Nghị lực mùa thi:

Cậu học trò có gia cảnh nghèo khó và giấc mơ vào đại học

04/06/2024 07:00 GMT+7

Cha mẹ ly hôn rồi bỏ nhà đi, nam sinh có gia cảnh nghèo khó Phan Quốc Huy xin làm phục vụ quán ăn để có điều kiện học tiếp. Nhiều năm rồi, em chỉ có thể ngủ vào lúc nửa đêm.

Chăm sóc ông nội 81 tuổi

Đường vào nhà Phan Quốc Huy (học sinh lớp 12C3, Trường THPT Vĩnh Thạnh - H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) phải qua một con đò ngang. Cha mẹ Huy nghèo khó không có ruộng vườn nên khi bà nội mất, phần mộ được đặt trong mái hiên. Trong nhà trống trơn. Mái nhà lợp tôn chắp vá gỉ sét, ngước nhìn lên là thấy trời.

Cậu học trò có gia cảnh nghèo khó và giấc mơ vào đại học- Ảnh 1.

Huy làm phục vụ cho một quán ăn uống gần trường để trang trải chi phí học tập

THANH DUY

Huy nói: "Mùa mưa đến, em lo lắm vì dột khắp nơi. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà mang ra hứng cũng không đủ. Ông nội và em chỉ có tấm màn che cái giường, ráng không bị ướt để ngủ cho đỡ lạnh".

Căn nhà này từng rất ấm áp khi Huy có cha mẹ và em gái sống chung. Nhưng rồi, những tháng ngày hạnh phúc đó không bao giờ có nữa, khi 4 năm trước cha mẹ Huy đã ra tòa ly hôn. Huy nhớ lại: "Ngày mẹ dẫn em gái đi chẳng nói với em một lời nào. Có lẽ, mẹ sợ em xúc động. Tòa quyết em ở với cha, thỉnh thoảng nhớ mẹ và em gái quá, em bắt xe buýt về quê ngoại thăm (H.Châu Thành, An Giang - PV). Ban đầu, em hờn trách và hụt hẫng, nhưng càng lớn càng hiểu cha mẹ có nỗi buồn, nỗi khổ tâm riêng".

Giờ đây, cảnh nhà xuống cấp ấy chỉ còn Huy với ông nội nương nhau mà sống. Gác nghề phụ hồ, một năm nay, cha Huy lên Long An chở cá thuê trong chợ đầu mối. Ông Phan Văn Danh (81 tuổi, ông nội của Huy) có tiền sử bệnh tim phải đi tái khám định kỳ. Hoàn cảnh đơn chiếc nên Huy chịu nhiều vất vả. Mọi chuyện giặt giũ, lau dọn trong nhà đều không có ai làm thay. "Hồi nhỏ, em đã đi chăn vịt ngoài đồng nên mọi việc trong nhà đều xoay xở được. Sáng sớm, em thức dậy nấu cơm, làm đồ ăn để sẵn khi ông đói thì chỉ cần hâm nóng lại. Ông cháu em ăn uống kham khổ quen rồi, có khi một nồi cá kho quẹt để dành ăn suốt 3 ngày", Huy kể.

Phục vụ quán ăn hơn 10 giờ/ngày

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng Huy vẫn chịu khó đến trường để nuôi ước mơ vào đại học. Cuộc sống và công việc của cha mẹ gặp nhiều trắc trở nên chẳng ai sát cánh cùng. Hiểu chuyện nên từ năm lớp 9, Huy đã xin làm thêm tại một quán trà sữa, vài tháng sau thì đi chạy bàn cho một quán ăn uống gần trường. Nếu không có học 2 buổi, một ca làm sẽ bắt đầu từ 13 giờ đến 23 giờ, được chủ bao ăn một bữa. Mức lương 10.000 đồng/giờ cho các công việc bưng món, lau dọn bàn ghế, chạy bàn phục vụ khách hàng.

Từ đó đến nay, Huy luôn đi về nhà lúc nửa đêm với chiếc áo đồng phục học sinh thấm đẫm mồ hôi. Đoạn đường tối om và động lực của nam sinh này chính là muốn có việc tốt trong tương lai để trả ơn cha mẹ và thay đổi hoàn cảnh của mình. Huy rưng rưng chia sẻ: "Ở quán, lúc ít khách, em tranh thủ lấy bài ra học. Bài vở được em chụp ảnh bằng điện thoại để lấy ra xem cho tiện. Chủ quán biết nhưng thông cảm vì hiểu được hoàn cảnh của em. Sáng ra, lúc nấu cơm thì dò lại một lần nữa. Chứ tối nào về tới nhà thì đôi chân em cũng đuối rã rời, mệt mỏi chỉ muốn ngủ thôi".

Huy về trễ, ông Danh không thể yên tâm ngủ trước vì lo lắng. Ông kể, Huy ngoan ngoãn và chín chắn trong suy nghĩ. Hẳn cháu có ước mơ nhưng chưa bao giờ đòi hỏi người thân điều gì. Ngay cả việc chia sẻ cũng rất kiệm lời, có lẽ vì sợ ông trăn trở đâm ra mất ngủ. "Hằng tháng, tôi được nhà nước trợ cấp 320.000 đồng tiền cao tuổi. Chi tiêu cho khám bệnh thì hết sạch, thậm chí nhiều lúc còn phải xin thêm các con. Huy chọn nghề nào tôi cũng đồng tình. Nói đến đây tôi lại thấy mình bất lực vì ngoài ủng hộ tinh thần, tôi chẳng thể giúp gì được hơn cho cháu", ông Danh xúc động.

Báo Thanh Niên cũng mong bạn đọc yêu mến và giúp đỡ, hỗ trợ cho Phan Quốc Huy xin gửi về Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Phan Quốc Huy; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Phan Quốc Huy trong thời gian sớm nhất.

Theo cô Phạm Thị Kim Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh, hoàn cảnh của Huy thuộc diện đặc biệt khó khăn trong trường. Tuy vừa học vừa làm thêm và chăm sóc ông nội nhưng mọi người thấy được sự quyết tâm, nghị lực rất lớn từ em. Huy không thuộc diện miễn giảm học phí, nhưng những khoản thu khác ngoài học phí nhà trường đều xem xét ưu tiên miễn, giảm. "Cuối năm học 12, khi giáo viên khuyên thì Huy mới tạm thời nghỉ làm thêm để tập trung cho việc học. Nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện về mặt tinh thần, kinh phí, những suất cơm tình thương cho Huy vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi thực sự rất hy vọng Huy có điều kiện học tiếp đại học để hiện thực hóa ước mơ của mình", cô Ngọc chia sẻ. 

Cậu học trò có gia cảnh nghèo khó và giấc mơ vào đại học- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.