Tôi mạn phép chia sẻ một chuyện có thật vừa chứng kiến hôm qua mà mỗi chúng ta có thể đã, đang hoặc sẽ gặp.
Một phụ huynh đến một sở GD-ĐT đề nghị xác nhận bổ sung con mình thuộc diện ưu tiên khu vực 2 để được cộng thêm 0,25 điểm khi xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Anh này cho biết con mình quên khai báo khu vực 2 khi đăng ký trực tuyến và cháu chỉ thiếu 0,25 điểm là trúng tuyển vào ngành “hot” của một trường đại học lớn.
Thí sinh khai hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT |
đ.n.t |
Khi kiểm tra dữ liệu, nhân viên sở GD-ĐT nhận thấy hai điều. Thứ nhất, học sinh đã khai báo đầy đủ ưu tiên khu vực 2. Thứ hai, điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh không cao nên cách khá xa điểm chuẩn của trường đại học nói trên. Hóa ra, học sinh này đã nói dối cha mẹ về kết quả thi tốt nghiệp THPT và nói dối luôn cả chuyện sẽ trúng tuyển vào đại học nếu được bổ sung ưu tiên khu vực.
Bỏ qua những chi tiết về tuyển sinh đại học năm 2022, ta có thể nhận ra một vấn đề về cách giáo dục học sinh, con cái trong nhà trường và gia đình. Em học sinh trên đáng trách vì đã ít nhất hai lần nói dối cha mẹ. Hơn nữa, em ấy còn đáng trách vì đã làm cha mình phải “bẽ mặt” trước nhiều người khi sự việc được cơ quan nhà nước kiểm chứng.
Tuy nhiên, đáng trách hơn vẫn là nhà trường và cha mẹ. Nhà trường đáng trách vì đã thất bại trong việc giáo dục học sinh lòng trung thực. Cha mẹ đáng trách vì không chỉ gây áp lực lên việc học tập và xét tuyển đại học của con cái mà còn thiếu quan tâm, thiếu kiểm tra. Bởi nếu không gây áp lực phải thi đạt kết quả cao thì đứa con đã nói thật với cha mẹ ngay từ đầu thay vì tiếp tục nói dối. Bởi nếu quan tâm và kiểm tra thì đã biết điểm thi "rất cao" mà con mình thông báo là không đúng.
Tôi chợt nhớ đến lời của Meggie - nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Những con chim ẩn mình chờ chết (The Thorn Birds) của Colleen McCullough (1937 - 2015) - nói với con gái: “Nếu một mai con gặp những chuyện buồn phiền, con hãy quay trở về nhà, đừng do dự con nhé. Ở Drogheda luôn có chỗ dành cho con; mẹ muốn con nhớ điều đó. Dù sau này con có làm chuyện gì tồi tệ mấy đi nữa thì điều đó cũng không ngăn cản con trở về đây”.
Liệu chúng ta có cho con cái biết mình luôn luôn giang rộng vòng tay đón chúng về nhà khi chúng gặp chuyện buồn phiền hoặc làm gì sai quấy hay không?
Bình luận (0)