Truyền đam mê đạp xe cho con
Anh Trần Trung Hoàng (39 tuổi) đang làm nghề sửa chữa xe đạp ở TP.Hà Nội. Đam mê đạp xe của anh bắt đầu từ cách đây 4 năm khi dịch Covid-19 hoành hành. Mỗi tuần vài buổi, thay vì chạy bộ, tập gym thì anh Hoàng lại chọn xe đạp để tập thể thao cùng con trai. Những dịp đi chơi, dạo phố anh cũng cùng Trần Khởi Minh chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển.
Sau khi tập đạp xe được nửa năm, anh Hoàng luôn nung nấu ý định phải một lần vượt thử thách xuyên Việt bằng xe đạp. "Thế là chuyến đi đầu tiên tôi đã đạp xe từ Hà Nội đến Cà Mau trong 22 ngày", anh Hoàng kể lại.
Nhờ đạp xe xuyên Việt, anh cảm thấy bản thân trầm lắng hẳn, sức khỏe được tăng cường, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, cho nên anh luôn hướng con trai đạp xe nhiều hơn. Dần dần, Khởi Minh lại thích đạp xe cùng bố nhiều hơn.
Hè 2019, chuyến đi xa đầu tiên của Khởi Minh chỉ trên dưới 8 km. Tuy nhiên, các chuyến đi sau lại lên tới cự ly 90 km, kèm chinh phục các đỉnh Tam Đảo, Ba Vì. Thậm chí có quãng đường đi và về gần 300 km Minh cũng tự tin vượt qua. Cứ thế, mỗi lần đạp như vậy giúp Minh nâng cao thể lực, cải thiện thể trạng cũng như kinh nghiệm khi di chuyển trên đường.
"Cũng hè này, Minh lại có ước mơ được một lần đạp xe xuyên Việt và tôi không nghĩ cho con đi. Nhưng cơ duyên từ một giải đạp xe ở Quy Nhơn mà tôi đã đăng ký cho Minh cùng đi", anh Hoàng chia sẻ.
Hơn 1.000 km hành trình đạp xe
Với trạng thái sung mãn, thể lực dồi dào, ngày đầu tiên hai bố con xuất phát từ Thủ đô Hà Nội rồi đạp xe đến tận TP.Vinh (Nghệ An) với quãng đường gần 300 km chỉ trong 1 ngày. Sau đó lại đạp xe đến Đồng Hới (Quảng Bình), Huế, vượt đèo Hải Vân đến Đà Nẵng, Quảng Nam, trung bình mỗi chặng Minh đã vượt trên dưới 120 km. Chưa dừng lại, Minh cùng bố tiếp tục hướng về Tây nguyên đến các tỉnh như: Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai.
Một trong những chặng đường ấn tượng nhất của Minh là vượt 36km đèo Lò Xo, bởi nơi đây có độ dốc cao, uốn lượn, từng vòng quay xe đạp của Minh ngày càng trở nên nặng nhọc hơn và gần như đã vắt hết sạch sức lực. Chưa kể, sáng nắng nhưng chiều mưa, hai kiểu thời tiết như vậy với dân đạp xe chuyên nghiệp còn khó chịu huống hồ chi đứa bé mới 12 tuổi. "Nhưng không, tôi tin con trai mình lại vượt qua được những đoạn đường đó. Chỉ cần tối nghỉ ngơi đến sáng bé đã phục hồi và đi tiếp", anh Hoàng cho hay.
Hiện tại Minh và bố đã đến Buôn Ma Thuột, đồng thời đích đến cuối cùng sẽ kết thúc ở Buôn Ma Thuột để dự giải đạp xe cự ly 300 km. Tuy nhiên, theo anh Hoàng dự kiến sau giải sẽ cho Minh đạp tiếp xuống Nha Trang, leo đèo Khánh Lê đến Đà Lạt, sau đó đổ đèo Bảo Lộc để đến điểm kết thúc cuối cùng ở TP.HCM và bay về Hà Nội.
Sau hành trình 1.000km, Minh chia sẻ đã học hỏi được nhiều điều, về cách tham gia an toàn giao thông, nâng cao ý chí, học được kỹ năng sống, khám phá và biết thêm nhiều cảnh đẹp của đất nước. Minh thích nhất cảnh đường dọc bờ biển và đèo Hải Vân, nó thật hùng vĩ. Và nhất là cảm thấy vui khi được đạp xe đi như vậy. Minh nghĩ đầu năm học này sẽ kể lại cho bạn cùng lớp về hành trình đáng nhớ này.
Còn anh Hoàng chia sẻ việc cho Minh đạp xe xuyên Việt là điều mà anh luôn cân nhắc. Tuy nhiên, trước khi đi anh luôn tạo sự đam mê, thử thách cho Minh trong những lần đi chơi bằng xe đạp. Kế đến là sự chuẩn bị thể lực, kế hoạch đi, xe đạp thật tốt, vật dụng bảo vệ chuyên dụng, thực phẩm dinh dưỡng, kỹ năng đạp xe. Suốt hành trình anh luôn dõi mắt, nhắc nhở con trai để tránh nguy hiểm trên đường.
"Mới 12 tuổi mà tôi cho đi xuyên Việt cũng gặp nhiều sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên, với tôi trên thế giới trẻ em cũng đã tập luyện thể thao từ rất sớm, do vậy không có thước đo nào chuẩn độ tuổi, quá sức để đi như vậy. Nhưng thực tế cho thấy Minh đã đạp tốt như thế nào", anh Hoàng nói và hy vọng sau hành trình của Minh nhiều cha mẹ có cái nhìn khác hơn về đạp xe và sớm cho bước ra "biển lớn".
Bình luận (0)