Cậu bé gây nhiều bất ngờ

17/04/2015 06:29 GMT+7

Nếu chỉ dựa vào vài phút gặp gỡ lần đầu mà vội nhận xét về cậu bé tự kỷ Võ Trần Trung Hiếu thì rất dễ bị... bé cái nhầm.

Nếu chỉ dựa vào vài phút gặp gỡ lần đầu mà vội nhận xét về cậu bé tự kỷ Võ Trần Trung Hiếu thì rất dễ bị... bé cái nhầm.

Võ Trần Trung Hiếu dệt vải dưới sự hướng dẫn của giáo viên - Ảnh: Như LịchVõ Trần Trung Hiếu dệt vải dưới sự hướng dẫn của giáo viên - Ảnh: Như Lịch
“Em tên gì?”. Đáp lại câu hỏi của tôi, Hiếu cúi gằm mặt, phát âm khó nhọc. Thầy Nguyễn Đình Võ (giáo viên Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, TP.HCM) khuyến khích học trò: “Ngẩng đầu lên đi Hiếu! Nói to lên nào!”. Đến khi hỏi tuổi, cậu bé cũng vẫn rụt cổ, ánh mắt cứ hướng xuống nền nhà. Thầy Võ đề nghị: “Hiếu viết năm sinh vào vở nhé?”. Cậu bé cầm bút, viết những nét run rẩy: 1999.
Ấy vậy mà, chỉ vài phút sau, khi nhạc trỗi lên, Hiếu như “lột xác” trở thành con người khác! Em đứng trước đám đông tự tin hát trọn vẹn và truyền cảm bài Quê hương tuổi thơ tôi của nhạc sĩ Từ Huy: Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre/Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi/Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm/Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng/Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy... Quá đỗi bất ngờ, nhiều người đã kéo lên sân khấu múa phụ họa cho Hiếu (trong đó có MC Thanh Bạch, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm).
Theo thầy Nguyễn Đình Võ, từ lúc phát hiện Trung Hiếu có tiềm năng ca hát, thầy và những giáo viên trong trường luôn tạo điều kiện cho Hiếu thể hiện mình. Thậm chí, trong những lần đi siêu thị, Hiếu cũng thường được hát ở quầy karaoke.
Trước khi Hiếu trình diễn bài hát Quê hương tuổi thơ tôi ở sự kiện “Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”(diễn ra tại Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP.HCM ngày 2.4), thầy Võ và Hiếu cùng nhau trải qua biết bao thử thách, kiên nhẫn tập luyện suốt hơn 2 tuần lễ.
Nhưng bất ngờ không chỉ có vậy! Sau một chút lúng túng khi mới ngồi vào khung dệt, Hiếu bắt đầu chú tâm đưa con thoi qua lại, đưa cần gạt chỉ lên xuống và điều khiển bàn đạp khá thuần thục. Thầy Đàm Văn Vũ, giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ lớn tại Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, khoe: “Lúc mới học dệt, Hiếu mau quên và không tự tin, tay cầm con thoi cứ run run. Nhưng sau khoảng 1 năm, Hiếu tiến bộ hơn hẳn so với những bạn cùng lứa. Đến nay, em đã dệt được một số tấm vải thô”.
Ông Võ Quang Trung, cha của Hiếu tâm sự, lúc Hiếu 1 - 2 tuổi, gia đình thấy con có những biểu hiện khác thường. Tuy nhiên, thời gian đó có quá ít thông tin về bệnh tự kỷ cũng như trường lớp chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Đặc biệt, hiếm phụ huynh nào thừa nhận con mình mắc hội chứng này. Mãi đến khi lên 11 tuổi, Hiếu mới được gia đình cho đi học ở trường chuyên biệt. Ông Trung ngậm ngùi: “Nếu chúng tôi biết sớm thì đã đưa con đi can thiệp sớm, bây giờ chắc cháu tiến bộ nhiều hơn. Theo tôi, cha mẹ phải chấp nhận và sống chung với khiếm khuyết của con, không nên né tránh và ruồng rẫy con mình”.
Dù vậy, khi so sánh hình ảnh của chính con mình trong quá khứ, người cha tỏ vẻ lạc quan: “So với trước đây, Hiếu tiến triển đến không ngờ. Cháu đã biết tự làm vệ sinh, biết cầm đũa ăn, biết chạy xe đạp, biết làm thiệp, biết đá bóng, làm việc nhà, mê âm nhạc, biết dệt, biết tính tiền… Chỉ có điều, gặp người lạ là cháu hay bị mất bình tĩnh”.
Kể ra, cậu bé này cũng khá đa năng đấy chứ! Đâu phải như định kiến của một số người rằng tự kỷ toàn là “đồ bỏ đi”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.