Cậu bé sáng đi học, tối bán kem, phụ cha mẹ nuôi em

10/04/2021 07:34 GMT+7

'Yaourt, kem chuối đây. Anh ơi nay có mua kem chuối giúp em không?', cậu bé Khoa vừa rao vừa đẩy xe đi dọc các con hẻm đường Nguyễn Duy, Q.8, TP.HCM.

“Em rất thương mẹ”

Nguyễn Đăng Khoa, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Trần Danh Ninh, Q.8. Bà con sống ở các con hẻm trong P.8 và P.9 (Q.8) đã quen với tiếng rao của cậu. Ban ngày tới trường, chiều tối đi bán kem, 2 ngày cuối tuần cậu bé cũng rảo bộ với thùng kem của mình, mong phụ giúp cha mẹ có thêm tiền nuôi em.
17 giờ 30 một ngày đầu tháng 4, thay quần lửng, áo thun, ăn tạm chén cơm, Khoa chạy ra chiếc xe, mẹ đã để sẵn thùng xốp với đầy đủ hàng. Xỏ đôi dép tổ ong, Khoa đẩy xe thoăn thoắt, gặp ai cũng niềm nở mời chào: “Chú ơi, nay mua kem chuối giúp con không?”, “Cô ơi, yaourt (sữa chua) hôm nay ngon lắm, mua giúp con nha”. Gặp khách quen trong chợ, cậu bé gọi: “Dì Oanh ơi, dì mua kem chuối nha”. Chị Kiều Oanh, chủ tiệm tóc ở số 21 Mai Am vẫy Khoa, mua 10 bịch yaourt và động viên: “Đi cẩn thận nha con”. Mồ hôi ướt đầm trên khuôn mặt đen nhẻm, Khoa cười tươi, dõng dạc: “Dạ, con cảm ơn dì”.
“Cho anh 5 yaourt, 5 kem chuối. Tặng em cái túi này, em đeo sát vô người để đựng tiền kẻo rớt”, anh Tuấn Khanh, chủ tiệm bán xe máy ở 39A Nguyễn Duy, bảo Khoa. Anh Tuấn Khanh nói với chúng tôi: “Bé dễ thương lắm. Nhỏ mà bán hàng rất khéo, biết chào hỏi ngoan ngoãn, biết trò chuyện để làm quen. Sau này nó được học hành đàng hoàng chắc chắn sẽ thành công”.
Khoa kể, em mới bán kem 2 tháng nay, trước em đi bộ, giờ có người tặng cho chiếc xe đạp. Ba mẹ dặn em chỉ bán ở một số đường quen gần nhà từ cầu Chữ Y tới Trường THCS Lý Thánh Tông để an toàn và chỉ bán tới 19 giờ để còn về tắm rửa, ăn cơm, học bài. Mẹ còn dặn, nếu ai đưa tiền thì nhớ cầm 2 tay, gặp bà cụ nào bán vé số, xin ăn khổ cực, nhớ biếu cụ bịch yaourt, không đáng bao nhiêu tiền, nhưng giúp các cụ đỡ mệt nhọc ngày nắng.
Cậu bé 12 tuổi thật thà: “Em có em gái Đậu Bắp. Em chỉ muốn kiếm một ít tiền để phụ mẹ mua sữa, tã nuôi Đậu Bắp và sắm đồ đi học. Ngày em còn nhỏ, chiều nào mẹ cũng rước em từ trường rồi đi tới trung tâm thương mại bên Q.7 để mẹ rửa chén, phụ bếp, tối mịt hai mẹ con mới về. Tới giờ, mẹ đã làm đủ nghề, em rất thương mẹ”.

“Mẹ ơi đủ mua tã cho đậu bắp chưa?”

Ngôi nhà nhỏ của Khoa ở 14D/4 Nguyễn Duy, thực tế đây là nơi ở chung của ông bà ngoại, gia đình Khoa và các cậu, dì bên ngoại. “Ban ngày mọi người đi làm cả, tối về cần chỗ ngả lưng thôi. Ngày tết thì nhà không đủ chỗ dựng xe”, chị Trương Thị Ngọc Bích (37 tuổi), mẹ của Khoa, cười ngượng nghịu khi thấy chúng tôi ghé thăm nhà.
Chị Bích tâm sự, tiền học phí của Khoa không đáng kể, nhưng bé Đậu Bắp mới được 19 tháng tuổi nên chi phí tã, sữa cũng nhiều. Chồng chị làm bảo vệ cho một công ty, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, anh mất việc, đang chạy xe ôm. Từ ngày sinh em bé, chị không bán bún thịt nướng và hủ tiếu dạo như trước được nữa. Chị làm kem và nhiều món giải khát, trước đây cả 3 mẹ con bồng bế nhau đi khắp ngõ hẻm để bán. 2 tháng trở lại đây, thương mẹ, thương Đậu Bắp còn nhỏ phải đi lang thang nhiều, Khoa xin phép mẹ cho em tự đi bán một mình. Mỗi ngày em bán chừng 2 tiếng buổi chiều, thứ bảy và chủ nhật thì bán thêm buổi sáng.
Người mẹ rưng rưng: “Nhìn con ngày nắng chang chang vẫn chở cái thùng kem đi bán, tôi thương con đứt ruột. Mỗi ngày tôi cho con bỏ ống heo mấy chục ngàn. Hôm trước bán được hết thùng kem, mang về 200.000 đồng, con hỏi “mẹ ơi chỗ này đủ mua bịch tã cho Đậu Bắp chưa”, tôi chảy hai hàng nước mắt. Tôi nói với con, ráng học hành, nhất là Anh văn, để sau này dù có đi phụ bàn, rửa chén thì con vẫn có cơ hội nhiều hơn người khác nên con vâng lời mẹ, con nói tiết kiệm tiền bán kem để học thêm tiếng Anh”.

Xúc động và trân quý

Bà Nguyễn Thị Tâm, hàng xóm và là trưởng khu phố 1, P.9, Q.8, nhớ nhất hình ảnh cậu bé Khoa trưa nắng nào cũng khoác chiếc ba lô, tự đi bộ từ trường ở chân cầu Chữ Y về nhà trong con hẻm đường Nguyễn Duy. “Cha mẹ cháu nuôi dạy con cái rất đàng hoàng. Cháu gặp ai cũng chào hỏi. Lúc không đi bán kem thì ở nhà bồng em, nhà nghèo nhưng cháu có ý chí lắm”, bà Tâm khen.
Ngày chúng tôi tới ngôi trường mà em Khoa đang học, nhìn những hình ảnh Khoa đạp xe chở theo thùng kem, len lỏi qua các con hẻm mà PV Thanh Niên ghi lại, thầy Ngô Văn Doanh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Danh Ninh, rưng rưng: “Tôi nhìn hình ảnh và hình dung ra cuộc sống đời thường của em Khoa, tôi xúc động và thấy trân quý lắm. Hình ảnh đó đẹp, giữa thành phố ồn ào này”.
Thầy Doanh chia sẻ, trên lớp Khoa là cậu học sinh ngoan, hiếu động, chăm chỉ, lễ phép. Nhà trường có quỹ học bổng khuyến học dành cho những bạn vượt khó học tốt. Sau khi biết câu chuyện về Khoa, chắc chắn các thầy cô sẽ động viên Khoa để em cố gắng học giỏi, phát huy những việc tốt em đang làm, nếu em xứng đáng sẽ được nhà trường trao tặng học bổng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.