Câu chuyện lá tết ở Sài Gòn

04/02/2013 11:41 GMT+7

Đêm khuya cuối năm, nhiều chiếc xe tải ùn ùn chở đầy lá dong xanh, lá chuối, nối đuôi nhau trong đêm vào thành phố, đổ lá xuống tiệm lá chuối của cô Bé Hai, bên hông chợ Bà Chiểu.

Đêm khuya cuối năm, nhiều chiếc xe tải ùn ùn chở đầy lá dong xanh, lá chuối, nối đuôi nhau trong đêm vào thành phố, đổ lá xuống tiệm lá chuối của cô Bé Hai, bên hông chợ Bà Chiểu.

“Bán cho tôi năm chục lá dong, 6 ký lá chuối cỡ lớn nha cô”, một chiếc xe máy dừng trước cửa nhà cô Kim Hoa, chú lái xe gọi lớn. Tay cô Hoa thoăn thoắt xếp, cột lá bằng những sợi lác cạnh chồng lá rồi mỉm cười đưa cho khách không quên kèm theo lời dặn: “Nương nhè nhẹ kẻo nát hết lá chuối nghen anh”.

Lá từ khắp nơi

Cô chủ vựa lá tên Kim Hoa kể lại: “Hồi trước mỗi ngày bán 4-5 tấn lá chuối, lá dong. Lá từ khắp Long Khánh, Gia Kiệm, Bình Long, Bà Rịa… đổ về chợ Bà Chiểu, từ đây mới bỏ mối lại cho Chợ Lớn, chợ Bình Tây… Tầm 23 tết, lá về nhiều, đây cũng là thời gian bán mạnh nhất. Một khúc chợ thôi mà tấp nập suốt ngày đêm”.

Câu chuyện lá tết ở Sài Gòn
Cô Kim Hoa 36 năm bán lá tại chợ Bà Chiểu

Có một kiểu đồng hồ báo thức rất riêng ở chợ, 12 giờ đêm là xe hủ tiếu, bánh canh đẩy hàng ra chợ chuẩn bị nấu, 2 giờ sáng cô bán dừa nạo mở cửa bắt đầu ngày làm việc mới. 2 giờ sáng cô Hoa mở cửa lấy lá từ Gia Kiệm gửi về đặt trước cửa. 6 giờ sáng chồng lá chuối, lá dong từ Long Khánh chuyển lên, tầm 14 giờ chiều lá từ Bình Phước theo xe hàng về trước cửa...

Lá chuối thường được chia làm 3 loại: lá nhất, lá trung, lá nhép. Có người thì chia làm 4 - 5 loại, tùy theo người bán hàng. Lá lớn được bọc bên ngoài bánh tét, bánh chưng cho đẹp, lá trung ở giữa, lá nhép được dùng đệm bên trong cho những cái bánh nhỏ. Cô Lan, khách quen của tiệm cô Hai cho biết: “Mua lá của cô Hai hơn chục năm rồi giờ thân như chị em, lâu lâu nhỏ to tâm sự. Khi nào thấy cô Hai gọi ra lấy lá về là biết được sắp sang năm mới rồi. Dù chỉ là tiệm bán lá thôi nhưng với tôi giống như quyển lịch 4 mùa. Thấy lá chuối, lá dong đặt trước cửa là biết chuẩn bị tết”. 

Nhiều người bảo lá chẳng đáng gì, nhưng thiếu những chiếc lá dong làm bánh chưng xanh, lá chuối gói bánh tét, bánh ít.. giống như xuân chưa về.

Chuối có nhiều loại nhưng chỉ có lá từ cây chuối sứ và chuối hột là dùng để gói bánh. Theo cô Hoa: “Các loại chuối khác khi đem gói bánh sẽ giòn, dễ rách khiến nước luộc dễ thấm vào, khi ăn bánh thường có vị hơi chát, màu bánh hơi đỏ của nước lá không đẹp mắt”. Nhìn màu lá, độ dày của thớ lá… là cô Hoa có thể phân biệt chính xác lá đó trồng tại đâu. Trong các vùng trồng chuối, lá ở Phương Lâm và Gia Kiệm (Đồng Nai) luôn được khách hàng ưa chuộng. Lá ở đây to, xanh thẫm, ít bị rách.

Chỉ cần chú ý chút xíu là người mua có thể phân biệt đâu là lá dong trồng tại vườn hay lá dong rừng. Bí quyết ở chỗ, lá trồng ở vườn dày hơn, xanh hơn và có bản to hơn những lá mọc tự nhiên, nên gói “đỡ tốn lá”. Điều quan trọng nhất là màu bánh gói từ lá trồng bao giờ cũng đẹp và xanh tự nhiên.

Tấm lá nuôi sống cả nhà

Cửa hàng nhỏ của cô Bé Hai có 4 người phụ bán. Với nhiều người, thâm niên 10 năm làm việc là con số lớn, nhưng so sánh giữa chú Tân, người 10 năm phụ bán lá ở tiệm với thâm niên 20 năm của chú Sơn giao lá chỉ như chú bé học việc. Chú Sơn năm nay đã 60 tuổi, đi giao lá đã 20 năm ròng.

Câu chuyện lá tết ở Sài Gòn
Chú Sơn với 20 năm làm nghề giao lá - Ảnh: Nguyên Trang

Các con của cô Hoa cũng phụ mẹ, 23 giờ đêm cả nhà vẫn phải ngồi lau, xếp và cột lá, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 2-3 giờ sáng là chuyện thường “vì tết mà”.

Chỉ là sấp lá chuối, chục lá dong, lá sen… nhưng  nhờ thế mà cô Hoa nuôi được 3 đứa con ăn học trưởng thành, đứa học luật, đứa học y... Hiếu, con gái lớn của cô Hoa đi làm ở công ty tư vấn luật. Ban ngày mặc váy công sở đi làm, nhưng lúc về nhà vẫn ngồi bệt, sắn quần, 2 giờ sáng vẫn ngồi lau, phụ mẹ bán lá cho kịp tết. “Thấy mẹ cực thì em cũng phụ bán, dù có làm ông nọ, bà kia nhưng không bao giờ dám khinh những tấm lá đã nuôi sống cả nhà mình”, Hiếu tâm sự.

Sợ một ngày ra chợ, nhiều bà nội trợ thấy người ta đã thay lá tự nhiên bằng những chiếc giỏ gói bằng nhựa vô cảm. Chả gói bằng bao ni lông không có mùi thơm thoang thoảng của lá xanh. Gói xôi bắp quyện một chút vị tươi của lá mới ngày xưa bị thay bằng những bì nhựa trắng tinh nhạt nhẽo… thế mới thấy tiếc những tấm lá xanh từng một thời bị “hắt hủi” cho là thứ rẻ tiền.

Nguyên Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.