Cát hay là ngọc: Giằng xé giữa nỗi đau bị xâm hại tình dục và sự thật
Cát hay là ngọc là tên quyển tự truyện của một nạn nhân từng bị xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi. Những trang viết của chính nạn nhân phơi bày một sự thật quặn thắt lòng người.
Tự động phát
VIDEO: Cô gái bị xâm hại tình dục và quyển tự truyện "Cát hay là ngọc" - Thực hiện: Yến Trinh - Thanh Hải - Phan Giang |
Kể ra để "giết" chết một con người cũ
“Không đêm nào tôi có thể ngủ yên. Ban ngày với đủ thứ bận rộn bộn bề, lao ra phố, đi tìm việc, kiếm sống… thì có thể những ám ảnh tạm lắng xuống, nhưng cứ đêm xuống là tôi không thể nào ngủ được. Cho dù không nói ra, không ai biết về câu chuyện này, một mình tôi vẫn cảm thấy nhục, và không thể quên được. Điều tệ hại là mỗi khi tiếp xúc với đàn ông, cho dù là những người tử tế và họ không hề làm gì mình, nhưng trong lòng tôi vẫn cứ cồn cào cảm giác bất an, khinh bỉ. Tôi biết như vậy là không phải, nhưng không vượt qua được", cô gái trẻ tự sự.
|
29 tuổi, cái tuổi tròn đầy xuân sắc của một người phụ nữ. Cái tuổi của tình yêu và ước mơ về một mái ấm gia đình. Cô gái ấy lại triền miên sống trong mặc cảm, giằng vặt, đau đớn tột cùng. Cô quyết định nói ra bí mật khủng khiếp đã toan "bức tử" tâm hồn mình. Lần đầu tiên, sau nhiều năm chôn chặt tận đáy lòng, nạn nhân này mới đưa một sự thật trần trụi ra ánh sáng.
|
"Nói ra không phải để đào mồ quá khứ. Quá khứ chưa bao giờ ngủ yên trong tôi. Nó là những cơn ác mộng. Nói ra một lần như phẫu thuật một khối ung nhọt trong đời mình. Nói ra để ai yêu thương mình được thì yêu thương, ai khinh bỉ mình cũng đành chịu. Công khai hết, để giết chết một con người cũ, đóng lại một quá khứ đen tối. Nói ra để quên đi và mở cánh cửa mới cho cuộc đời mình", nhân vật chính của quyển tự truyện chia sẻ.
12 năm bị xâm hại
|
Cát hay là ngọc kể về cuộc đời của Bích Ngọc (trong sách có lúc gọi bằng Út, Ruby, Sandy). Quê Ngọc ở Đồng Tháp.
Tự truyện mở đầu bằng những ngày thơ ấu của bé Út. Khi Út chào đời, cha Út cũng chết trong tù. Mẹ đi làm ăn xa. Út sống với ông bà ngoại. Bà ngoại coi Út là đứa con hoang. Cô bé lớn lên bằng đòn roi và sự ghẻ lạnh.
Lên tám tuổi, Út được ông nội đón về. Tưởng cuộc đời cô bé sáng sủa hơn. Không ngờ, đó chỉ là chuyến "chuyển tù". Bóng đêm tiếp tục ập xuống cuộc đời. Út trở thành "công cụ tình dục" của người đàn ông lớn tuổi suốt 12 năm liền. Cho đến năm 20 tuổi, khi học hết phổ thông, Út không thể chịu đựng nổi nữa. Cô vùng chạy khỏi nhà.
Không người thân, không nhà cửa, không tiền bạc... Một mình Út bơ vơ giữa thành phố xa lạ. Cô mang một cái tên mới là Ruby. Ruby bước vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Có lúc tưởng chừng lạc lối. Đau đớn này chồng chất lên đau đớn khác. Có lúc cô gái trẻ đã xuống tóc muốn quy y. Có lúc cô đã bỏ tất cả, đứng bên thành cầu Sài Gòn toan nhảy xuống dòng nước mênh mông...
Kể ra để quên đi
|
"Tôi biết Ngọc đã lâu nhưng ngày cô ấy mang câu chuyện đến để gửi gắm thì tôi thực sự rất sốc. Cả đêm hôm đó tôi không ngủ được. Nhiều đêm sau đó tôi cũng không ngủ được...", nhà văn - nhà báo Hòa Bình, người chấp bút quyển tự truyện, chia sẻ.
Chị cho biết: "Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với một số nạn nhân khác gặp phải chuyện tương tự, tất cả đều bị ám ảnh và không thể sống yên với cuộc sống hiện tại. Xung quanh họ, chỉ có màu đen, mọi thứ rất mịt mù và tăm tối, lạc lối, không thể tự định hướng được cuộc sống. Nhưng với Ngọc, trong sâu thẳm bản thân cô ấy có một thứ ánh sáng thiện tâm toả ra rất mạnh, nó khiến cho cô ấy biết nghĩ tới và thương cảm với những thân phận khó nghèo khác. Em nỗ lực học tập, cả kiến thức khoa học, xã hội lẫn văn hoá ứng xử. Học cả cách tha thứ cho những người đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ với cuộc đời của cô ấy. Học để quên. Ánh sáng thiện tâm và khao khát học hỏi trong Ngọc đã đưa cô ấy từ những bài học trên vỉa hè, đường phố, bước vào những ngôi nhà tri thức đáng mơ ước".
Tác giả mong muốn những người khác hãy dũng cảm vượt lên những điều không may mà số phận mang tới. Mong xã hội nhìn nhận lại những hiện trạng vô cùng nóng bỏng nhưng còn ẩn kín trong bóng tối và cùng suy nghĩ, hành động một cách có lương tâm hơn".
|
Bình luận (0)