Lý do được giải thích là “cân nhắc về khó khăn của các DN sau dịch, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của 100 triệu dân”…
Lý do này không sai, thậm chí đi đúng “kịch bản” mà các DN bị tước giấy phép đưa ra để “dọa” cơ quan quản lý. Nếu làm đúng luật, nghĩa là giữ nguyên quyết định tước giấy phép, nguy cơ gián đoạn nguồn cung trên thị trường là có thể xảy ra. Bởi chỉ riêng Saigon Petro đã sở hữu hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ, cung cấp ra thị trường 50.000 m3 xăng dầu/tháng, chưa kể các DN khác.
Thế nhưng bỏ qua cho “ông này” thì chẳng có lý do gì để ngắt cầu dao “ông kia”. Hơn chục DN bị tước giấy phép còn lại, chắc chắn không ngồi yên. Chưa kể việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, DN cứ vi phạm rồi lại gây áp lực cho cơ quan chủ quản, thị trường xăng dầu đã lộn xộn sẽ còn lộn xộn hơn.
Đây không phải là lần đầu bộ này bị “dọa”. Còn nhớ suốt nửa cuối tháng 8 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động. Một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng, một số DN đề xuất tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm về lợi nhuận kinh doanh.
Đặc biệt là sau khi 7 DN đầu mối xăng dầu bị tạm tước giấy phép kinh doanh thì cũng xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội cho là thiếu hụt nguồn cung. Trong cuộc họp trực tuyến khẩn với các đơn vị trực thuộc bộ ngày 26.8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định “điều này là không bình thường, cần kiểm tra làm rõ và xử lý theo quy định”.
Bởi, hai nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn đang ổn định sản xuất, cung cấp khoảng 80% nguồn xăng dầu trong nước; hoạt động nhập khẩu đã được chủ động và giao từ sớm cho các DN nên nguồn cung bảo đảm phục vụ thị trường trong nước. Chiếu theo những gì Bộ trưởng nói thì xăng dầu không thiếu và việc tước giấy phép là không ảnh hưởng gì đến thị trường. Cũng có nghĩa là các DN bị tước giấy phép lần này đừng hòng gây áp lực với Bộ. Dù vậy cũng phải thừa nhận, người dân, DN và nền kinh tế vẫn chưa thể yên tâm. Bởi lần trước Bộ trưởng vừa tuyên bố không thiếu thì ngay sau đó, tình trạng cây xăng đóng cửa, hết hàng, kêu ca chiết khấu, thiếu nguồn cung... vẫn diễn ra khắp nơi. Và đúng như sự phấp phỏng của nhiều người, tại buổi họp báo Chính phủ chiều qua, đại diện Bộ Công thương đã có câu trả lời chính thức, tạm thời chưa rút phép 5 DN vi phạm để đảm bảo nguồn cung.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có tới 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu mà vẫn thiếu nguồn cung, trong khi nhiều thị trường tiêu thụ lớn hơn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ có không quá 5 đầu mối mà cung ứng đầy đủ? Đó là chưa kể, xăng dầu trong nước đã chiếm 80% thị phần, nhập khẩu chỉ khoảng 20% thì vì sao đứt gãy? Việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trong đảm bảo tổng nguồn được phân giao, đảm bảo dự trữ lưu thông như thế nào? Bao giờ thì chính thức công bố kết quả thanh tra, rà soát tổng thể các DN xăng dầu, đảm bảo tính công khai minh bạch? Việc “nhân nhượng” lần này có tạo tiền lệ để các DN tiếp tục điệp khúc lãi lớn im re, lỗ dọa nghỉ bán như hiện nay hay không?
Bộ trưởng Công thương cần sớm có câu trả lời cho người dân, DN biết để minh bạch thị trường và để người dân, DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Bình luận (0)