Cậu học sinh bữa đói bữa no, đắn đo... 'đường học'

19/07/2020 07:36 GMT+7

Giữa TP.HCM rộng lớn, có hai mẹ con dắt díu nhau sống lây lất qua ngày, bữa đói bữa no trong hành trình miệt mài đi tìm con chữ ...

Phải mất vài tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tìm đến được “căn phòng” mà Nguyễn Tuấn Tú, cậu học sinh bữa đói bữa no, đang ở trọ, trong một hẻm sâu ngoằn ngoèo trên đường Hoàng Diệu (P.8, Q.4, TP.HCM).

10 năm sống trong căn phòng 3 mét vuông 

10 năm nay, Tú cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Sáu (59 tuổi, quê ở xã Bình Giang, H.Thăng Bình, Quảng Nam) tá túc một khoảng trống chưa đầy 3 mét vuông. “Căn phòng” nhưng không hề có cửa ra vào để che chắn. Mọi sinh hoạt, vệ sinh, giặt giũ... đều phải sử dụng chung với dân tứ phương đang ở trọ nơi đây.
“Căn phòng” chật hẹp chẳng có bất kỳ vật dụng nào giá trị. Một ti vi đời cũ, bếp ga mini hỏng hóc, nồi cơm điện đã tróc sơn, đó là các vật dụng được xem “có giá” nhất trong “căn phòng” này.
Bà Sáu chỉ tay xuống nền “căn phòng” rồi chia sẻ: “Tới bữa thì đem đồ đạc xuống đây nấu. Ăn cơm xong thì lau sơ cái nền rồi ngủ ở đây luôn”.
“Ngủ thì hai mẹ con co người lại cho đủ diện tích, chứ chỗ này chật quá. Để đồ đạc còn không đủ mà. Phải chất sách vở, quần áo lên cao thì mới có chỗ để ngủ”, Tú nói nhẹ nhàng mà người nghe cứ thấy nghèn nghẹn.
4 năm trước, cha Tú không may qua đời. “Căn phòng” nhỏ đến mức không có nơi để đặt bàn thờ, di ảnh, phải tìm một nơi khác thờ phụng.

“Lỡ đậu đại học, không biết phải lấy tiền đâu”

Hằng ngày, bà Sáu đi phụ việc ở một quán hủ tiếu gần đó, từ 5 - 11 giờ, được trả công 100.000 đồng. Chiều, bà Sáu tiếp tục phụ trông giữ trẻ con của một người trong khu trọ 6 tiếng đồng hồ, kiếm thêm được 50.000 đồng.
“Tui đi làm được ngày nào lấy tiền ngày đó, để có cái mà mua đồ ăn. Có bữa quán hủ tiếu còn dư, thì đem về cho thằng Tú ăn. Bữa đó là no. Còn có bữa hai mẹ con đói. Một ngày làm được 150.000 đồng, phải tiện tặn, chắt bóp và dè sẻn lắm mới đủ”, bà Sáu tâm sự.
“Căn phòng” bà thuê tuy chật hẹp nhưng có giá 1,2 triệu đồng. Nhiều khoản phải chi tiêu khác như tiền ăn, tiền thuốc men, học phí cho Tú... tốn thêm gần 4 triệu đồng. “Mỗi tháng, chi tiêu này nọ cũng trên dưới 5 triệu. Nhưng tôi làm chỉ được 4,5 triệu. Thâm hụt hoài. Phải xoay đầu này, mượn đầu kia, đắp qua đắp lại mới sống lây lất qua ngày được. Tui cũng chẳng biết trụ được tới bao giờ”, bà Sáu ngậm ngùi chia sẻ thêm.
 
Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Tuấn Tú, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Tú trong thời gian sớm nhất.
cuộc sống quá đỗi khó khăn, thiếu thốn nên năm nay Tú đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), bà Sáu thêm nỗi lo. “Tui lo lỡ mà Tú đậu đại học, không biết lấy tiền đâu cho Tú. 12 năm qua, tui vất vả nhiều lắm mới đủ sức gồng gánh bươn chải cho Tú đến trường. Mà học đại học thì nghe nói phải tốn tiền nhiều lắm. Tui không biết sao. Cũng rầu lắm”, bà Sáu thở dài, nước mắt giàn giụa trên gương mặt.
Những lúc ấy, Tú ngồi bên cạnh, vỗ về và an ủi mẹ: “Có gì đâu mà khóc mẹ ơi. Mẹ mạnh mẽ như con nè!”.
Chia sẻ với chúng tôi, Tú nói: “Vì buồn đâu có giải quyết được vấn đề. Có lẽ những khổ cực đã quá quen thuộc, nên em thấy mình cần cố gắng và nỗ lực hết sức để vượt qua. Không thể bi lụy, bi quan, không thể để nỗi buồn xâm lấn bản thân mình”.
Mặc dù cuộc sống đầy rẫy khó khăn và thiếu thốn nhưng Tú vẫn thể hiện sự lạc quan và đạt kết quả học tập tốt.
12 năm liên tục, Tú thường xuyên nhận giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Tú cho biết em học giỏi nhất môn sinh, đã từng lọt vào đội tuyển học sinh giỏi của trường để tham dự kỳ thi học sinh giỏi. “Em mong sau này sẽ trở thành một nhà khoa học để nghiên cứu về lĩnh vực sinh học”, Tú chia sẻ về ước mơ của mình.
Nguyễn Tuấn Tú, cậu học sinh bữa đói bữa no,  dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.