Câu chuyện giáo dục: Đứa con nhìn mẹ mắng chửi nhân viên hàng không

23/08/2019 17:09 GMT+7

Vụ nữ cán bộ công an mắng chửi nhân viên hàng không, làm náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất đã và đang gây xôn xao dự luận những ngày qua. Không dám bình luận gì thêm về hành đồng của chị, tôi chỉ thấy thương cháu bé - con gái chị.

Một tay dắt con, tay kia xỉa xói vào mặt những người xung quanh; miệng nói “con đi với mẹ”, vừa dứt lời lại quay sang mắng chửi nhân viên hàng không, trù dập họ bằng những từ ngữ xấu xí, nữ cán bộ công an - đồng thời cũng là một người mẹ, làm tôi choáng váng. Cháu bé, ngơ ngác, sợ hãi, khi phải nghe những lời không hay của mẹ mình với mọi người bằng cả các giác quan, mắt nhìn, tai nghe...
Một ngày cuối tuần, tôi đưa con gái của mình tới công viên, nhiều cháu nhỏ ở đây cùng nhau chơi trên một bãi cát. Tức thì, một chị phụ nữ giật phắt một chiếc xe hơi trong tay một bé trai, đưa cho con của mình. Một chị khác la lên “chị làm gì thế, sao lấy đồ chơi con tôi”. Thế rồi hai bà mẹ khẩu chiến, vung tay..., làm náo loạn cả công viên. Hai đứa trẻ, con của hai người mẹ khóc thét. Ở nhà, có thể họ sẽ dạy các con các phép lịch sự nơi công cộng, dùng lời hay ý đẹp với người khác, nhường nhịn bạn bè… Nhưng ở đây, giữa công viên, chính họ lại hành xử trái ngược với tất cả những gì từng nói với con. Đứa trẻ sẽ học theo ai đây? Một người mẹ của lý thuyết và một người mẹ ngoài đời, đang dắt chúng đi chơi?
Trong bức tranh hỗn loạn giành giật nhau mua đồ hạ giá ở siêu thị Auchan, TP.HCM vài tháng trước, tôi thấy nhiều phụ huynh dắt theo con nhỏ. Nhưng, không mấy bận tâm về điều đó, họ vô tư cãi lộn nhau, tranh nhau đồ và vất hàng không mua la liệt xuống lối đi.
Chúng ta không xa lạ với câu chuyện giáo dục “tấm gương cha mẹ”. Trong các buổi trao đổi, phỏng vấn với các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, mọi người đã chỉ ra, điều các con bị ảnh hưởng, thứ mà con sẽ học hỏi, người mà con sẽ trở thành... đó chính là “tấm gương cha mẹ”. Một đứa trẻ được cô giáo dạy con không được vượt đèn đỏ nhé, nhưng đi cùng cha mẹ, trẻ lại thấy cha mẹ vượt đèn đỏ. Một đứa trẻ được học tôn trọng người khác, không được làm tổn thương người khác, nhưng về nhà, ngay trong tổ ấm của mình, trẻ thấy ba đánh mẹ, ba chửi mẹ ngay trước mặt mình. Đứa trẻ sẽ tổn thương như thế nào, và chúng sẽ trở thành ai trong tương lai?
Tôi từng đến nhà của hai vợ chồng anh tài xế lái xe ben, vợ anh trông coi cửa hàng vật liệu xây dựng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cuộc sống khá vất vả nhưng nhìn cách họ chăm sóc những người mẹ của mình, đều trên 70 tuổi, với sự tận tâm, hiếu thảo, lễ phép, thì thật sự ngưỡng mộ. Thậm chí, 3 tuần trước, không có nhiều tiền, nhưng vì nguyện ước của mẹ muốn được đi tắm biển một lần trong đời, người con đã lái xe ben chở mẹ đi Vũng Tàu. Điều gì ấn tượng nhất với tôi sau buổi phỏng vấn đó? Chính là triết lý giáo dục giản dị của hai vợ chồng anh tài xế xe ben: “Tôi muốn là tấm gương cho con. Trẻ con như tờ giấy trắng, tôi không nhiều lời với con về sự hiếu thảo, hiếu kính trong gia đình, mà chỉ mong con học được điều ấy từ chính những gì vợ chồng tôi làm với mẹ của mình”.
Nuôi dạy con nên người phải chăng là chính bản thân mỗi cha mẹ hãy sống đúng, sống đẹp, để tấm gương cho con không phải là một điều gì xa xỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.