi có cán bộ văn hóa xã đi cùng xác nhận, tôi mới tin đó là sự thật”.
Nghệ sĩ dân gian Việt Nam dân tộc Tày, Nông Thị Sin, ngậm ngùi: “Xem Carnaval trên truyền hình từ đầu đến cuối chỉ toàn thấy người đẹp mặc đồ... đi biển đính hạt lấp lánh, đầu đội mũ lông chim, có khi còn gắn thêm cả đuôi công xòe lộng lẫy... Đẹp thì có đẹp nhưng tôi nghĩ đó là văn hóa của một dân tộc nào đó, không phải của Việt Nam. Tôi thấy chạnh lòng vì nước mình có 54 dân tộc, trong đó Quảng Ninh có 22 dân tộc sinh sống, tại sao lại không “khoe” sự đa dạng văn hóa dân tộc trong chính Carnaval của nhà mình? Nên khi nghe cán bộ thông báo sẽ đưa nghi lễ Lẩu Then của dân tộc Tày vào Carnaval và lại mời chính các bà then chúng tôi biểu diễn, tôi vui đến nghẹn ngào. Chúng tôi lập tức luyện tập ngày đêm mà không đòi hỏi bất kỳ chế độ nào cả!”. Rồi không kìm được xúc động, từ hai khóe mắt, những giọt nước mắt lăn dài xuống gò má gầy guộc của người nghệ sĩ Tày đã có mấy chục năm tâm huyết với điệu hát Then của dân tộc.
|
Ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, phấn khởi: “Tôn vinh các nét bản sắc của văn hóa các dân tộc bản địa, tỉnh chủ trương không dùng diễn viên chuyên nghiệp hoặc diễn viên ngoại tỉnh để “đóng thế”. Các tiết mục văn hóa của dân tộc nào thì 100% sẽ do chính người dân các dân tộc đó biểu diễn. Vì vậy, chúng tôi không phải lo lắng các vấn đề như: Tập luyện thế nào cho kịp tiến độ, hóa trang sao cho giống, hay luyện tập, bắt chước sao cho khéo, cho giống như tiết mục của người bản địa”.
Đặc sắc Lẩu Then, Leo Đao và... hơn thế nữa
Theo ông Hà Quang Long, Carnaval 2012 sẽ tái hiện một số tiết lễ đặc sắc trong cuộc đua giữa các chải giáp Văn và giáp Võ tại lễ hội đình Quan Lạn ở Vân Đồn; diễn bơi chải sào của các thôn nữ và lễ rước cụ Thượng của vùng đảo Hà Nam (Quảng Yên); tái hiện cảnh đón dâu trong lễ cưới của dân chài vùng biển Hạ Long; diễn nhảy Phùn Voòng, múa chuông, múa bắt ba ba... của dân tộc Dao; diễn múa tắc-xình, múa xúc tép của dân tộc Sán Chay; diễn múa dâng hương, dâng hoa, dâng đèn, trong sinh hoạt hát cửa đình của dân tộc Kinh ở Đầm Hà, Móng Cái...
Theo đó, du khách sẽ có dịp ngỡ ngàng và nghẹt thở với lễ Leo Đao, khi ngay trên đường phố, sẽ có những thầy cúng người Sán Dìu với trang phục đặc trưng của tiết lễ Đại phan, thoăn thoắt tay không, chân trần đạp lên trên 12 lưỡi dao sắc lẹm để leo lên cột cao, rồi lại leo xuống. Hay du khách cũng sẽ đắm chìm trong màn múa và hát Then của những bà Then người Tày áo dài đen, mũ đỏ và du dương cây đàn tính... Những sắc màu văn hóa các dân tộc tuy có mang nét huyền bí, nhưng đều mang tính nhân văn cao khi giáo dục con người luôn làm điều thiện...
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, chia sẻ: “Quảng Ninh là sự thống nhất trong đa dạng của 22 dân tộc. Với chủ đề Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa, dịp Carnaval năm nay sẽ khai thác, phát huy, tôn vinh tối đa bản sắc, giá trị văn hóa cũng như tiềm năng văn hóa - du lịch của các dân tộc bản địa Quảng Ninh; nhằm đưa Hạ Long - Quảng Ninh - Việt Nam ra thế giới và đón thế giới về với Việt Nam và Quảng Ninh, đặc biệt là khi vịnh Hạ Long vừa được tôn vinh thêm một danh hiệu nữa là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chính vì thế, bắt đầu từ năm 2012, Carnaval Hạ Long sẽ do người dân Quảng Ninh tự biên và tự diễn toàn bộ, trên cơ sở xã hội hóa!”.
Bích Ngọc
Bình luận (0)