Câu chuyện Bphone và văn hóa người Việt dưới cái nhìn của báo Nhật

10/06/2015 20:15 GMT+7

(TNO) Smartphone đầu tiên của người Việt đã gây sự chú ý trong giới công nghệ thời gian qua, giờ đây được nhận xét dưới cái nhìn của người Nhật.

(TNO) Smartphone đầu tiên của người Việt đã gây sự chú ý trong giới công nghệ thời gian qua, giờ đây được nhận xét dưới cái nhìn của người Nhật.


Bài viết về chiếc Bphone được đăng tải trên Nhật báo Asia Nikkei News - Ảnh chụp màn hình

Nguyễn Tử Quảng, CEO của Bkav bước trên sân khấu giữa tiếng vỗ tay và đèn flash camera nhấp nháy liên tục. Ông cầm trong tay thiết bị mà ông tuyên bố nó sẽ thay đổi cả nền công nghiệp Việt Nam mãi mãi: chiếc điện thoại smartphone nội địa cao cấp, nhật báo Asia Nikkei News (Nhật Bản) bình luận trong bài phân tích mang tựa đề Here's Vietnam's answer to the iPhone (tạm dịch: Đây là câu trả lời của Việt Nam dành cho iPhone) đăng ngày 9.6.

“Chúng tôi đã làm được”, người được cho là phiên bản Steve Jobs Việt Nam tuyên bố. “Sản phẩm này dành cho bạn”, ông nói thêm.

Bphone là chiếc smartphone “cây nhà lá vườn” đầu tiên của Việt Nam. Bkav, Công ty chuyên phần mềm diệt virus lần đầu tiên tiết lộ về Bphone vào tháng 1.2015 tại Hội chợ điện tử tiêu dùng quốc tế (CES) ở Las Vegas (Mỹ), và người ta bắt đầu mong chờ kể từ đó. Bkav đã nhận được 11.882 đơn đặt hàng cho Bphone trong vòng 12 giờ sau ngày chính thức được bán ra 2.6.2015.

Giám đốc điều hành 40 tuổi của Bkav, ông Quảng hứa hẹn sản phẩm sẽ đẹp hơn cả iPhone của Apple, giao diện thân thiện hơn dòng Galaxy của Samsung. Và ông đưa ra mức giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Mặc dù trước đây Bkav chưa từng sản xuất điện thoại và các điện thoại được sản xuất trong nước thường mang tiếng kém chất lượng, nhật báo Asia Nikkei News viết.

Ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng vượt trội của hãng công nghệ Xiaomi (Trung Quốc), ông Quảng cho rằng thị trường Việt chỉ mới là bước khởi đầu của Bphone.

Mục tiêu cuối cùng của Bkav là xây dựng một thương hiệu smartphone toàn cầu, được ủng hộ khắp nơi trên thế giới, ông Quảng đã phát biểu trong buổi giới thiệu Bphone ngày 26.5.

Nguyễn Tử Quảng giới thiệu Bphone lần đầu tiên ngày 26.5 - Ảnh: Thành Luân

Việt Nam là trung tâm xuất khẩu điện thoại di động và các linh kiện điện tử của các hãng lớn như Samsung, Nokia, LG, và các thương hiệu khác. Nơi đây cũng là thị trường đang phát triển mạnh.

Nhìn chung việc gia tăng thu nhập và sự mở rộng thị trường sản phẩm giá rẻ, cùng với mạng điện thoại tốc độ cao đã tạo điều kiện cho người Việt mua khoảng 11,6 triệu chiếc smartphone vào năm 2014, tăng 57% so với năm trước, nhật báo Asia Nikkei News thông tin dựa theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IDC cung cấp.

Tiềm năng chưa được khai thác

Các hãng điện thoại nước ngoài như Apple, Samsung, Sony, Nokia, LG, Asus (của Đài Loan) và Oppo (của Trung Quốc) đang là những thương hiệu nổi bật ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các công ty Việt, bao gồm cả Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đều có bán ra các dòng smartphone bình dân nhưng đều không đủ sức cạnh tranh và đứng vững. Kiểu dáng không đẹp, chất lượng không cao và không được quảng cáo hiệu quả là những nguyên nhân khiến smartphone Việt không có được thị trường.

Ông Quảng khẳng định thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với các sản phẩm cao cấp. Ông trả lời phỏng vấn của hãng tin Nikkei (Nhật) rằng Bkav xuất hiện khá trễ trên thị trường, và để được thế giới biết đến thì sản phẩm của ông phải tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. “Tôi nghĩ chúng tôi đã làm được điều đó với Bphone”, ông cho biết.

Trong buổi ra mắt Bphone cuối tháng qua tại Trung tâm Hội nghị hàng đầu ở thủ đô Hà Nội, đã có hơn 2.000 phóng viên, blogger và khách VIP đến tham dự và kiểm chứng những tin đồn về Bphone.

Ông Quảng tự tin so sánh sản phẩm của ông với các dòng điện thoại cao cấp khác - Ảnh: Thành Luân

Tương tự buổi giới thiệu sản phẩm của Apple, ông Quảng trong chiếc áo đồng phục công ty và quần Jean đơn giản, lần lượt giới thiệu những tính năng ấn tượng của Bphone.

Chiếc điện thoại mang phong cách thiết kế phẳng, màn hình công nghệ Sharp kích thước 5 inch full HD, máy sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 801, chạy hệ điều hành Android Lollipop... Tóm lại Bphone sở hữu cấu hình tương đương với các dòng smartphone cao cấp.

Bkav tỏ ra tự hào với khả năng bảo mật cao và công nghệ truyền dữ liệu không dây siêu tốc của máy.

Các phiên bản Bphone có giá giao động từ 9,99 triệu đồng đến 20,9 triệu đồng tương ứng với các bản 16 GB và 128 GB, rẻ hơn 40% so với iPhone 6 Plus.

Về mặt thương mại, trong thời gian đầu, Bkav đã mô phỏng mô hình bán hàng trực tuyến của Xiaomi. Bphone chỉ bán hàng thông qua website thương mại điện tử của Bkav có tên gọi Vala, đồng thời phát hành vài mẫu cho các cửa hàng bán lẻ FPT và Thế Giới Di Động để dùng vào mục đích trưng bày trong vài ngày. Bkav lý giải việc họ siết chặt khâu mua bán Bphone để ngăn ngừa khách hàng của họ không bị lừa mua hàng giả hoặc sản phẩm đã qua sử dụng.

Chiến lược của Bkav được cho là khác thường ở Việt Nam. Lấy Apple làm ví dụ, họ đã rất thành công khi phân phối sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng FPT. Một cuộc khảo sát trước đó của công ty chuyên khảo sát thị trường Epinion cũng cho thấy 86% người Việt thích mua smartphone và máy tính bảng tại cửa hàng.

Bkav chỉ tập trung bán Bphone qua trang web thương mại điện tử - Ảnh chụp màn hình

Nghi ngờ và đố kỵ

Vào ngày Bphone ra mắt, nó đã thu hút cả ngàn lượt bàn tán trên mạng và các diễn đàn công nghệ, nhiều người trong số đó tỏ ra hoài nghi. Một người dùng có nickname Tho Xinh đã đăng trên trang Facebook không chính thức Bphone về quan điểm của mình, và tỏ ra bất bình trước mức giá khá cao so với sản phẩm cùng cấu hình, người này cũng cho biết sẽ không bao giờ tiêu tiền để dùng thử Bphone.

Nhiều ý kiến chỉ trích đã nhắm thẳng vào ông Quảng và chia thành hai luồng tranh cãi. Một số tỏ ra ngưỡng mộ những thành công và con đường tự lập của ông nhưng số khác tỏ ra không thích thái độ tự tin quá đáng và những phát biểu quá táo bạo của ông Quảng.

Trở lại trường hợp của Bphone, các tín đồ công nghệ Việt đã thất vọng bởi nhiều thông tin không được minh bạch. Khoản ngân sách mà Bkav đã đầu tư phát triển Bphone là bao nhiêu? Nguồn vốn từ đâu mà có? Hoặc ngay cả thông tin về nhà máy sản xuất Bphone cũng không được công khai rõ ràng.

Nhật báo Nikkei cho biết tâm lý hùa theo đám đông của người Việt là một lý do khiến ông Quảng muốn tạo nên phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Một nhà báo làm việc cho một hãng tin nhà nước ở Việt Nam nói với Nikkei rằng người Việt hay có tâm lý bầy đàn. Nhà báo giấu tên này còn bình luận thêm với nhật báo Nhật Bản rằng ở Việt Nam, mỗi thành tích phải được gắn liền với một nhóm hoặc tổ chức và vai trò của cá nhân bị giảm bớt. Đồng thời, người dân có xu hướng ghen tị và sợ người khác thành công hơn mình, đặc biệt là nếu thành công đó xuất phát từ tài năng thực sự.

Ví dụ điển hình cho sự ghen ghét là trường hợp của anh Nguyễn Hà Đông, một nhà lập trình viên ôn hòa, tác giả của Flappy Bird, trò chơi trên điện thoại di động đã nổi tiếng toàn cầu, anh đã nhận rất nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng Việt. Nhiều ý kiến chê bai, chế giễu trò chơi của anh quá đơn giản, không được đầu tư hình ảnh mà lại nổi tiếng một cách vô lý.

Bphone được so sánh với Galaxy Edge và iPhone 6 - Ảnh: Thành Luân

Ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc điều hành của YouNet Media dựa trên thông tin nghiên cứu thị trường truyền thông xã hội cho biết mọi thứ đối với Nguyễn Tử Quảng đang trở nên khả quan. Cộng đồng mạng đã phản ứng tích cực hơn và từ những phân tích của công ty, họ nhận thấy rằng Bkav đã tạo ra nhận thức về thương hiệu thực sự tốt, một phần lớn trong đó đến từ ông Quảng.

Tuy nhiên, đối với ông Quảng, có càng nhiều bình luận chê bai trên mạng càng tốt cho Bphone. “Điện thoại Bphone đã tạo ra tranh cãi, nhưng tranh cãi là tốt. Qua phân tích, chúng tôi thấy rằng Bkav đã đánh bóng được thương hiệu của mình rất tốt trên các trang mạng và nguyên nhân lớn giúp công ty làm được điều này chính là vì thương hiệu của cá nhân ông Quảng”, ông Nguyễn Hải Triều nói với Nikkei.

Ông Triều hi vọng những chuyển biến tích cực sẽ góp phần tăng doanh số bán hàng. Người dân đang bắt đầu tin vào Bphone và đây có thể là mấu chốt của vấn đề. Một giao diện tốt, khả năng chụp ảnh tốt và kiểu dáng đẹp sẽ giúp sản phẩm sớm được chấp nhận và dần lan rộng ra.

Ông Nguyễn Lâm, Giám đốc IDC Việt Nam nhận xét thời điểm này vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu Bkav sẽ có đủ sức đưa Bphone ra nước ngoài hay không. Nếu Bphone muốn cạnh tranh với Apple thì nó phải thiết lập một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn và phát triển sâu hơn thay vì chỉ bán mỗi điện thoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.