Bài thơ còn có mối liên tưởng rất lạ kỳ mà tôi không thể nào ngờ tới với câu chuyện của một liệt sĩ hy sinh ở Trường Sơn năm 1972.
Khi viết Thời đất nước gian lao, từ những gì trải nghiệm trong chiến tranh và cũng từ vô thức, tôi mở đầu tứ thơ bằng hình ảnh những con hươu bị săn đuổi trong đêm thẳm, nằm mơ về một cánh rừng không có thuốc đạn và súng săn. Bên cạnh đó là hình ảnh người lính trong cánh rừng trận mạc, cũng đang nằm mơ gặp lại bầy hươu gác sừng lên người bạn vô danh trong một đêm trăng. Ở đoạn thơ này, tôi liên tưởng đến chuyện có người lính hy sinh, nằm lại một mình nơi rừng thẳm và bên cạnh anh lúc ấy chỉ có bầy hươu làm bạn. Câu chuyện ấy đã từng xảy ra trong rừng thẳm Trường Sơn những ngày tháng chiến tranh, với hình ảnh người lính và bầy hươu ngủ bên nhau trong một đêm trăng. Và điều ám ảnh ấy được nâng lên thành hình tượng của đau thương và lãng mạn trong đoạn thơ dưới đây:
Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn
Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết
Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi
Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hòa bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt…
Giấc mơ của người mẹ
Sau khi bài thơ được công bố trên Báo Thanh Niên và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đưa lên trang blog cá nhân cũng như Facebook. Điều khá bất ngờ là chỉ một thời gian ngắn, tôi nhận được bài viết của một trang blog với nội dung sau:
"Tôi nhớ hình tượng bầy hươu trong bài thơ Thời đất nước gian lao của anh Nguyễn Việt Chiến đăng trên Báo Thanh Niên, đã đưa tôi trở lại với một hồi ức nhỏ, cách đây mấy chục năm. Vào dịp giáp tết năm Ất Mão (đầu 1976), gia đình tôi có tổ chức một cuộc "hồi hương" khá ngoạn mục cho người anh trai lớn của tôi, là bộ đội hy sinh ở Trường Sơn năm 1972, vào cái mùa hè đỏ lửa bởi bom bi - B52 - trải thảm của máy bay Mỹ. Anh tôi hy sinh ở tuổi 31, nhưng vẫn còn "con trai" (chưa vợ). Mấy năm sau khi anh tôi hy sinh, trong một giấc mơ, mẹ tôi thấy anh tôi hiện về trong mơ, thưa với mẹ: "Con đang nằm ở đây bên đồng đội, vui, nhưng không được yên... xin mẹ hãy đưa con về quê hương... bên các cụ... để con được... trà nước phục vụ tổ tiên...". Mẹ tôi kể lại giấc mơ cho mọi người trong gia đình. Để làm yên lòng mẹ, hai người anh (một anh trai, một anh rể) của tôi, lúc đó đều còn trong quân ngũ đã cùng cắt phép, lên đường vào Nghĩa trang Trường Sơn, để đưa hài cốt anh tôi về. Thời đó, đường sắt Thống Nhất chưa thông, tàu xe đi lại cực kỳ khó khăn, xe lửa chỉ tới Vinh... mà Nghĩa trang Trường Sơn thì ở bờ nam sông Bến Hải, trên thượng nguồn. Buổi chiều, hai người anh của tôi tới thăm nghĩa trang. Lúc đó Nghĩa trang Trường Sơn mới hình thành nên còn sơ sài lắm. Sau khi xác định được chính xác vị trí mộ, các anh đã đi thắp hương, khấn cầu, xin phép không thiếu một đồng đội nào hiện diện ở nghĩa trang, để xin cho anh tôi được "hồi hương". Sau đó, hai người ra rừng nghỉ ngơi, ăn cơm nắm chờ nửa đêm tiến hành công việc, vì theo duy tâm việc bốc mộ phải tiến hành vào ban đêm để tránh ánh sáng mặt trời. Đến nửa đêm, hai anh tôi vào cuộc, việc lật được cái nấm bê tông xây bên trên không có gì là khó, móng khá nông, lối đi chưa có lát gạch đá. Nhưng khi vừa đào hết thép xẻng đầu tiên thì, ôi thôi, cơ man nào là kiến lửa bu vào "tấn công", khiến hai anh em phải thay nhau mỗi người đào dăm ba phút lại phải nhảy ra vuốt mặt, tay chân, rũ quần áo gạt kiến... thảo nào giấc mơ nói về sự "vui" mà không "yên" của anh tôi là như vậy. Mãi tới hơn 3 giờ sáng thì hai anh mới gói xong mẩu xương cuối cùng của người anh hy sinh, cho vào ba lô mang ra cánh rừng để lần về bờ sông Bến Hải. Lạ thay, khi hai anh đi tắt qua chỗ hàng rào nghĩa trang bị đổ gãy thì bất ngờ một con hươu rất to sừng sững đứng chắn giữa đường mòn ngay trước mặt. Trong đêm tối, cái bóng của con hươu trùm lên kỳ lạ. Như phản xạ của người lính thời chiến, anh rể tôi là sĩ quan quân đội, rút khẩu K54 định bắn, nhưng anh trai tôi đã kịp thời ngăn lại: "Đừng... biết đâu nó ra chào... tạm biệt anh chúng mình đấy!". Vừa dứt lời thì chú hươu ngửa cổ be lên 3 tiếng và lững thững nhường đường cho hai người đi. Ra tới bờ sông, hai anh đã gặp ngay chiếc xe ô tô của bộ đội đi lấy quân trang, họ cho hai anh đi nhờ ra Đồng Hới. Vừa xuống xe lại gặp ngay một xe tải khác từ Đồng Hới đi Vinh. Vào ga Vinh thì cũng là lúc chuyến tàu đi Hà Nội đang từ từ chuyển bánh. Chuyến đưa anh tôi "hồi hương" vì thế chỉ có một ngày một đêm là tới ga Hàng Cỏ rồi. Như có phép lạ, theo tính toán, hai anh phải đi từ 7 tới 10 ngày mới hoàn tất công việc. Thế mà chỉ 3 ngày 4 đêm, cả đi lẫn về, di cốt của anh cả tôi đã về tới gốc sấu trước cửa căn hộ số nhà 22 phố Tràng Thi, Hà Nội mà thời thơ ấu, học Trường Bưởi thập niên 1950, anh trai tôi đã từng sống. Nghe hai anh tôi kể lại chuyện con hươu và chuyến đi may mắn đã lâu, tưởng đâu đã rơi vào quên lãng, nay thấy anh Nguyễn Việt Chiến tả "bầy hươu bị săn đuổi" trong bài thơ lại còn "gác sừng lên người bạn vô danh" đã làm tôi thực sự xúc động. Xin phép nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được post bài thơ đó lên đây để mọi người cùng thưởng lãm. Với niềm tin một bài thơ đặc sắc như thế sẽ sống mãi trong lòng độc giả"…
Sau khi đọc bài viết nói trên, tôi bàng hoàng thấy hình ảnh liên tưởng về "bầy hươu gác sừng lên người lính vô danh hy sinh" trong bài thơ của mình không ngờ lại có mối liên hệ thật kỳ lạ với câu chuyện về người liệt sĩ hy sinh ở Trường Sơn. Và, thêm một lần nữa tôi thấy thi ca ngoài việc ghi lại những cảm xúc và nghĩ suy trong tâm hồn con người, hình như còn thêm một năng lực vô thức khác là dự cảm, dự báo…
HY SINH KHI VÀO TRƯỜNG SƠN TÌM CÁCH ĐÁNH B52
Sau thời gian dài tìm hiểu, mãi đến tháng 7.2021, tôi mới liên lạc được với chủ nhân của trang blog nói trên khi anh chuyển sang Facebook. Đó là anh Phạm Cường, sinh năm 1954, quê ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội, từng nhiều năm làm đạo diễn ở Hãng phim Tài liệu-Khoa học Trung ương (từng là đạo diễn, biên kịch của 30 bộ phim nhựa) và hiện định cư cùng gia đình ở Hamburg, Đức.
Qua trao đổi với tôi, anh Phạm Cường cho biết người anh trai liệt sĩ của anh trong câu chuyện kể trên là anh Phạm Uy, sinh năm 1940, tuổi Tân Tỵ. Làng Lai Xá, Hoài Đức ven Hà Nội vốn nổi tiếng về nghề nhiếp ảnh "cha truyền con nối" từ thời xưa, nổi tiếng nhất là các hiệu ảnh của cụ Phúc Lai. Bố của các anh Phạm Uy, Phạm Cường là cụ Phạm Văn Uyển, từ năm 13 tuổi đã ra tỉnh học và làm việc trong hiệu ảnh của cụ Phúc Lai Nguyễn Văn Đính vào năm 1924. Khi cụ Phúc Lai xuống Hải Phòng mở hiệu ảnh, cụ Uyển theo xuống đó 10 năm. Sau này, một chi nhánh của hiệu ảnh Phúc Lai khai trương ở góc đường Tràng Thi - Phủ Doãn, Hà Nội là tiệm ảnh Hanoi Central Photo, số nhà 22 Tràng Thi thì cụ Phúc Lai cử cụ Uyển về làm thợ cả và cư trú trong một căn hộ trên gác 2 tiệm ảnh suốt nhiều năm. Khi anh Phạm Uy đủ tuổi đi học thì được cụ Uyển đón từ quê Lai Xá ra Hà Nội để học.
Ôn lại ký ức về người anh liệt sĩ, anh Phạm Cường cho biết thêm: "Anh Phạm Uy ra Hà Nội học cho tới khi tốt nghiệp trung học ở Trường Bưởi vào loại giỏi, chuẩn bị lên đại học thì đúng lúc đó mẹ tôi ở quê gặp chuyện đau yếu. Thương mẹ ở quê bị thương tật do Tây bắn vì can tội tiếp tế và che giấu cho Việt Minh vào năm 1951, nay lại gặp hoạn nạn, anh Uy bỏ Hà Nội về quê Lai Xá, ở nhà lao động giúp mẹ luôn cho tới khi nhập ngũ năm 18 tuổi".
Anh Phạm Uy nhập ngũ ngày 26.3.1959, thuộc lứa nghĩa vụ quân sự đầu tiên ở miền Bắc. Ngày anh Uy lên đường vào bộ đội, anh Cường chưa đầy 5 tuổi nên không nhớ được gì. Trước đó 2 hôm, mẹ của các anh phải đi dân công đắp đê quai sông Hồng ở Giày (Đan Hoài) không về được, nên tiễn anh Uy đi chỉ có mấy anh chị em trong nhà.
Do anh Phạm Uy tốt nghiệp Trường Bưởi - Chu Văn An vào loại giỏi nên anh được vào học Trường Sĩ quan Phòng không (Trường 400) ở Sơn Tây. Tốt nghiệp hạng ưu nên được phong thiếu úy và giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Khi chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ nổ ra, Phạm Uy là một trong những người đầu tiên sang thành lập Trường 300 (Sĩ quan Cao xạ và Tên lửa). Đầu năm 1971, anh Uy, lúc ấy là thượng úy, đã tham gia cùng đoàn 17 sĩ quan của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đi bộ theo dọc các trọng điểm B52 đánh phá theo tuyến đường 559 xuyên Trường Sơn, để nghiên cứu cách đánh "pháo đài bay". Đoàn sĩ quan vừa đi vừa viết báo cáo gửi về Bộ Tư lệnh ở Hà Nội.
Anh Phạm Cường cho biết sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở lại ra Bắc, anh Phạm Uy bị sốt rét ác tính phải đưa vào bệnh viện dã chiến điều trị ở rừng Trường Sơn. Thật không may, khi máy bay Mỹ ném bom khu vực này ngày 15.5.1972, anh Phạm Uy trúng bom bi và một viên bi chui vào hộp sọ. Sau 4 ngày liền hôn mê, đến ngày 19.5.1972, anh trút hơi thở cuối cùng. Anh được đồng đội chôn cất ở Trường Sơn và cuối năm 1975, khi Nghĩa trang Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị được thành lập thì anh là một trong những liệt sĩ đầu tiên được quy tập về. Sau chiến tranh, một thông tin cho biết chính kết quả thu hoạch được từ những báo cáo của đoàn sĩ quan 17 người (trong đó có anh Phạm Uy) đi vào chiến trường trong các năm 1971-1972, đã góp phần làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" đánh tan các "pháo đài bay" B52 cuối năm 1972 ở Hà Nội. Thực tế này cho thấy quyết định cử đoàn sĩ quan này vào chiếc trường nghiên cứu cách đánh B52 là chủ trương sáng suốt, nhìn xa trông rộng của quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Anh Phạm Cường ngậm ngùi chia sẻ: "Sau khi anh Phạm Uy hy sinh, gia đình tôi nhận được kỷ vật của anh là chiếc ba lô con cóc do đơn vị chuyển về, trong đó có cuốn nhật ký di cảo của người đã khuất. Trong nhật ký, anh tôi viết sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc sẽ trở về cuộc sống đời thường, đỡ đần mẹ già bị thương tật do chiến tranh và gánh vác các công việc nặng nhọc của người anh lớn trong gia đình. Vậy mà anh tôi đi mãi và không bao giờ thực hiện được những ước muốn tưởng như vô cùng bình dị đó. Sau này, hài cốt anh chỉ trở về trong chiếc ba lô con cóc vào lúc tờ mờ một sáng mùa đông lạnh giá cuối năm 1976. Và, tôi đã ngồi bên di cốt anh để cạnh gốc cây sấu già góc đường Tràng Thi - Phủ Doãn, Hà Nội từ 4 đến 7 giờ sáng để hai người anh của tôi chợp mắt lấy lại sức sau mấy ngày đêm vào Nghĩa trang Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị để đón anh Phạm Uy về quê Lai Xá".
Trong 2 trang nhật ký viết về ngày nhập ngũ, Phạm Uy còn thao thức trong nỗi nhớ thương người mẹ thân yêu của mình: "Những ngày chờ đợi. Đây những ngày gần đến. Đây những ngày chờ. Đây những ngày sắp sửa lên đường nhập ngũ Q.Đ.N.D.V.N vinh quang 18-20-22…24… Sự diễn biến tư tưởng, tình cảm trầm bổng như một khúc nhạc đợi chờ, lúc nóng ruột, khi thì lo lắng, khi thì băn khoăn, khi lại chán ngán, buồn, đắn đo suy nghĩ… Tất cả dồn tới, dồn tới ngày 26-3-1959, ngày lên đường, kết thúc bản trường ca "Đợi chờ". 26-3-1959, ngày tôi lên đường bàng hoàng, lo âu, cảm động. Tôi lên đường khi gia đình chưa thỏa mãn. Đó là tất nhiên! Tôi lên đường để lại mẹ yêu, mẹ năm nay đã già, thương tật đã cướp đi phần lớn sức khỏe. Mẹ ạ! Con thương mẹ, mẹ cũng thương con, con lên đường 3 năm hay hơn nữa theo yêu cầu của Tổ quốc, mẹ cũng cứ yên tâm, con mong mẹ yên tâm, con đi, con sẽ lớn, mẹ ở nhà yên tâm là điều an ủi con. Mẹ ạ! Con biết rằng hôm nay mẹ yêu quý của con đang âm thầm đau khổ, con đi mẹ già sẽ khó nhọc hơn. Mẹ ơi! Mẹ thương con không phải trong giọt lệ, con thương mẹ không phải bằng tiếng than! Nhưng sao mẹ và cả con nữa đều rơi lệ. Hôm nay xa mẹ. Hôm nay con đi, mẹ còn ở nơi đê xa, mẹ đang phải gánh công việc mà tuổi mẹ không phải làm. Con đi giữa tiếng hoan hô, tiếng trống tiếng chúc mừng của nhân dân thì mẹ yêu quý của con đang nặng gánh đất trên vai leo dốc đê… mẹ chịu khổ thay con của mẹ. Mẹ ạ! Hôm nay, chiều hôm nay 26-3-59 (18-2 Kỷ Hợi) con đi giữa tiếng chúc mừng sức khỏe của mọi người, trong đó con lắng nghe thấy vắng tiếng mẹ nhưng không phải không đâu! Nơi xa quê, nơi đê, mẹ cũng đang cầu mong cho con mình sức khỏe. Mẹ ơi! Mẹ là người đáng quý vô cùng. Con hiểu mẹ hôm 24-3 (16-2) đêm hôm đó mẹ lặng lẽ ra đi nơi sương lạnh thì con vẫn ấm cúng trong chăn…".
Những dòng chữ âm thầm trong trang nhật ký của liệt sĩ Phạm Uy vẫn còn tươi rói sau nửa thế kỷ anh hy sinh vì Tổ quốc.
Bình luận (0)