Cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng nằm trong vòng nguy hiểm vì đã từng xảy ra các vụ sà lan mắc kẹt và đâm vào cầu.
Sà lan nối đuôi nhau chờ chui qua cầu đường sắt Bình Lợi - Ảnh: Mai Vọng
|
Vụ xảy ra gần đây nhất (1.11.2015), cây cầu này bị sà lan chở 1.000 tấn đá xây dựng di chuyển từ hạ nguồn sông Sài Gòn lên thượng nguồn, tông mạnh, làm cho thanh ray tàu lửa bị dịch chuyển lệch hẳn sang một bên, trong khi các dầm gỗ cố định của đường ray gắn trên cầu Bình Lợi bị gãy khiến tàu không thể qua lại khu vực cầu.
Cầu đường sắt Bình Lợi nối từ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức sang P.13, Q.Bình Thạnh đã có từ thời Pháp thuộc, cách nay 114 năm (hoàn thành xây dựng tháng 2.1902). Cầu được kết cấu vòm thép, có đường ray xe lửa và một đường phụ lưu thông xe 2 bánh, 2 chiều. Dù hiện đã có cầu Bình Lợi trên trục đường Phạm Văn Đồng nằm cạnh bên, song nhiều xe gắn máy vẫn lưu thông trên cầu đường sắt này.
Hiện tại cầu đường sắt Bình Lợi có tĩnh không thuyền rất thấp, khi triều cường, cầu chỉ cách mặt nước khoảng nửa mét, khiến cho thuyền ghe, sà lan không thể lưu thông, phải chờ thủy triều rút xuống mới chui qua cầu được.
Hồi tháng 4.2015, Bộ GTVT đã tổ chức lễ động thổ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới, cùng với nạo vét luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương). Theo đó, cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ được cải tuyến về phía hạ lưu, tim cầu mới cách tim cầu cũ 12m.
Cầu dài 478,6 m, nhịp chính được bố trí trùng với luồng tàu chạy có kết cấu phần trên là dầm vòm thép, khổ thông thuyền rộng 50 m, cao 7 m; cùng với 11 nhịp dẫn và 1 nhịp dầm thép ở vị trí đường ngang Nơ Trang Long. Sau khi hoàn thành với tĩnh không như trên, tàu thuyền tải trọng khoảng 2.000 tấn có thể lưu thông dễ dàng.
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn của nhà đầu tư BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) và vốn ngân sách, chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư và phát triển Đô Thị Xanh - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.302 tỉ đồng (bao gồm nạo vét luồng sông), trong đó vốn của chủ sở hữu là 172 tỉ đồng, vốn của TP.HCM hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư là 156,392 tỉ đồng, vốn tỉnh Bình Dương cho vay không tính lãi là 300 tỉ đồng và vốn vay ngân hàng là 674,499 tỉ đồng.
Dự án sẽ hoàn thành sau 16 tháng thi công, thu phí giao thông trong thời gian 20 năm và 9 tháng. Thế nhưng, từ khi động thổ đến nay dự án vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Bình luận (0)