Câu chuyện tháng 4 của bốn họa sĩ Tuấn, Thượng, Hưng, Sơn (khai mạc chiều 21.4 tại J Art Space, 30 đường số 10, Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM và diễn ra đến hết ngày 21.5.2023), kể lại những đặc trưng của từng họa sĩ, khó trùng lặp.
Đó là chất phố hội, phù phiếm luôn phảng phất trong các tranh thiếu nữ thị dân của Bùi Tiến Tuấn. Chất bàng bạc, hùng vĩ của phong cảnh vùng Đông Bắc trong tranh Mạc Hoàng Thượng, dù vẽ trừu tượng vẫn vậy. Chất huyền ảo, sự bay bổng thiên thần trong tranh của Đinh Văn Sơn, có tính hương xa từ các vùng Ki-tô giáo. Chất mộc mạc, sự lãng mạn đời thường, sự tương phản trong tranh của Hồ Hưng.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) là tên tuổi nổi tiếng trong giới mỹ thuật. Anh sinh tại Hội An (Quảng Nam). Năm 1998, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM và từng là giảng viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Dù cùng chung lối đi nhưng về vật liệu và chất liệu, họ hoàn toàn khác nhau. Bùi Tiến Tuấn gần như đã "riêng một góc trời" với tranh lụa tân kỳ, vừa duy mỹ vừa giàu tính cách tân, tạo sức hút đặc biệt trên thị trường khoảng 15 năm qua. Nói không quá lời, Bùi Tiến Tuấn đã là một dấu ấn lớn, một bậc thầy mới của tranh lụa Việt Nam.
Tranh màu nước của Hồ Hưng có kỹ thuật rất cao, sức lan tỏa lớn, ảnh hưởng đến không ít họa sĩ vẽ màu nước khác của Việt Nam. Tiếp cận chủ đề mộc mạc bằng kỹ thuật màu nước bậc cao, diễn tả những điều tinh vi và tinh tế, là phong cách riêng của Hồ Hưng.
Tranh sơn mài của Đinh Văn Sơn có sự kết hợp, chắt lọc kỹ thuật, thẩm mỹ của sơn mài các vùng miền, xứ sở để tạo nên một bảng màu vừa kế thừa vừa cách tân, không khư giữ, lệ thuộc một truyền thống nào, mà thoải mái sáng tạo. Từ tạo hình và bảng màu sơn mài đặc trưng đó, khi chuyển sang vẽ sơn dầu, Đinh Văn Sơn vẫn giữ được chất riêng của mình.
Mạc Hoàng Thượng (1976), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM và là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM; thạc sĩ, giảng viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Tranh trừu tượng vật liệu tổng hợp của Mạc Hoàng Thượng có hai đặc điểm dễ nhận thấy. Đầu tiên, là sự tìm tòi về vật liệu để tạo ra một bề mặt phảng phất chất phù điêu, khảm chạm, nhằm tạo chiều sâu về thị giác. Thứ hai, dù trừu tượng, nhưng phần ý tưởng và hình họa rất được quan tâm.
Khi ngắm các bức tranh có tên Rừng người, Buổi chiều, Vươn lên… người xem sẽ cảm nhận rõ phần hình họa ẩn phía sau. Có được điều này, vì Mạc Hoàng Thượng là một trong vài họa sĩ giỏi hình họa bậc nhất hiện nay, anh lại là giảng viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM nữa, nên chất học thuật dễ được nhận thấy. Nói cách khác, dù vẽ trừu tượng, anh vẫn "không thể quên" được hình họa.
Qua Câu chuyện tháng 4 của bốn họa sĩ Tuấn, Thượng, Hưng, Sơn, J Art Space còn muốn tạo thêm sân chơi cho các họa sĩ trẻ thể hiện tài năng và mang các tác phẩm độc đáo đến với công chúng. Tạo thêm một không gian nghệ thuật cho công chúng được thư giãn và thưởng lãm giữa đô thị phát triển và náo nhiệt như hiện nay.
Bình luận (0)