Thế nhưng chặn ngay từ gốc các hành vi sai phạm trong lĩnh vực xây dựng mới là điều phải làm.
Đầu tiên phải nói cho rõ rằng, sở dĩ dư luận hoan nghênh bởi trước đây rất nhiều công trình công khai vượt tầng, vượt chiều cao so với cấp phép nhưng không bị xử lý. Nói tới nói lui, giải pháp nọ phương án kia rồi cuối cùng đa số các trường hợp vi phạm đều được hợp pháp hóa bằng cách quy ra tiền. Bởi theo Nghị định 121, khi công trình thỏa mãn một số điều kiện thì chủ đầu tư được nộp phạt cho phần vi phạm xây dựng, bằng 40 - 50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án. Rõ ràng, số tiền nộp phạt thì chẳng ăn thua gì so với khoản lợi nhuận mang lại từ việc tăng chiều cao hay lấn thêm tầng của chủ đầu tư. Điều này đã tạo ra tâm lý cố tình vi phạm rồi chờ đợi được hợp pháp hóa bằng số tiền nộp phạt tượng trưng. Muốn biết tường tận, chỉ cần lên mạng search một cái sẽ ra một danh sách kết quả ở khắp cả nước. Tại TP.HCM thời điểm giữa năm 2020 Sở Xây dựng đưa ra các tiêu chí phân loại công trình vi phạm trật tự xây dựng nhằm giải quyết dứt điểm xây dựng trái phép trong đó có 3 nhóm nhà ở vi phạm xây dựng sẽ được hợp thức hóa cũng đã khiến nhiều người lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu, phát sinh tiêu cực...
Đó là lý do thỉnh thoảng có nơi tuyên bố "cắt ngọn" công trình này, cưỡng chế công trình kia vì vi phạm chiều cao sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Thế nhưng xét một cách sòng phẳng thì hầu hết các trường hợp để dự án xây dựng sai phép, mọc thêm tầng, đôn thêm chiều cao... lỗi đầu tiên là của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát. Chưa kể, việc để công trình "mọc" cao lên rồi mới "cắt ngọn" còn gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Đã đành là sai thì phải đập nhưng cứ hình dung một cao ốc "đội" 1 - 2 tầng, cao thêm 3 - 5 m cũng là bạc tỉ bỏ ra đầu tư phải đập bỏ. Rồi thì sức người, sức của, thời gian, những ảnh hưởng về môi trường, cảnh quan, họp hành, công văn, giấy tờ, giải pháp... để xử lý hậu quả của việc này rất nhiều, kéo dài cả năm tới vài năm.
Thế nên mới nói cắt ngọn là giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhất để các chủ đầu tư không dám vi phạm nữa nhưng bản chất cũng chỉ là chính quyền sửa sai lỗi của mình. Thực tế chúng ta đều biết, không hề đơn giản để một dự án, một công trình có thể vi phạm về chiều cao cho phép nếu không có sự buông lỏng, thông đồng của các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền kiểm tra, giám sát. Đừng nói tới các dự án cao ốc, chung cư, nhà dân chỉ cần trổ cái ban công, xe cát mới đổ xuống trước cửa là có người tới "hỏi thăm" liền. Vì thế, cắt ngọn thì rất đáng hoan nghênh rồi nhưng đi kèm với cắt ngọn là xử lý tới nơi tới chốn, chứ không phải chỉ cảnh cáo rồi chuyển công tác những người để xảy ra tình trạng này, thì mới mong hạn chế tình trạng vi phạm trong xây dựng.
Và quan trọng hơn “cắt ngọn” chính là “chặt từ gốc” từ khi sai phạm, vi phạm xây dựng vừa mới manh nha để không lãng phí nguồn lực cho xã hội và bảo đảm pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh.
Bình luận (0)