Câu chuyện giáo dục: Thay vì ra lệnh, bố mẹ cần làm gương cho con

14/12/2020 09:44 GMT+7

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh đang có thói quen ra lệnh cho con, bắt ép con phải thực hiện việc này việc khác thay vì làm gương cho con.

Gặp một người quen trên đường, thay vì chủ động chào hỏi, người ta lại lôi con, bắt con khoanh tay chào. Khi con còn đang lúng túng thì quay sang quát nạt, la mắng con. Lớn tiếng trách con không lễ phép. Mà lại quên mất mình cũng có chào hỏi đâu, có làm gương cho con đâu!
Đang đi vào nhà, thấy rác bẩn, ta sai con cúi xuống nhặt trong khi chưa bao giờ ta chủ động nhặt rác trước mặt con. Thậm chí, có nhiều khi ta còn thẳng tay vứt rác xuống đường.
Đang ăn cơm, thấy con dán mắt vào điện thoại là ngay lập tức các bà mẹ, ông bố la hét, ra lệnh bắt con cất ngay điện thoại. Khi con không nghe lời, có người sẽ giáng thẳng cái tát vào mặt con. Vậy mà họ lại quên mình cũng đang chăm chăm vào chiếc điện thoại, vừa nhai cơm vừa lướt Facebook, xem livestream, chơi game
Con trai lỡ miệng văng tục. Ông bố giận dữ quát: “Im ngay!” kèm theo một cú đá vào mông con mặc cho thằng nhỏ mếu máo. Thế nhưng sau đó vài phút, chính ông bố cũng văng tục khi nói chuyện với vợ…
Hóa ra, người lớn cho mình cái quyền được yêu cầu, ra lệnh. Việc của tụi nhỏ là phải phục tùng vô điều kiện. Và khi không theo ý mình, người lớn lại cho mình quyền được đánh, được mắng. Trong khi rất ít người nghĩ đến chuyện làm gương cho con.
Họ quên mất, cha mẹ là tấm gương để con nhìn vào và noi theo. Mọi lời yêu cầu, ra lệnh sẽ chỉ khiến con làm theo trong ấm ức. Các con làm theo lệnh của bố mẹ vì sợ bị mắng, bị đánh chứ không phải vì thấy đó là việc nên làm. Và con sẽ quên ngay khi không có người lớn bên cạnh.
Một ông bố, bà mẹ gặp ai cũng vui vẻ chào hỏi ngay cả với trẻ con thì dù không ra lệnh, tôi tin các con của họ cũng sẽ chủ động chào hỏi người khác.
Khi đứa trẻ thấy ba mẹ mình cúi xuống nhặt rác và nghe lời khuyên: “Phải bảo vệ môi trường chung con nhé!” thì đứa trẻ sẽ có ngay một bài học. Con cũng sẽ không ngần ngại nhặt rác bỏ đúng nơi quy định. Vì con đã được làm gương. Con đã được một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thuyết phục.
Lúc cả gia đình quây quần bên mâm cơm, thay vì chăm chăm vào chiếc điện thoại, ba mẹ hỏi han con cái, vui vẻ gắp thức ăn cho con thì chắc hẳn con trẻ sẽ vui lắm. Con sẽ yêu những bữa cơm gia đình. Và lúc này, chiếc điện thoại sẽ không có cơ hội góp mặt trong bàn ăn. Đó là cách ba mẹ rèn thói quen tốt cho con thay vì cao giọng yêu cầu, ra lệnh.
Không gì thuyết phục bằng những hành động, việc làm của chính chúng ta. Chỉ khi ta làm gương cho con, ta mới mong con làm đúng, sống đẹp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.