Cậu bé nhà nghèo mắc bệnh ‘muỗi cắn cũng có thể gây tử vong’

18/01/2019 12:03 GMT+7

Bệnh nhân 14 tuổi được truyền gần 6 lít máu để qua khỏi nguy kịch vì xuất huyết cơ thắt lưng ồ ạt do mang căn bệnh “muỗi cắn cũng có thể gây tử vong”.

Hôm nay (18.1), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông tin trường hợp đặc biệt của bệnh nhân D.H.T, 14 tuổi, ngụ xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Em bị bệnh máu khó đông Hemophilia A bẩm sinh. Căn bệnh này được gọi ví von “bệnh muỗi cắn cũng có thể gây tử vong”. Bởi lẽ, chỉ cần một trầy xước nhỏ là tay chân bệnh nhân bầm, chảy máu, sưng vù ngày càng to, nguy hiểm nhất là máu cứ chảy hoài không cầm được.
Bệnh nhân được Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với chẩn đoán: sốc mất máu, theo dõi xuất huyết nội, Hemophili A.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, qua siêu âm và chụp CT, bác sĩ đánh giá em bị xuất huyết nặng cơ thắt lưng, máu chảy tràn đầy khoang sau phúc mạc không cầm được, cũng không mổ can thiệp được. Tình trạng bệnh máu và rối loạn đông máu nặng của em nếu mổ rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, các bác sĩ rất khó khăn trong cấp cứu sốc mất máu, nhiễm trùng phổi nặng cho bệnh nhân.
Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, suy hô hấp nhanh chóng nên các bác sĩ quyết định đặt ống thở máy, chống sốc và truyền liên tục hồng cầu lắng, kết tủa lạnh và các chế phẩm máu, thuốc đặc trị.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đạt Thịnh, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ước tính có khoảng gần 6 lít máu đã được truyền liên tục để giữ mạng sống cho bệnh nhi.
Em T. đã được hồi sức tích cực, bồi hoàn máu và điều chỉnh rối loạn đông máu, điều trị viêm phổi suốt nửa tháng.
Hiện tại, tình trạng chảy máu, viêm phổi của bệnh nhi đã được cải thiện. Em đã được cai máy thở, ổn định sức khỏe và tiếp tục được theo dõi ở Khoa Ung bướu Huyết học.
Dự kiến sắp tới em có thể xuất viện.

14 năm chật vật xoay tiền chữa bệnh

Hơn nửa tháng chăm con được hồi sức tích cực trên giường bệnh, đã biết bao lần ba mẹ của T. khóc ngất lo lắng cho cậu con trai ngoan nằm li bì, da xanh xao đầy vết bầm, tứ chi gắn truyền liên tục chế phẩm máu cả ngày lẫn đêm.
Đã 14 năm qua, mỗi lần xuất huyết như thế, ba mẹ lại phải khăn gói đưa em đi bệnh viện, truyền máu, chi phí tốn kém. Em T. bị bệnh bẩm sinh, do nhà nghèo, ba mẹ làm nông vất vả nên mỗi lần nhập viện đều cơ cực.
Cùng trang lứa, nhưng không được như các bạn, T. thường xuyên phải vừa đi bệnh viện xen kẽ với đi học. Bệnh làm em phải nhập viện liên tục, gương mặt hốc hác xanh xao, tay chân gồ ghề in hằn những dấu vết của bệnh. Thế nhưng, suốt 8 năm học, T. luôn đạt học sinh khá, giỏi.
Em phải hạn chế không chơi các trò chơi và các môn thể thao dễ va chạm. Sau giờ học, em phụ ba mẹ việc nhà và dạy em trai học bài.
Hiện nay, thu nhập chính của gia đình em chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng mỗi tháng, dựa vào nghề làm nông ít ỏi của ba mẹ. Gia đình phải chật vật xoay xở tiền bạc nhiều năm nay, nào là tiền lo hai anh em ăn học, tiền thuốc men, tiền truyền thuốc giảm đau cho T, đặc biệt là chi phí lớn mỗi lần T. phải từ Bến Tre về TP.HCM nhập viện, điều trị. Có đợt, em bị biến chứng xuất huyết não, nhiễm trùng và nằm viện kéo dài, viện phí lên đến hơn 100 triệu đồng.
Nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lần này, nhờ sự vận động và hỗ trợ của các y bác sĩ, nhân viên y tế các khoa phòng, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện và quý mạnh thường quân, gia đình bệnh nhi mới đỡ được phần nào chi phí.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: Y văn thế giới ghi nhận, hầu hết bệnh nhân Hemophilia là nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh khi sinh là 1/10.000 trẻ trai mới sinh.
Người bệnh Hemophilia càng nặng thì biểu hiện càng sớm. Triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu tập đứng và lẫm chẫm tập đi. Sau những lần ngã thường có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu môi, lưỡi.
Bệnh có biểu hiện đa dạng như: chảy máu bất thường, tự nhiên hoặc sau phẫu thuật, có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng cơ và khớp thường hay bị chảy máu hơn. Vì thế nhiều người bệnh nhầm tưởng là bệnh của cơ, khớp.
Đặc biệt, trẻ mắc bệnh máu khó đông có thể chảy máu không cầm được chỉ với vết thương rất nhỏ, thậm chí là vết muỗi cắn.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có kết quả tốt đối với sức khỏe người bệnh, góp phần hạn chế tối đa những biến chứng không đáng có, giảm được chi phí tốn kém do điều trị biến chứng muộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.