Cắt bỏ sụn vành tai to như nắm tay cho người đàn ông

04/05/2021 10:12 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu vừa phẫu thuật thành công, cắt sụn vành tai to như nắm tay cho một bệnh nhân ở Bạc Liêu.

Ngày 4.5, đại diện Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công, cắt sụn vành tai to như nắm tay cho anh L.H.P (36 tuổi, ở TP.Bạc Liêu).
Ngày 3.5, phát hiện khối u ở vành tai có dấu hiệu ngày càng phì to, anh P. quyết định đến bệnh viện khám và nhập viện điều trị. Theo anh P. nhiều tháng trước, anh bị nổi một khối u bên tai phải. Trước đây anh P. từng bị khối u và đã cắt bỏ, nhưng hiện nay tái phát lại mà không can thiệp điều trị sớm. Qua thời gian đã phát triển thành một khối to như nắm tay, kích cỡ lớn hơn cả lỗ tai của người bệnh.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ, mà còn chèn ép ảnh hưởng đến thính giác. Không những vậy, một khối phì lớn trên vành tai khiến người bệnh vướng víu, nặng nề, khó khăn khi nằm, chỉ có thể nằm một bên vì khối u cứng, nóng đau, tăng sinh mạch máu.
Sau thăm khám và thực hiện đầy đủ cận lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Hồng Trứ, Trưởng phòng Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu), chỉ định phẫu thuật, cắt u sụn vành tai. Qua các lớp vào u bã đậu, ê kíp bác sĩ phẫu thuật đã bóc tách cắt trọn lấy được khối u, kích thước 60x40 mm.
Đây là một khối u rất lớn, bình thường một khối u vành tai trung bình to tầm 2x3 cm người bệnh đã chủ động thăm khám và cắt bỏ. Đối với trường hợp của L.H.P, may mắn chưa có dấu hiệu nhiễm trùng nhưng do để quá lâu nên khối u trên tai đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của anh P..
Sau phẫu thuật, sức khỏe của anh P. phục hồi tốt, vết mổ không chảy máu, hết đau.

Khối u vành tai của anh P. trước khi phẫu thuật

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Theo bác sĩ Trứ, nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện u đa phần là do bấm lỗ tai, do chấn thương khi lấy máu hay côn trùng đốt va chạm mạnh, một số do cơ địa của người bệnh mà hình thành.
Quá trình u sụn vành tai có thể tái phát nhiều lần, lâu dài và vành tai có ít mạch máu nuôi nên dễ bị nhiễm trùng (vì có máu nuôi thì bạch cầu mới đến chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng). Khi bị viêm tấy thành mủ, người bệnh có thể bị sốt, mệt mỏi, đau sụn tai, sưng nhiều hơn. Đặc biệt vành tai bị sưng nhiều, làm mất các nếp bình thường. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm sụn hoại tử. Trường hợp không xử trí tốt, sụn vành tai bị hoại tử, dẫn tới sưng tấy hóa mủ và vỡ mủ, làm vành tai bị co rúm, phải phẫu thuật cắt bỏ nhiều phần của tai.
Thế nên, để hạn chế tối đa các tổn thương và đau đớn kéo dài, lời khuyên của bác sĩ dành cho người bệnh là hãy đến khám và điều trị sớm nhất khi có các dấu hiệu u sụn vành tai, cắt bỏ triệt để khi u còn nhỏ sẽ dễ dàng và để lại ít sẹo, ít đau hơn.
Ngoài ra, hãy thật cẩn trọng khi bấm lỗ tai, đặc biệt là trẻ nhỏ, nên vệ sinh kỹ các dụng cụ bấm và chọn nơi uy tín để bấm khuyên. Hạn chế tình trạng xỏ lỗ tai trên sụn để giảm nguy cơ mắc phải những biến chứng nghiêm trọng ở sụn tai.
Trong một số trường hợp bất khả kháng như bị chấn thương là điều chúng ta không thể lường trước được thì hãy bảo vệ đôi tai của mình bằng cách vệ sinh kỹ lưỡng, tránh sờ trực tiếp vào tai để hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.