Câu chuyện bi tráng về chiếc xe tăng vừa trở thành bảo vật quốc gia

03/02/2023 07:46 GMT+7

Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe tăng 377 đang bốc cháy giữa 7 xác xe tăng địch. Toàn bộ kíp lái đã anh dũng hy sinh.

KÍP XE ANH HÙNG

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có quyết định công nhận 27 hiện vật là bảo vật quốc gia. Tất cả những bảo vật này đều là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước.

Câu chuyện bi tráng về chiếc xe tăng vừa trở thành bảo vật quốc gia - Ảnh 1.

Xe tăng 377 đang được lưu giữ và trưng bày tại tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Phần lớn các bảo vật đều có niên đại hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Riêng xe tăng số hiệu 377 (thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn xe tăng 297 nay thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3) có niên đại muộn nhất.

Chiếc xe tăng này cũng chính là bảo vật minh chứng cho cuộc đấu tranh hào hùng và bi tráng của dân tộc ta trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo thông tin từ Bảo tàng Quân đoàn 3, xe tăng số hiệu 377 là loại xe T59 do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho Việt Nam vào những năm 1960.

Tháng 5.1971, xe tăng 377 được điều động bổ sung cho Tiểu đoàn 297, tham gia chiến đấu tại Mặt trận Tây nguyên. Trong chiến dịch này, 377 là chiếc xe tăng lập kỷ lục vì hiệu suất chiến đấu cao nhất trong lịch sử chiến đấu của lực lượng tăng - thiết giáp.

Câu chuyện bi tráng về chiếc xe tăng vừa trở thành bảo vật quốc gia - Ảnh 2.

Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng, hạ sĩ Cao Trần Vịnh, hạ sĩ Hoàng Văn Ái (từ trái qua) đã anh dũng hy sinh trong lúc chiến đấu

BẢO TÀNG QUÂN ĐOÀN 3

Trong một trận đánh, 377 đã diệt 7 xe tăng của địch trước khi bị bắn cháy. Cả kíp xe gồm thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng Trung đội tăng 3, trưởng xe; hạ sĩ Cao Trần Vịnh, lái xe; hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng, pháo thủ số 1; hạ sĩ Hoàng Văn Ái, pháo thủ số 2 đã anh dũng hy sinh.

KHÚC CA BI TRÁNG

Theo thượng tá Nguyễn Cảnh Minh, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3, trong sứ mệnh của mình, xe tăng 377 đã viết nên câu chuyện vừa hào hùng vừa bi tráng. Theo đó, năm 1967, quân đội Sài Gòn xây dựng căn cứ quân sự tại Đăk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), án ngữ cửa ngõ phía bắc của Tây nguyên nhằm ngăn chặn các đợt tấn công của quân ta.

Năm 1971, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây nguyên tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Từ đây sẽ tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng phía tây Pleiku (Gia Lai), thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam bộ. Chiến dịch này cũng là đòn tiến công chiến lược quy mô lớn đầu tiên ở Tây nguyên.

Lúc 4 giờ 30 phút ngày 24.4.1972, bộ đội ta nổ súng tiến công tiêu diệt địch tại cụm cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh. Sau 30 phút nổ súng, căn cứ địch chìm trong khói lửa. Trên các hướng tiến công, bộ binh nổ mìn định hướng và đánh bộc phá hất tung lớp hàng rào cuối cùng. Cửa mở thông, xe tăng ta lao lên dẫn dắt bộ binh xung phong, tiêu diệt các mục tiêu bên trong căn cứ.

Trung đội xe tăng 3 gồm xe tăng 377, 354, 369 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy, được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng tây bắc cứ điểm Tân Cảnh. Bất chấp sự kháng cự quyết liệt, trung đội xe tăng 3 tập trung hỏa lực diệt 3 xe tăng và nhiều ụ súng của địch… Xe tăng 377 như một mũi thép lướt qua công sự, chiến hào, vật cản, đánh vào trung tâm sở chỉ huy Trung đoàn 42 quân đội Sài Gòn.

Bị đánh bất ngờ, địch ở căn cứ Tân Cảnh đã tháo chạy, vứt bỏ tất cả xe, pháo. Sau 7 giờ chiến đấu, quân địch ở căn cứ Tân Cảnh cơ bản bị tiêu diệt và bị bắt sống. Lúc này Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định điều trung đội xe tăng 3 hiệp đồng với Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 tiêu diệt địch ở căn cứ Đăk Tô 2.

Chưa kịp ăn sáng, nghỉ ngơi lấy sức và khôi phục kỹ thuật xe, trung đội xe tăng 3 nhận lệnh xuất kích. Dù bị quân địch tấn công dữ dội, nhưng xe 377 dẫn đầu đội hình tiến công. Tuy nhiên, hỏa lực mạnh mẽ của địch khiến xe 354 và 369 không theo kịp xe 377.

Phát hiện xe tăng 377 tiếp cận, địch tung 10 xe tăng M-41, M-24 chia làm 2 mũi bao vây. Không hề nao núng, cả kíp xe bước vào trận chiến sinh tử 1 chọi 10 với ý chí "một xe cũng tiến công, một người cũng chiến đấu".

Kíp xe tăng quân ta lợi dụng địa hình tiêu diệt liên tiếp 7 xe tăng quân địch. Tuy nhiên, trước hỏa lực tập trung của địch, xe tăng 377 đã trúng 3 phát đạn và bốc cháy, cả 4 thành viên trên xe hy sinh.

Đúng lúc ấy, xe 354 và 369 có bộ binh đi cùng kịp thời chi viện làm chủ căn cứ Đăk Tô 2. Cụm căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh, tuyến phòng ngự mạnh nhất của quân đội Sài Gòn ở bắc Tây nguyên đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch. Toàn bộ kíp lái đã anh dũng hy sinh. Bên trong chiếc xe vẫn còn nắm cơm đã cháy thành than mà các anh chưa kịp ăn giữa hai trận đánh.

Với chiến công này, ngày 9.1.2009, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe tăng 377.

Hiện chiếc xe tăng 377 đang được lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (H.Đăk Tô, Kon Tum). Nắm cơm cháy thành than mà các anh chưa kịp ăn giữa hai trận đánh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng tăng - thiết giáp (Hà Nội).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.