Cậu bé từ 18 tháng tuổi đã theo mẹ đi phượt khắp nơi

25/09/2022 06:05 GMT+7

Từ khi con còn nằm trong bụng mẹ, chị Dương Thị Kim Cảnh đã lên kế hoạch và mong con chào đời khỏe mạnh để đưa con đi phượt. Khi con cai sữa thành công, cũng là hành trình con cùng mẹ khám phá mọi miền đất nước.

Hình ảnh chị Dương Thị Kim Cảnh (ngụ Đại Từ, Thái Nguyên) đưa con trai của mình đi phượt khắp nơi từ khi con mới 18 tháng tuổi khiến nhiều người phải xuýt xoa và mong ước có những chuyến đi trải nghiệm như vậy. Tuy nhiên, cũng không ít người dành những lời lẽ “ném đá” khi cho rằng “điên, hành xác”. Nhưng với chị Cảnh, mỗi người sẽ có cách nuôi dạy con khác nhau và chị chọn cách cho con được trải nghiệm, được hòa mình với thiên nhiên nhiều hơn để con được khỏe mạnh, cứng cỏi hơn mỗi ngày.

Người mẹ đơn thân được ví như “google map chạy bằng cơm”

Không phải ngẫu nhiên mà chị Cảnh lại đưa con nhỏ đi phượt khắp nơi, với kinh nghiệm nhiều năm độc hành cùng chiếc xe máy chinh phục mọi miền đất nước, chị mới dám tự tin đưa con cùng đi một cách an toàn.

Chị Cảnh cho con trải nghiệm để rèn sự cứng cỏi và bản lĩnh

nvcc

Chị Cảnh kể đã có thâm niên 8 - 9 năm đi phượt xuyên Việt, mà nói như chị là đi từ cái ngày còn chưa biết đó là đi phượt, cứ thích là xách xe máy đi khắp nơi, mãi sau mới biết người ta gọi đấy là đi phượt.

“Năm 2017 mình độc hành đi phượt xuyên Việt trong 32 ngày đêm. Các cung đường như Đông Bắc, Tây Bắc là thuộc làu làu luôn, mà mình hay nói vui là thuộc đến cả đường chuột chạy, nhớ từng vị trí cột mốc. Thậm chí, rất nhiều bạn bè hay ví mình như cái Google Map chạy bằng cơm”, chị Cảnh hài hước chia sẻ và cho biết chị đi phượt từ lúc còn là giáo viên, tranh thủ từ chiều thứ sáu hết tiết là bắt đầu đi và cứ trước 7 giờ thứ hai có mặt ở trường để chào cờ đầu tuần.

Tôi hỏi chị Cảnh: “Là phụ nữ sao chị thích một mình phượt khắp đó đây?”. Chị nói: “Mình là phụ nữ nhưng cá tính rất mạnh, mỗi lần đi phượt như vậy mình trải nghiệm được nhiều thứ lắm. Quan điểm của mình là khi thích cái gì, đặt ra mục tiêu gì rồi là phải làm cho bằng được”.

Rồi chị kể thêm: “Như ngày xưa ở quê mình con gái đâu được cho đi học lên cao đâu, nhưng bằng mọi giá mình cố gắng đi học, ra trường mình đi dạy tiểu học, dạy được 9 năm và có biên chế rồi nhưng lại quyết định nghỉ việc vì cảm thấy nghề giáo không phù hợp. Dẫu trước đó cố thi bằng mọi giá để được đi học và sau này đi dạy, nhưng thấy không hợp là mình vẫn bỏ”.

Sau khi nghỉ dạy, chị Cảnh đi học thêm đông y và về nối nghiệp gia đình. Hiện chị bán các sản phẩm dược liệu từ các bài thuốc gia truyền.

Chị Cảnh đưa con trai của mình đi khám phá mọi miền đất nước trên chiếc xe máy

NVCC

Con khỏe mạnh hơn sau mỗi chuyến đi

Chị Cảnh muốn truyền niềm đam mê đi phượt của mình cho con, nên khi con được 18 tháng tuổi và cai sữa thành công thì chị đưa con đi những cung đường ngắn ngày đầu tiên. Sau đó chị lên kế hoạch đưa con đi khắp mọi miền.

Hiện tại, cậu con trai được gần 28 tháng tuổi đã đi tất cả các tỉnh phía bắc và có một chuyến phượt dài ngày từ Thái Nguyên vào Thừa Thiên- Huế cùng mẹ. Sắp tới, chị đang lên kế hoạch để con tiếp tục chinh phục các tỉnh phía nam.

Chị Cảnh cho biết nhờ những chuyến đi nên con khỏe và hầu như chưa bị bệnh bao giờ. “Là con trai nên con phải khỏe mạnh, muốn khỏe mạnh thì không thể cứ nhốt con ở nhà, phải cho trải nghiệm hết mọi thời tiết ở các vùng miền, từ nơi 0 độ, 1 độ hay trên 40 độ vẫn thích ứng được. Khi con thích ứng được với các loại thời tiết ở nhiều địa hình khác nhau mà vẫn không ốm, tức là cơ địa của con sẽ thích ứng được với tất cả sự khắc nghiệt và có được sức khỏe tốt”, người mẹ trẻ bày tỏ.

Chị Cảnh muốn truyền niềm đam mê đi phượt của mình cho con

nvcc

Chị Cảnh cũng cho rằng khi con được va chạm với xã hội, bươn chải với mẹ từ nhỏ, thì sau này rèn cho con tính cách mạnh mẽ. “Vì mình là mẹ đơn thân, nếu lỡ sau này mình gãy cánh hoặc có rủi ro gì thì con sẽ là đứa trẻ bơ vơ. Nên bắt buộc mình cần cho con trải nghiệm, để rèn sự cứng cỏi và bản lĩnh. Và mình luôn tâm niệm bé nuôi con khỏe, lớn dậy con khôn, nên việc đầu tiên là nuôi sao cho con khỏe”, chị Cảnh tâm sự.

Dù nhiều lúc bị mọi người nói “điên, hành xác”, nhưng chị Cảnh cho rằng: “Cuộc sống của mình thì vẫn là mình quyết định, không thể cứ theo dư luận, cách lựa chọn nuôi con như thế nào là do mỗi người mẹ quyết định. Mình chăm con đến thời điểm này vẫn không hối hận gì và con đi học luôn được cô khen là rất ngoan, rất tự lập. Phượt là đam mê của mình thật, nhưng mình cũng không nghĩ sẽ đưa con đi được nhiều nơi như thế, nhưng cứ sau mỗi chuyến đi con lại khỏe hơn nên càng có động lực để đưa con đi nhiều chuyến hơn nữa”.

Mỗi chuyến đi tùy thuộc điều kiện thời tiết mà chị Cảnh sẽ cho con được trải nghiệm cắm trại ngoài thiên nhiên và ngủ trong lều trại. Thậm chí, trong đợt đến khu vực miền Trung, chị cùng con mắc võng ven biển để ngủ qua đêm. Nhờ đó mà con chị rèn được sự cứng cỏi và vượt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết, cũng như có nhiều trải nghiệm thú vị khi còn nhỏ.

Không khuyến khích bố mẹ nào cũng đưa con đi phượt

Mặc dù chị Cảnh cho biết con chị nhờ đi nhiều mà biết nhiều và mạnh dạn trước đám đông, cũng như khỏe mạnh hơn, nhưng chị nói: “Mình cũng không khuyên các bạn đưa con đi phượt như mình đâu, nhưng nếu đi thì nên lưu tâm đến cung đường, địa hình, tất cả vấn đề rủi ro có thể xảy ra. Đừng có bất chấp tất cả để mà đi. Vì việc đưa con đi ngoài đường là việc làm cũng không hề an toàn, nếu không đủ kỹ năng và kinh nghiệm thì rất nguy hiểm cho trẻ. Bản thân mình thì mình tự tin đã có những kỹ năng sinh tồn khi đi phượt, nhưng mình chỉ tự tin với con của mình thôi, chứ mình không tự tin để khuyên mọi người nên đưa con đi phượt”.

Nếu đi thì nên đi bằng ô tô

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy, làm việc tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khuyên các bậc phụ huynh nếu đưa con nhỏ đi phượt thì nên đi bằng ô tô. Khi đi phượt từ nơi này sang nơi khác, có sự thay đổi về thời tiết thì phải dự đoán được trước thời tiết nơi mình đến để có những sự chuẩn bị trang phục phù hợp. Như nơi lạnh thì cần giữ ấm cho bé, nơi nóng thì cần có đồ mát, thoáng. Với các bé đã đến độ tuổi tiêm chủng thì cần tiêm đầy đủ các loại bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cũng như là những bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp. Nên mang theo những loại thuốc cấp cứu như: giảm đau, hạ sốt, điều trị tiêu chảy và vật tư y tế khi có chấn thương xảy ra để sơ cấp cứu tại chỗ. Khi cắm trại cần chuẩn bị túi ngủ để giữ ấm và tránh côn trùng đốt bé.

Còn theo anh Lê Trần Thiện Long, chủ kênh YouTube “Đi là đến Official”, các con ở độ tuổi nhỏ nên được trải nghiệm những chuyến dã ngoại, cắm trại ngắn ngày trước để các con dần thích nghi và tăng sức đề kháng dần lên với môi trường tự nhiên. Sau đó, có thể tăng dần thời gian hành trình, và độ khó của môi trường thiên nhiên khi các con đã dần quen, chứ không nên đưa các bé đi phượt hành trình dài ngay từ khi còn quá nhỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.