Cắt giờ phim Việt

01/08/2013 03:15 GMT+7

Sau một thời gian gia tăng ồ ạt về số lượng phim truyền hình nội địa, hiện tại một số kênh truyền hình đang phải tạm ngưng hoặc cắt giảm “giờ phim Việt”.

Kịch bản yếu và thiếu

Bên cạnh một số kênh ra mắt giờ phim Việt: Let’s Viet, VTV Cần Thơ, BTV…, một số kênh đã duy trì giờ phim Việt lâu nay lại tạm ngưng: giờ phim Việt buổi chiều trên VTV9 tạm ngưng sau 1 năm phát sóng, giờ phim Việt buổi trưa (11 giờ) trên HTV7 cũng ngưng và giờ phim Việt buổi tối tạm thời giảm 1 tập/đêm…

Dù các đài vẫn không quên “nhiệm vụ” phấn đấu làm sao đạt chỉ tiêu 30% phim Việt trong tổng số phim phát sóng, song hiện tại, có nhiều lý do dẫn đến sự điều chỉnh số lượng này. Chẳng hạn ở VTV9, theo ông Lâm Văn Tư, Giám đốc Trung tâm THVN tại TP.HCM, khi hầu hết các đài khác đều phát phim nước ngoài khung 17 - 18 giờ, mà trình độ sản xuất lẫn kịch bản của phim mình khó “cạnh tranh” với phim nước ngoài dù được đầu tư lớn, nên giờ phim Việt buổi chiều của VTV9 bị cô lập. VTV9 đang “đau đầu” tìm giải pháp để tăng thời lượng phát sóng phim Việt (sang năm 2014) trong điều kiện phù hợp.

 
Cảnh trong phim Ngọn cỏ gió đùa, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Hồ Biểu Chánh, sẽ phát sóng vào ngày 4.8 - Ảnh: TFS

Bà Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng Khai thác phim truyện HTV, cho rằng: “Chuyện người người làm phim, nhà nhà làm phim dẫn đến tình trạng vì các nhà sản xuất làm số lượng sản phẩm quá nhiều thì chắc chắn không đảm bảo chất lượng, mặt khác nhu cầu khán giả cũng bão hòa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia giảm chất lượng chính là kịch bản phim không cao. Thực tế cho thấy số biên kịch viết tốt không nhiều mà lại đáp ứng cho số lượng phim lớn của cả chục đài thì chắc chắn kịch bản sẽ phải nhạt, đi vào lối mòn trong cả chủ đề ý tưởng lẫn cách thể hiện”.

Được biết, HTV đã thử nghiệm 6 tháng thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng việc mua kịch bản của các biên kịch tự do (đưa trực tiếp cho HTV thẩm định, không thông qua công ty nào) nhưng kết quả không khả thi.

 

Chuyện người người làm phim, nhà nhà làm phim dẫn đến tình trạng vì các nhà sản xuất làm số lượng sản phẩm quá nhiều thì chắc chắn không đảm bảo chất lượng, mặt khác nhu cầu khán giả cũng bão hòa

Phạm Trường Sơn, Trưởng phòng Khai thác phim truyện HTV

Nhà đài tìm đã khó, các hãng sản xuất cũng “chạy” từng kịch “toát mồ hôi”. Bà Bảo Trâm, Giám đốc Vietcomfilm, cho biết: “Do các kịch bản gửi về hầu như không sử dụng được, nếu có cũng chỉnh sửa gần như viết mới, nên chúng tôi buộc phải tự nghiên cứu thị hiếu khán giả, rồi gợi ý đề tài cho tác giả, hoặc tìm những tiểu thuyết hay để phóng tác”. Đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc, Giám đốc hãng phim Hành tinh xanh, cũng đồng quan điểm như trên. Hãng Sena thì mở lớp bồi dưỡng biên kịch và luôn tuyển kịch bản trên trang web nhưng “chẳng khả quan chút nào, do đó hãng cũng cứu mình bằng cách mua ý tưởng rồi tự triển khai kịch bản”, đạo diễn Việt Trinh bày tỏ.

Tìm đến tiểu thuyết trước 1945

Đưa các tác phẩm văn học lên phim là chuyện bình thường, nhưng hiện tại việc này được triển khai đồng loạt ở các hãng phim do quá thiếu kịch bản, trong đó tiểu thuyết trước 1945 đang được nhắm đến. Có thể điểm những phim vừa, đang, sắp phát: Hai khối tình, Trò đời, Ngọn cỏ gió đùa, Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa, Thừa tự… đều được chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng và nhóm Tự lực Văn đoàn. Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN (VFC) cho rằng: “Có thể đó chỉ là sự trùng hợp. Với VFC, việc chuyển thể luôn song hành bên cạnh việc đặt hàng các tác giả viết về đề tài đương đại”.

NSƯT Trần Lực, Giám đốc hãng phim Đông A, cho biết anh chọn khai thác các đề tài từ tác phẩm của nhóm Tự lực Văn đoàn vì “câu chuyện trong những tác phẩm này vốn đã quá hay, căng đầy nét văn hóa truyền thống của VN, nên việc chuyển thể là một trong những cách góp phần làm phong phú hơn lựa chọn của người xem...”. Sau Gánh hàng hoa chuyển thể cho VTV, anh đang tiến hành chuyển thể những tác phẩm khác.

Một dự án dài hơi khác - chuyển thể các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, do TFS thực hiện - cũng được ban giám đốc hãng chăm chút, đầu tư và “cố gắng ít nhất mỗi năm có một phim để phục vụ công chúng”, đạo diễn Quốc Hưng, Phó giám đốc hãng chia sẻ.

Nguyên Vân

>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?
>> Phim Viet Costas: Citizenship undefined đoạt giải nhất
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.