Câu cá hố ở Hoàng Sa - Trường Sa

04/09/2023 07:00 GMT+7

Làng Cổ Lũy Nam (xã Nghĩa Phú) và làng Phổ Trung (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) từng được coi là "thủ phủ" của nghề câu cá hố ở tỉnh Quảng Ngãi.

Vài ba năm trước, hàng trăm ngư dân ở các làng này ngày đêm miệt mài ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để câu cá hố, một loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, là nguyên liệu cho nhiều món ăn được ưa chuộng trên thế giới. Thu nhập từ câu cá hố đủ để ngư dân xây nhà lầu, nuôi con cái ăn học, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ đời sống…

GIÀU LÊN TỪ CÁ HỐ

Đang ngồi làm lưỡi câu, bà Lê Thị Hồng (76 tuổi, ở làng Cổ Lũy Nam, nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề câu cá hố ở Quảng Ngãi) cho biết ở tỉnh có rất nhiều nghề câu, nhưng nghề câu cá hố truyền thống ở làng Cổ Lũy Nam đã tồn tại hàng trăm năm. Lúc trước, chồng bà Hồng làm nghề câu cá hố ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Sau khi ông mất, 3 người con trai cũng nối nghiệp theo nghề cha để vươn khơi bám biển, hành nghề câu cá hố.

Câu cá hố ở Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh 1.

Nhiều ngư dân Quảng Ngãi vẫn theo nghề câu cá hố để mưu sinh và bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

HẢI PHÒNG

Theo bà Hồng, lúc chồng bà còn sống, nghề câu cá hố rất nổi tiếng, mỗi phiên biển có hàng chục tàu nối đuôi nhau vươn khơi, rất nhộn nhịp. Bạn tàu tranh nhau để lên tàu đi câu cá hố, nhưng mỗi tàu chỉ nhận được tầm 10 người. Thời đó, nghề câu cá hố đã giúp ngư dân ở đây phát triển kinh tế, có cuộc sống ấm no. Thế nhưng hơn 3 năm trở lại đây, nghề câu lại gặp khó khăn hơn bao giờ hết, vì cá không xuất khẩu được, giá cá lao dốc nên ngư dân đi về chỉ đủ phí tổn, có tàu đi về lỗ vốn.

"Khi chồng tôi đi biển, chuyến nào về cũng đầy khoang cá hố. Hồi đó, tàu còn nhỏ nên đi câu gặp rất nhiều khó khăn nhưng ai cũng hăng hái đi câu, vì mỗi chuyến đi biển về trừ hết chi phí, mỗi người còn dư khoảng 10 - 15 triệu đồng", bà Hồng nói.

Theo ông Đặng Thanh Hùng (59 tuổi, cũng ở Cổ Lũy Nam), cá hố sinh sống ngoài khơi xa ở độ sâu từ 100 - 110 m, tập trung thành từng đàn tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Quảng Ngãi đi câu cá hố quanh năm, nhiều nhất từ tháng 3 - 8. Cách đây hơn 10 năm, mỗi phiên biển đi câu mất từ 10 - 13 ngày, mỗi tàu thu nhập khoảng từ 700 triệu - 1 tỉ đồng. Với thu nhập như vậy, ngư dân ở đây ai cũng khá giả, phấn khởi.

"Thời hoàng kim của nghề câu cá hố, mỗi năm đi được từ 10 - 15 chuyến biển, mỗi chuyến câu được hơn 1 tấn cá hố. Giá bán rất cao, khoảng 200.000 đồng/kg, thời điểm cận tết có thể đến 300.000 đồng/kg. Cá hố câu về được thương lái mua lại rồi xuất khẩu. Khi đó, tàu đi câu không bao giờ thiếu lao động. Kết thúc chuyến đi câu, mỗi bạn tàu có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người", ông Hùng kể.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh (63 tuổi, ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An) cho biết khi ông còn làm nghề câu cá hố, mỗi phiên biển được 2 - 3 tấn cá là chuyện bình thường. Sau khi bán cho thương lái xong, trừ hết chi phí, mỗi bạn tàu được khoảng 15 triệu đồng.

"Lúc trước, cá hố rất nhiều, có lần tôi câu được con cá dài gần 2 m nặng 3 kg. Thời đó, nghề câu cá hố được xem là nghề làm ăn có lãi nhất trong các nghề biển. Đi biển vài năm, ngư dân ở đây cũng tích góp được một ít để xây dựng nhà cửa, cho con cái ăn học đến nơi đến chốn", ông Thanh nói.

Câu cá hố ở Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Hồng vừa làm lưỡi câu vừa kể chuyện nghề câu cá hố

BAO GIỜ TRỞ LẠI NGÀY XƯA ?

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên sông Phú Thọ, đoạn giáp ranh giữa xã Nghĩa Phú và xã Nghĩa An, có hơn chục tàu cá làm nghề câu cá hố đang nằm bờ. Do nằm bờ lâu nên chủ tàu phải dùng bạt phủ để tàu không bị hư hỏng. Nhiều chủ tàu lo ngại nghề câu cá hố rồi chỉ còn trong hoài niệm, dù ai cũng muốn vực dậy nghề này.

Theo ông Đặng Thanh Hùng, cách đây 3 năm, ông mua lại một chiếc tàu cá công suất 540 CV để hành nghề câu cá hố. Những tưởng nghề câu cá hố sẽ phất lên, ngờ đâu ngày càng bấp bênh, khó khăn hơn. Hiện 1 năm ông Hùng chỉ đi từ 4 - 5 chuyến biển, bạn tàu còn lại được 4 - 6 người, thu nhập giảm chỉ còn 3 triệu đồng/người. Trong khi đó, nghề câu cá hố là nghề đánh bắt thủ công, ngư dân thức cả đêm, không được nghỉ ngơi, vất vả nên nhiều người bỏ nghề, nhảy việc.

"Nguyên nhân nghề câu cá hố gặp khó là do tình hình xuất khẩu qua các nước không còn như trước, cá chỉ bán được ở chợ trong tỉnh. Thương lái thu mua giá từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, trong khi mồi câu cá hố lại tăng cao, chi phí nhiên liệu cho chuyến biển ngày càng tăng", ông Hùng giải thích.

Ông Phan Văn Nhiều, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa Phú, cho biết: Hiện giờ chỉ còn khoảng vài chục tàu vẫn giữ nghề truyền thống câu cá hố. Do đi biển không có lợi nhuận, đầu ra của cá hố gặp nhiều khó khăn nên ngư dân đi biển cầm chừng hoặc chuyển sang các nghề câu cá khác… 

Tuy thời hoàng kim của nghề câu cá hố đã qua nhưng ông Đỗ Ngọc Minh (55 tuổi, ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú) vẫn đóng mới tàu cá để hành nghề câu cá hố. Bằng kinh nghiệm nhiều năm câu cá hố của mình, ông Minh tiếp tục theo nghề câu cá hố ở Hoàng Sa và Trường Sa với hy vọng sẽ vực lại nghề truyền thống này. "Chúng tôi vươn khơi bám biển không chỉ để mưu sinh cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thiệt lòng mà nói, ở nhà vài hôm vui với gia đình thôi chứ ở lâu lại nhớ biển, thèm cái cảm giác làm người chiến thắng khi câu được những con cá hố thật to ở Hoàng Sa, Trường Sa", ông Minh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.