Cắt hợp đồng, trạm trộn bê tông vẫn... hoạt động

13/04/2021 17:51 GMT+7

Trạm trộn bê tông quy mô lớn ở Quảng Bình được “tạo điều kiện” cấp phép trên đất rừng để hỗ trợ thi công dự án năng lượng, nhưng khi chính quyền địa phương chấm dứt hợp đồng thì trạm vẫn… tiếp tục hoạt động.

“Tạo điều kiện”

Theo tài liệu mà PV Thanh Niên có được, trạm trộn không giấy phép này hình thành xuất phát từ kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật (hiện đã nghỉ hưu) tại buổi làm việc với Công ty CP điện gió B&T (Công ty B&T) hồi tháng 7.2020. Kết luận nêu: “UBND H.Lệ Thủy tạo điều kiện cho công ty thuê mặt bằng tạm thời để lắp đặt trạm trộn bê tông tại khu vực xã Hồng Thủy”.
Căn cứ kết luận này, ngày 3.8.2020, Công ty B&T có văn bản gửi UBND H.Lệ Thủy mượn mặt bằng lắp đặt trạm trộn bê tông với diện tích khoảng 14.000 m2, tổng công suất 180 m3/giờ trong thời gian 18 tháng (từ tháng 8.2020 - 2.2022). Đơn vị thi công, lắp đặt, vận hành trạm trộn là Công ty CP thi công cọc và xây dựng FECON. Tiếp đó, UBND H.Lệ Thủy có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình về việc xin chủ trương cho thuê mặt bằng, vì đối chiếu quy định hiện hành, “việc đề xuất của công ty không thuộc thẩm quyền của UBND huyện”. Tuy nhiên, chính UBND huyện đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép UBND xã Hồng Thủy cho Công ty B&T thuê. Đến ngày 10.8.2020, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các sở ban ngành liên quan nghiên cứu nội dung đề nghị của UBND H.Lệ Thủy, hướng dẫn địa phương thực hiện theo đúng quy định, nhằm tạo điều kiện cho Công ty B&T có mặt bằng lắp đặt trạm trộn bê tông.
Đáng chú ý, trong văn bản báo cáo UBND tỉnh ngày 27.8.2020, Sở TN-MT đã nêu rõ việc UBND H.Lệ Thủy đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép UBND xã Hồng Thủy cho Công ty B&T thuê mặt bằng “là chưa được pháp luật về đất đai quy định”. Tuy nhiên, cũng chính Sở TN-MT lại đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo UBND H.Lệ Thủy, UBND xã Hồng Thủy “tạo điều kiện cho công ty có mặt bằng sử dụng đất tạm thời để thi công công trình theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh”. Lý do đưa ra: Dự án cụm trang trại điện gió B&T là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, cần tạo điều kiện phục vụ thi công dự án đảm bảo tiến độ…
Kết quả là ngày 15.9.2020, UBND xã Hồng Thủy ký hợp đồng cho Công ty B&T thuê mặt bằng. Sau đó, khu trạm trộn, khu văn phòng điều hành, nhà thí nghiệm, khu kho bãi vật tư, bãi chứa vật liệu… trên tổng diện tích 10.000 m2 được dựng lên.

Yêu cầu dừng, nhưng xin… gia hạn

Vì biết trạm trộn hoạt động “lậu” và trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nên khi ký hợp đồng cho Công ty B&T thuê mặt bằng, UBND xã Hồng Thủy đã yêu cầu công ty bổ sung đầy đủ các thủ tục pháp lý về mặt bằng trạm trộn bê tông theo quy định hiện hành. Thế nhưng, Công ty B&T không thực hiện như cam kết.
Cắt hợp đồng, trạm trộn bê tông vẫn... hoạt động
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, từ cuối tháng 2, PV Thanh Niên vào cuộc xác minh, trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND H.Lệ Thủy và UBND xã Hồng Thủy. Ngày 26.2 vừa qua, UBND xã Hồng Thủy có văn bản yêu cầu Công ty B&T khẩn trương bổ sung hồ sơ pháp lý, nếu không UBND xã sẽ tiến hành các thủ tục dừng hoạt động trạm trộn. Đến ngày 18.3, UBND H.Lệ Thủy có văn bản gửi Phòng TN-MT, UBND xã Hồng Thủy, Công ty B&T yêu cầu: UBND xã Hồng Thủy khẩn trương làm việc với công ty để kiểm tra các hồ sơ, pháp lý có liên quan; trường hợp công ty không cung cấp được các hồ sơ theo quy định thì tạm dừng hoạt động và xử lý theo thẩm quyền.
Do không cung cấp được hồ sơ pháp lý nên đến ngày 19.3, UBND xã Hồng Thủy ra văn bản thông báo việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng và yêu cầu dừng hoạt động của trạm trộn; buộc tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng ban đầu trước ngày 15.4. Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, ông Võ Hà Đông, đại diện Công ty B&T, cho rằng từ ngày 24.3 công ty đã có văn bản xin tạo điều kiện và chấp thuận cho gia hạn thuê đất tạm thời cho trạm trộn bê tông thêm 6 tháng (đến ngày 31.10).
Cắt hợp đồng, trạm trộn bê tông vẫn... hoạt động

Bụi mù mọt mỗi khi xe chở vật liệu chạy qua

ẢNH: T.Q.N

Trạm trộn này nằm trên đất rừng sản xuất, chưa được đưa vào kế hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mỗi lần xe vào ra khu vực trạm, bụi bay mù mịt, nước bê tông xi măng chảy dày hai bên đường nhựa trước khu vực trạm. Một người dân đi qua đường bức xúc: “Tôi thường qua đoạn đường này, thấy xe chở vật liệu, chở bê tông chạy nguy hiểm và gây ô nhiễm quá!”. Ngày 26.3, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Bình và UBND H.Lệ Thủy, câu chuyện trạm trộn “lậu” này đã được đưa ra bàn thảo. Trả lời PV Thanh Niên ngày 30.3, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh đã giao Sở TN-MT và UBND H.Lệ Thủy nghiên cứu làm cho đúng thủ tục, tạo điều kiện cho công ty, nhưng phải đúng. “Cấp phép tạm hay như thế nào đó thì phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý”, ông Lâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.