'Cát tặc' vẫn rầm rộ vươn vòi: Hợp thức hóa cát lậu

19/01/2019 08:00 GMT+7

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, phần lớn cát dùng san lấp các công trình tại TP.HCM là bất hợp pháp, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành...

Riêng cát xây dựng, các mỏ cát tại khu vực phía nam chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu thị trường, 60 - 70% còn lại đều là bất hợp pháp.

"Cát trộm ở đâu cũng lo được hết"

Em yên tâm, cát trộm ở đâu bên công ty anh đều lo được hết
Ông T.
Cuối năm 2018, PV Thanh Niên trong vai chủ dự án cảng tại Long An đi tìm nguồn cát để san lấp mặt bằng. Qua nhiều mối giới thiệu, PV liên hệ được với ông P. (một người nằm trong đường dây chuyên cung cấp hóa đơn chứng từ cho các công ty san lấp mặt bằng). Sau nhiều lần gặp để tìm hiểu, cuối cùng ông P. dẫn theo ông T. (sếp của P.) để gặp “chốt kèo” với chúng tôi.
Tại quán cà phê ở Q.2, ông T. dẫn theo 2 “đệ tử” khi gặp PV Thanh Niên để bàn việc bán hóa đơn đỏ cho dự án san lấp cảng. Hai người đi theo ông T. rất cảnh giác theo dõi “đối tác” từ động tác nhỏ để tránh bị ghi hình. Chúng tôi nói sắp tới sẽ san lấp giai đoạn 1 với số lượng 200.000 m3 cát, giá 120.000 đồng/m3, tổng giá trị gói san lấp này là 24 tỉ đồng. Nguồn gốc cát, tất cả chi phí vận chuyển, lấp bờ bao, tàu bơm bên san lấp chịu tất cả. Nghe xong, ông T. liền nói: “Cái này là nghề của bọn anh, nên em yên tâm. Một khi công ty anh đã hợp thức hóa chứng từ thì không cơ quan thuế, công an nào kiểm tra phát hiện được sai phạm”. Khi PV hỏi cát san lấp mua cát ăn trộm ở Cần Giờ, các tỉnh miền Tây thì có làm hóa đơn đỏ được không, ông T. trấn an: “Em yên tâm, cát trộm ở đâu bên công ty anh đều lo được hết” và nói thêm: “Khi em mua hóa đơn bên công ty anh thì đảm bảo sẽ không bị cơ quan thuế kiểm tra bắt lỗi. Thủ tục đơn giản, giấy tờ xong nhanh nhất có thể”.
Để chốt hợp đồng san lấp này, ông T. cho biết: “Công ty anh sẽ lấy 5% trên tổng số 24 tỉ đồng hợp đồng san lấp để lo hợp thức chứng từ đầu vô. Nếu được thì sẽ chia cho em 0,5% tiền cà phê trong 5% bên công ty anh nhận được”.
Hai tàu chuẩn bị bơm cát san lấp lên công trình dọc bờ sông Soài Rạp (H.Cần Giuộc, Long An) Ảnh: Mã Phong
Theo ông T., nếu làm đúng luật thì bên công ty san lấp sẽ phải đóng 10% tiền thuế trên tổng số 24 tỉ đồng; phải chứng minh nguồn gốc cát hợp pháp, lấy từ mỏ nào, giấy tờ đi đường ra sao... “Nếu vậy thì hiện nay lấy đâu ra cát hợp pháp mà san lấp, có mỏ cát hợp pháp nào dám xuất hóa đơn 1 lần 200.000 m3 cát? Mua hóa đơn chỗ anh không cần chứng minh nguồn gốc cát mà chỉ đóng 5% mà an toàn. Bên anh đã làm cho nhiều công trình san lấp lớn hàng triệu mét khối cát lâu nay có ai phát hiện gì đâu (?)”, ông T. thuyết phục chúng tôi.
Theo ông Th. (một doanh nghiệp san lấp tại TP.HCM), hiện nay bất hợp lý là nhu cầu cát san lấp các công trình tại TP rất lớn, thế nhưng tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây có rất ít mỏ được phép khai thác. “Chính vì bất hợp lý đó, đa phần doanh nghiệp san lấp đều dùng cát bất hợp pháp từ Cần Giờ và các tỉnh miền Tây. Để đối phó với các cơ quan quản lý như công an, thuế..., các chủ san lấp "đi đêm" hoặc mua hóa đơn từ các công ty "ma"”, ông Th. cho biết.

Đa phần là cát bất hợp pháp

Tại buổi gặp mặt đầu năm 2019 với báo chí mới đây, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Công an TP trình đề án xử lý “cát tặc”.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, về vấn đề "cát tặc", Công an TP, UBND TP cũng đã họp bàn rất nhiều lần. Bởi vì gần 100% cát san lấp tại TP.HCM không có nguồn gốc rõ ràng. Không riêng TP.HCM mà cả phía nam đa phần cát dùng san lấp là bất hợp pháp. Kể cả dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sử dụng vốn ngân sách cũng dùng cát san lấp bất hợp pháp. Vừa qua, Công an TP đề nghị UBND TP tịch thu 3 - 4 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép. “Đây là chuyện bất hợp lý, nếu Công an TP siết thì lập tức các công trình tại TP dừng lại hết vì lấy đâu ra cát để san lấp, lấy đâu ra cát xây dựng”, ông Minh nói.
Tàu “bạch tuộc” sang cát hút trộm từ biển Cần Giờ qua một sà lan khác để đi vào bờ tiêu thụ Ảnh: Mã Phong
Ông Phan Anh Minh cho biết thêm, riêng cát xây dựng, theo điều tra thống kê, tính hết trữ lượng các mỏ cát phía nam chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu phía nam, 60 - 70% cát xây dựng còn lại là khai thác trái phép. “Vấn đề bắt là dễ, nhưng làm sao bắt mà vẫn đảm bảo các hoạt động kinh tế, xây dựng vẫn phát triển được bình thường. Theo tôi, đó là câu hỏi đặt ra rất khó”.
Theo ông A. (một chủ sà lan chuyên vận chuyển cát từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM để san lấp hoặc bán lại cho các vựa), hiện nay cát hiếm và giá thành đẩy lên cao so với những năm trước. Cát san lấp được ông A. mua từ Đồng Tháp với giá 50.000 đồng/m3, đem về TP.HCM bán lại 105.000 đồng/m3. Đối với cát xây dựng thì giá về đến TP.HCM khoảng 125.000 đồng/m3 tùy vào vị trí của vựa cát. “Cát san lấp chúng tôi mỗi lần chở trên 500 m3 từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM nhưng không có hóa đơn chứng từ. Tôi đưa cát về các công trình san lấp tại H.Nhà Bè, Q.9, Q.2... để bán”, ông A. cho biết và nói thêm, hóa đơn chứng từ cát san lấp thì người chủ công trình phải đứng ra lo cho chủ sà lan. “Nhiệm vụ của chúng tôi là mua cát không hóa đơn bán cho các chủ san lấp. Còn hóa đơn, cách đối phó với cơ quan quản lý như thế nào là chuyện của chủ công trình san lấp”, ông A. cho biết.

Kiến nghị sửa luật để xử lý hình sự “cát tặc”

Theo Bộ đội biên phòng TP.HCM, lâu nay “cát tặc” lộng hành là do luật xử lý vi phạm rất nhẹ so với lợi nhuận mang lại và có nhiều kẽ hở khiến những người hành nghề lách luật đối phó, gây khó cho cơ quan xử lý. Nghị định số 33/2017 của Chính phủ ngày 3.4.2017 về mức xử phạt hành chính đối với hành vi khai thác cát trái phép là quá thấp, không đủ sức răn đe; bộ luật Hình sự 2015 (tại khoản 1, điều 227) cũng quy định để xử lý hình sự người khai thác cát trái phép, cơ quan chức năng phải chứng minh người đó thu lợi bất chính từ 500 triệu - 1 tỉ đồng. Đây là điều không thể chứng minh cũng là nguyên nhân khiến “cát tặc” luôn lộng hành và diễn biến phức tạp. Bộ đội biên phòng TP kiến nghị: Sửa luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục tái phạm (kể cả phương tiện cho thuê mướn); sửa đổi Nghị định số 33/2017 của Chính phủ theo hướng tăng nặng mức xử phạt; xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm cắp tài sản để dễ dàng xử lý hình sự.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.