Câu chuyện giáo dục - Lạm thu: Cần phá vỡ tấm lá chắn 'tự nguyện'

07/09/2018 10:38 GMT+7

Lạm thu học đường là nỗi lo không nhỏ của các bậc phụ huynh mỗi khi năm học mới bắt đầu. Mặc dù Bộ cũng như các sở GD-ĐT địa phương đã có các công văn, chỉ thị nghiêm cấm tình trạng lạm thu nhưng có vẻ như bức tranh thu chi học đường vẫn xám xịt.

Mới đây, vụ hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học Sơn Đồng (H.Hoài Đức, Hà Nội) đến trường phản đối mức dự kiến thu lên tới hơn 7 triệu đồng/học sinh một lần nữa khiến chúng ta choáng váng với những mức thu khủng. Năm ngoái, Trường THCS Minh Tân (Hải Phòng) có 18 khoản thu gần chục triệu đồng/học sinh. Ngoài các khoản bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế là hàng loạt các khoản được chỉ mặt đặt tên: tiền học nhóm, tiền học thêm, quỹ khuyến học, tiền sách vở, tiền kỹ năng sống, quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, tiền đồng phục…

Năm nay, một số nơi đã râm ran câu chuyện lạm thu với những khoản chi phí đắt đỏ. Có vẻ như những chỉ thị, công văn chống lạm thu của cơ quan chức năng vẫn đang bị “lách luật”, “nhờn luật”.
Tại sao tình trạng này cứ tái diễn, lặp đi lặp lại? Sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng phải chăng chưa phát huy hết vai trò của mình? Và cả phụ huynh nữa, đừng tặc lưỡi cho qua khi bắt gặp một khoản thu quá đáng, vô lý chỉ vì… sợ con mình bị “đì”!
Hội phụ huynh đang gánh vô số công kích của xã hội khi trở thành tấm lá chắn hữu hiệu cho ban giám hiệu nhà trường lạm thu. Bao nhiêu câu hỏi về tình trạng lạm thu đều nhận được đáp án chung là “do hội phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện”. “Quả bóng” trách nhiệm đang được nhà trường đá sang cho hội phụ huynh. Chính vì vậy, nhiều ý kiến lên tiếng cần xóa bỏ hội phụ huynh.
Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của nạn lạm thu có phải là do hội phụ huynh? “Tự nguyện” đang là tấm lá chắn cho vô số khoản thu dưới nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn “vận động”, “đóng góp”, “ủng hộ”, “hội”, “quỹ”… Mỗi thứ vài chục góp lại thành tiền trăm, mỗi thứ vài trăm gộp lại thành tiền triệu. Gia đình khá giả bấm bụng cho qua, nhưng phần đông người dân nước ta còn nghèo, vẫn chạy vạy miếng ăn từng bữa.
Xã hội hóa giáo dục là chính sách đúng đắn của nhà nước ta khi mà nguồn ngân sách chi cho hoạt động giáo dục có hạn. Việc huy động sức dân nhằm nâng cao điều kiện học tập, sinh hoạt của con trẻ đáp ứng đúng nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Người dân sẵn sàng “tự nguyện” hỗ trợ nhà trường, nhưng vấn đề là hai chữ “tự nguyện” đang bị lợi dụng, biến tướng.
Ngăn chặn, chấn chỉnh lạm thu là yêu cầu cấp bách lúc này. Cơ quan chủ quản cần đưa ra những quy định cụ thể về những khoản nào có thể thu tự nguyện, thực hiện việc tự nguyện như thế nào. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh tình trạng lạm thu để tạo ra sức răn đe tiêu cực cần thiết!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.