Câu cửa miệng ‘Giấc mộng kê vàng’ xuất phát từ giấc mơ tới...18 năm

11/08/2021 14:00 GMT+7

Giấc mộng kê vàng là câu cửa miệng mà nhiều người thường nhắc để nói rằng: đời người như giấc mộng.

Nói tới giấc mộng kê vàng, trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi có bài Ngẫu thành (偶成) mở đầu bằng 2 câu thơ: Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư/ Giác lai vạn sự tổng thành hư (Đời là một giấc mộng kê vàng/Tỉnh ra mới biết vạn sự đều thành hư không).
Giấc mộng kê vàng xuất phát từ điển tích Hoàng lương mộng (黃粱夢) trong truyện Chẩm trung ký (枕中记) của nhà văn Trầm Ký Tế (沈既济) đời nhà Đường. Đây là truyền thuyết rất nổi tiếng, được dịch sang tiếng Anh là Yellow Millet Dream.
Chuyện kể rằng ngày nọ Lư Sinh (盧生) đến ở trọ tại Hàm Đan, gặp đạo sĩ Lã Ông (呂翁). Lư Sinh than cảnh khốn cùng nên Lã Ông lấy cái gối bằng sứ cho ngủ tạm, khi ấy chủ quán trọ đang nấu một nồi kê vàng (hoàng lương). Lư Sinh mơ thấy mình thi đỗ, làm đến chức Thị Lang rồi lấy con gái của một gia đình quyền quý, sinh đặng hai người con. Đường công danh lên như diều gặp gió, chẳng mấy chốc Lư Sinh trở thành Thừa tướng. Tuy nhiên, thành công và may mắn của Lư Sinh khiến nhiều người ghen tị, để rồi Lư Sinh bị cáo buộc những tội tày trời, đến nỗi mất tất cả chức quyền và của cải, con cái bị giết, vợ phản bội… Cuối cùng, Lư Sinh nằm chết gục trên đường phố, đến đây thì Lư Sinh giật mình tỉnh giấc, thấy nồi kê vàng của chủ quán vẫn nấu chưa xong.

Bìa quyển Chẩm trung ký của nhà văn Trầm Ký Tế đời nhà Đường

Toàn bộ giấc mơ của Lư Sinh diễn ra tới... 18 năm nhưng thời gian đời thực chưa nấu xong nồi kê, ý của tác giả muốn nói rằng đời người ngắn ngủi, những vinh hoa phú quý chỉ là giấc chiêm bao. Phải chăng điều này hợp với tư tưởng của Phật giáo “chư hạnh vô thường, chư pháp vô ngã, duyên khởi tính không”. Thế gian vạn vật không phải là vĩnh hằng, bất biến. Các pháp đều do nhân duyên mà sinh, duyên tan thì diệt, vạn pháp chỉ là duyên khởi, tính không…
Hoàng lương mộng là một truyền thuyết nổi tiếng, có trên 10 dị bản khác nhau tại Trung Quốc. Bài ở đây dựa theo tài liệu của Mã Trí Viễn đời nhà Nguyên biên soạn và bộ sách Thái bình quảng kí (太平廣記) do nhóm Lý Phương (12 người) đời Tống thực hiện theo lệnh của vua Tống Thái Tông.
Nhiều học giả cho rằng Lư Sinh xuất phát từ nguyên mẫu Lã Động Tân - một thi hào, đồng thời là vị thần trong số Bát Tiên, được tôn kính trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Trong Thái bình quảng kí (tập 82), Lã Động Tân được thay bằng nhân vật Lư Sinh, còn đạo sĩ là Lã Ông; nhưng theo tài liệu của Mã Trí Viễn thì Lư Sinh được gọi là Lã Nham, đạo sĩ Lã Ông chính là nhân vật Chung Li Quyền.

Ngôi đền Hoàng lương mộng ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc)

Ảnh: T.L

Cũng liên quan đến câu giấc mộng kê vàng, hiện nay ở Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) có một ngôi đền dựa vào tích Hoàng lương mộng, được gọi là Hoàng lương mộng Lã tiên từ (黄粱梦吕仙祠). Đây là một quần thể kiến trúc cổ rất nổi tiếng. Theo tài liệu lịch sử Trung Quốc thì ngôi đền này xuất hiện từ cuối triều đại nhà Đường và đầu triều đại nhà Tống, được xây dựng lại vào năm Gia Kinh thứ 28 của triều đại nhà Minh (năm 1549), rồi được trùng tu vào thời nhà Thanh. Quần thể kiến trúc này có diện tích 14.000 m2, một di tích văn hóa của Đạo giáo, chứa nội hàm văn hóa dân gian của Trung Quốc, được bảo tồn tốt và có giá trị cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.