Câu chuyện của Bộ tứ sông Hồng

02/06/2018 06:23 GMT+7

Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ và Phó Đức Phương - bốn gương mặt lớn của âm nhạc đương đại VN vô tình được gắn kết với cái tên Bộ tứ sông Hồng.

Họ - những nhạc sĩ thuộc thế hệ bản lề, lần đầu tiên hiện diện cùng nhau trong một liveshow.
Thế hệ bản lề
Nhạc sĩ Dương Thụ kể, một lần, ông và 3 nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương đi chơi ở hồ Tây (Hà Nội), người nhiếp ảnh dạo đã nhanh tay chụp ảnh cho 4 ông để lấy tiền. Sau này, nhạc sĩ Thụy Kha dùng bức ảnh được chụp một cách tình cờ ấy đưa vào bài viết âm nhạc về 4 nhạc sĩ đăng trên báo và gọi họ là Tứ quái sông Hồng. Vậy là, họ vô tình gắn kết với nhau cùng cái tên được nhạc sĩ Thụy Kha đặt cho. “Nhóm nhưng chả có cương lĩnh nghệ thuật gì cả”, nhạc sĩ Dương Thụ cười.
Dương Thụ và Phó Đức Phương, người học khoa văn, người học khoa toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ra trường, năm 1965, Phó Đức Phương vào nông trường làm công nhân chăn nuôi. Một năm sau, năm 1966, ông thi vào Trường Âm nhạc VN (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia VN). Cũng trong năm đó, ông nổi tiếng với ca khúc Những cô gái quan họ sáng tác giữa lúc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Đến năm 1972, khi Phó Đức Phương đã tốt nghiệp, Dương Thụ mới thi vào Trường Âm nhạc VN. Năm ấy, Trần Tiến đi bộ đội bị sốt rét ác tính trở ra Bắc rồi thi vào trường. Khóa thi còn có cả Nguyễn Cường. Họ cùng đỗ khoa sáng tác. Rời trường âm nhạc, mỗi người đi theo những hướng khác nhau. Con đường và phong cách âm nhạc của mỗi người cũng mỗi khác.
Liveshow Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng diễn ra vào các tối 5 và 6.6 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) được coi là liveshow đầu tiên của Bộ tứ sông Hồng. “Chúng tôi từ lâu đã muốn làm một liveshow của 4 anh em, hay ra tập nhạc mà cũng chưa ra được, càng già mình lại càng nhụt đi. Cảm ơn Tùng Dương đã làm liveshow đầu tiên cho 4 ông già này”, nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Nhạc sĩ Dương Thụ bảo: “Nguyễn Cường yêu dân ca đến mức sùng bái”. Ngoài dân ca Tây nguyên, Nguyễn Cường còn “sùng bái” cả dân ca đồng bằng Bắc bộ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người nổi tiếng sớm nhất bộ tứ. Vừa ra trường, ông đã là nhạc sĩ đắt đơn đặt hàng ở các đoàn kịch, ca múa nhạc nổi tiếng. Chất âm nhạc dân tộc, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ thấm vào trong những ca khúc của Phó Đức Phương cho thấy tâm hồn vừa hào sảng vừa dung dị với tình quê, tình đất.
Còn nhạc sĩ Dương Thụ, mãi đến năm 1982, ông mới chính thức hoạt động âm nhạc, trước đó ông làm công việc của một giáo viên, giảng viên. Những năm 1990, những sáng tác của ông trở nên nổi tiếng và thịnh hành. Nhạc sĩ Dương Thụ bảo, âm nhạc của ông không theo một dòng nào, mà có “một chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ”. Còn nhạc sĩ Trần Tiến, âm nhạc vừa có chất đời, vừa có chất thiền. Năm 1987, khi đất nước trong thời kỳ đổi mới, ông thành lập ban nhạc rock Đen - Trắng, đi hát khắp dọc đất nước. Đến năm 1990, ông lập nhóm Du ca đồng nội, đi hát kiếm tiền xây dựng trường nhạc cho trẻ mồ côi, trẻ thiếu may mắn.
Một thời đầy vui, buồn
“Chúng tôi gắn bó với nhau bởi nỗi nhớ về một thời trải qua chiến tranh, một thời đổi mới, một thời đầy vui, buồn, đầy đắng cay và cả những oan ức”, nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Nhạc sĩ kể, đã có thời gian, ông từng bị mang tiếng oan khi viết ca khúc Vết chân tròn trên cát. “Tôi bị bảo là coi cuộc chiến là con số 0, rồi có người nói người VN có ai nói chuyện hôn hít mà lại cứ viết nhớ cái hôn đầu tiên (ca khúc Điệp khúc tình yêu - PV)”, nhạc sĩ nhớ lại.
Ca khúc H’zen lên rẫy của nhạc sĩ Nguyễn Cường được viết vào khoảng những năm 1980, cũng có số phận long đong. Một lãnh đạo ngành văn hóa từng quy ca khúc vào tội “sai đường lối”. Cho đến khi Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nông Quốc Chấn được nghe H’zen lên rẫy, ông đã gạt ngay cái “tội” mà ai đó đã gán cho ca khúc.
Những giá trị lịch sử, nghệ thuật những tác phẩm của Bộ tứ sông Hồng đã được nhìn nhận theo dòng chảy lịch sử của đất nước và âm nhạc. “Chúng tôi nhìn cuộc chiến, nhìn số phận cuộc đời, nhìn số phận đất nước theo cách của riêng mình. Đó là tiếng nói của một thế hệ đầy gian nan, vất vả, nhưng đầy tự hào”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.