Cắt lể trị đau nhức kiểu... đau đâu cắt đó

10/05/2022 07:07 GMT+7

Cơ sở cắt lể trị đau nhức, bán thuốc gia truyền “3 không” không phép nhưng vẫn nhận cắt lể, bán thuốc không nhãn mác hàng trăm bệnh nhân. Khi trực tiếp chứng kiến cảnh chữa bệnh, PV Thanh Niên không khỏi rùng mình.

Cơ sở cắt lể trị đau nhức, bán thuốc gia truyền “3 không” không phép nhưng vẫn nhận cắt lể, bán thuốc không nhãn mác hàng trăm bệnh nhân. Khi trực tiếp chứng kiến cảnh chữa bệnh, PV Thanh Niên không khỏi rùng mình.

Ông Khương dùng tay trần cắt lể, lau máu cho một nữ bệnh nhân

Xuân Phúc

“Thầy” bận, vợ “thầy” cắt lể thay

Chiều 7.5, trong vai người nhà bệnh nhân, PV Thanh Niên đã xâm nhập vào cơ sở cắt lể trị đau nhức và bán thuốc gia truyền “3 không” của “thầy” Khương. Theo tấm bảng hiệu được dựng dưới đất phía sau cơ sở có tên “Cơ sở chuẩn trị y học cổ truyền (YHCT) tư nhân Thanh Khương, GPS: 477 SYT, có địa chỉ tại ấp Long Hòa, xã Lộc Hòa, H.Long Hồ, Vĩnh Long”.

Cơ sở nằm sâu trong con đường đất đá lổm nhổm, đi từ QL1 vào hỏi “thầy” Khương ai cũng biết và chỉ đến tận nhà, phía trước không có bất cứ bảng hiệu nào. Khu nhà có khuôn viên khá rộng. Thế nhưng, nơi được gọi là “phòng điều trị” lại rất sơ sài, chỉ là một chái nhà trống 3 phía, một phía là cửa lùa, bên trong được bố trí 4 cái giường (2 giường gỗ, 2 giường sắt) có trải chiếu, mỗi giường có một gối trông rất bẩn. Phía dưới là bộ đồ giác hơi đựng trong rổ nhựa. Thùng rác phía dưới giường chứa rất nhiều bông gòn dính đầy máu.

Bảng hiệu được vứt dưới đất

Xuân Phúc

Phía dưới sàn, ngay lối đi là hai chỗ có vòi nước được xem là nơi rửa tay và dụng cụ sau khi hành nghề. Tại thời điểm PV ghi nhận, có một bệnh nhân nam hơn 30 tuổi vào nằm sấp trên giường, một người phụ nữ mặc bộ đồ bộ màu đỏ, tự giới thiệu là vợ “thầy” Khương. Sau khi nghe nam bệnh nhân nói bị teo cơ chân, người phụ nữ này xé một vật sắc, nhọn rồi dùng tay không cắt lể cho nam bệnh nhân.

Sau khi cắt lể nhiều vết ở phần lưng, chỗ cắt được úp một dụng cụ hay dùng để giác hơi cho máu chảy ra. Hơn 10 phút sau, do áp suất trong ống giác tại những chỗ cắt ra máu rất nhiều, người nữ này nhìn và phán “bệnh này không chữa trị ngay thì sẽ dẫn đến liệt chân”. Sau đó, người này tiếp tục cắt dưới nhượng chân, bàn chân, bên chân bị teo cơ để cho máu chảy ra. Khi được PV hỏi “thầy” Khương ở đâu và sao không làm thì người phụ nữ này trả lời: “Thầy đang bận và những ca nhẹ do chị làm cho đỡ đau, chứ thầy làm rất đau”.

Hai chai thuốc đen ngòm không nhãn mác được giới thiệu là thuốc gia truyền

Xuân Phúc

Sau khi cắt lể xong, người phụ nữ này đeo găng tay y tế vào tay trái và lau máu bằng bông gòn cho nam bệnh nhân trên, ống giác hơi dính đầy máu cũng được lau bằng bông gòn và được rửa bằng… nước. Chai cồn sát khuẩn gần đó chính là dung dịch làm sạch vết thương đang chảy máu của bệnh nhân. Người này khẳng định đau bất kỳ đâu cũng có thể cắt lể sẽ đỡ ngay và uống thuốc gia truyền sẽ thấy hiệu quả, đối với nam bệnh nhân bị teo cơ trên phải đi nhiều lần.

Sau đó, người phụ nữ này đưa 2 chai thuốc màu đen không nhãn mác, không có bất cứ thông tin nào và dặn bệnh nhân uống mỗi ngày nửa ly (loại ly uống trà). Sau khi hết (khoảng 20 ngày) thì quay lại tái khám. Trong túi ni lông đen đựng 2 chai thuốc được người này nói là thuốc gia truyền, giá 300.000 đồng, có nửa tờ giấy ghi “0939208XXX Thầy Khương”. Kèm theo lời dặn thắc mắc gì thì gọi hỏi.

Vợ ông Khương trực tiếp cắt lể cho bệnh nhân; 4. Bộ dụng cụ giác hơi dùng để hút máu và được lau sơ khi sử dụng

Xuân Phúc

14 tuổi đã hành nghề cắt lể (?!)

Người phụ nữ này còn cho biết, “thầy” Khương (chủ cơ sở cắt lể) là chồng mình. Ông Khương đã có trên 30 năm kinh nghiệm được truyền từ đời trước và bắt đầu chữa bệnh khi mới 14 tuổi. Lúc trước, ông Khương có làm việc tại một bệnh viện ở Bến Tre, nhưng sau này nghỉ và chỉ làm ở nhà. Bệnh nặng nhẹ gì đến đây cắt là hết, nặng thì cắt nhiều lần (?!)

Tiếp đó, đến hơn 17 giờ cùng ngày có 2 vị khách (một nam khoảng 40 tuổi, một nữ khoảng 35 tuổi) đến cắt lể. Bệnh nhân nam cho biết, anh đến từ TP.Phú Quốc (Kiên Giang) và đã đến rất nhiều lần. Nhưng khi PV hỏi sau những lần cắt lể thấy thế nào thì người này không nói mà chỉ nói “thấy đến nhiều lần là biết đỡ rồi”. Còn người nữ mới đến lần đầu.

Bộ dụng cụ giác hơi dùng để hút máu và được lau sơ khi sử dụng

Xuân Phúc

Sau khi nghe điện thoại xong, trực tiếp ông Khương dùng tay trần cắt lể cho cô gái ở chân, lưng và vẫn dùng dụng cụ giác hơi để hút máu ra giống như vợ ông làm lúc nãy. Đang cắt cho người nữ, vợ “thầy” Khương tiếp tục kêu người nam vào để cắt. Việc làm này có vẻ rất tự nhiên, họ sẵn sàng để khách dùng điện thoại ghi hình quá trình cắt lể kinh hoàng này. PV cũng đã ghi lại những hình ảnh chữa bệnh kiểu lạ đời của vợ chồng ông Khương.

Chiều 7.5, PV Thanh Niên liên hệ với ông Nguyễn Văn Bé Hai, Chánh thanh tra Sở Y tế Vĩnh Long, để cung cấp thông tin và đề nghị phối hợp kiểm tra nhưng vị này nói: “Ngày nghỉ khó tập hợp anh em, tôi ghi nhận phản ánh của báo và sẽ liên hệ Phòng Y tế Long Hồ kiểm tra. Riêng cơ sở trên là được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền, nhưng việc cắt lể là không được phép, chỉ được khám chữa bệnh đông y, châm cứu…”.

Ông Khương nói đau đâu cắt đó. Sau một hồi vết thương được cắt và hút từ ống giác hơi ra rất nhiều máu, cô gái ngồi dậy, vợ ông Khương tiếp tục cắt phần vai sau của cô gái, rồi tiếp tục dùng ống giác hơi hút máu.

Nam bệnh nhân vào giường bên cạnh cởi áo nằm, được “thầy” Khương dùng tay và chân trị bệnh. Sau đó, đến phần cắt lể giống như những người trước. Chứng kiến toàn bộ quá trình trị bệnh của 2 nhân vật này khiến PV không khỏi rùng mình và quan ngại về khả năng nhiễm khuẩn rất cao, dễ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm về máu…

Sau mỗi lần cắt lể bằng tay trần, ông Khương rửa qua loa với nước và tiếp tục cắt lể cho người khác. Vợ ông Khương cho biết nghề cắt lể này do chồng truyền lại và 2 người thay phiên cắt lể cho khách.

Theo vợ ông Khương, cơ sở làm việc từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần, nghỉ ngày thứ hai và các ngày rằm. Đông khách nhất là các ngày cuối tuần, có cả những khách từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Thời điểm PV ghi nhận đã cuối giờ chiều, nhưng trong chưa đầy 60 phút, hai vợ chồng ông Khương đã cắt lể cho 3 khách.

Cảnh báo nhiều hậu quả nghiêm trọng

Ngày 9.5, trong vai bệnh nhân, PV Thanh Niên đã liên hệ qua số điện thoại ông Khương và được người này cho biết mình tên là Sang. “Khương hay Nguyễn Thanh Sang gì cũng là tôi hết”, ông Khương nói.

Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Bình Cư, Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa (H.Long Hồ, Vĩnh Long), xác nhận có nghe nói cơ sở điều trị bệnh y học cổ truyền trên của ông Khương điều trị đông y và cắt lể nhưng không biết là có được phép thực hiện các biện pháp đó không. Bà Cư cho biết trước dịch Covid-19, cơ sở này có rất nhiều người đến chữa bệnh và tên của người hay được gọi “thầy” Khương là Nguyễn Thanh Sang.

Ông Nguyễn Phương Trình, Chủ tịch Hội Đông y Vĩnh Long, khẳng định việc sử dụng hình thức cắt lể để chữa bệnh là không được phép sử dụng vì có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như: nhiễm trùng máu, lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV…

“Cắt lể là cách chữa bệnh dân gian có từ xưa. Tuy nhiên, chưa chứng minh được hiệu quả và có thể gây nguy hiểm nên đây là phương pháp chưa được Bộ Y tế cho sử dụng tại các cơ sở điều trị đông y. Các cơ sở điều trị đông y được cấp phép chỉ được sử dụng các hoạt động như: xoa bóp, bấm nguyệt, châm cứu… Cơ sở muốn bán thuốc, hốt thuốc, sản xuất thuốc phải được Sở Y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được bán, hốt thuốc và phải có nhãn mác ghi rõ ràng nơi xuất xứ, thành phần, công dụng của thuốc”, ông Trình nói.

Ông Trình xác định giấy phép đứng tên cơ sở Thanh Khương là của một lương y khác, ông Sang (“thầy” Khương) cũng chưa phải là hội viên Hội Đông y.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.