Cầu hơn 7.000 tỉ đồng bị lún võng 'nằm trong tính toán kỹ thuật'

08/11/2018 06:23 GMT+7

Đại diện chủ đầu tư là Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho rằng mặt cầu vênh đã nằm trong tính toán kỹ thuật.

Ngày 7.11, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các chuyên gia, tư vấn giám sát kỹ thuật, đại diện Bộ GTVT đã làm việc với Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng về tình trạng mặt cầu Bạch Đằng bị phát hiện mấp mô.
[VIDEO] Cận cảnh cầu Bạch Đằng 7.000 tỉ vừa sử dụng đã lún võng
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: “Việc mặt cầu không bằng phẳng là đã rõ và không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề là chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn kỹ thuật phải trả lời vì sao để xảy ra việc trên, kết cấu cầu có đảm bảo an toàn hay không?”.
Đại diện chủ đầu tư là Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho rằng mặt cầu vênh đã nằm trong tính toán kỹ thuật.
Theo đó, cầu Bạch Đằng là cầu dây văng, có thiết kế phức tạp và không được thiết kế trụ tháp quá cao vì sẽ ảnh hưởng đến đường hàng không của sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và cũng không được quá thấp vì bên dưới cầu là luồng hàng hải quốc gia.
“Hiện tượng mấp mô kể trên đã được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát phát hiện từ khi cầu này được hợp long. Sau khi phát hiện việc mặt cầu bị vênh khoảng 2 cm ở đoạn hợp long, chúng tôi đã rất đắn đo khi quyết định trải thảm bê tông ngay hay đợi mặt cầu ổn định, căn chỉnh dây văng rồi mới bù thêm. Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, tư vấn kỹ thuật, chúng tôi quyết định để cầu đi vào hoạt động ổn định, ít nhất 3 tháng kể từ khi thông xe rồi mới "bù vênh", như thế sẽ đảm bảo an toàn hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, xác nhận.
Theo ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, đơn vị này ước tính sẽ tiến hành bù thêm khoảng 200 m3 bê tông để mặt cầu phẳng hơn. Ông Oánh cũng giải thích thêm, hiện tượng không bằng phẳng, cầu bị vênh đã nằm trong tính toán của đơn vị tư vấn kỹ thuật, sai số này nằm trong phạm vi cho phép…
Kết luận buổi làm việc, ông Vũ Văn Diện cho rằng cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng đầu tiên do người VN thiết kế và thi công. Vì thế, sai thì phải sửa, mà sửa phải cho đẹp và thật an toàn.
Ông Diện cũng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn kỹ thuật phải khắc phục sau khi tính toán thời gian hợp lý, không vì bị sức ép dư luận mà làm không kỹ. Đặc biệt, phải tham vấn các chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải và có phương án thi công sau khi được cơ quan chức năng thẩm duyệt.
Có thể do thi công vụng về
Trả lời PV Thanh Niên, ông Chu Ngọc Sủng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), cho rằng tình trạng võng của cầu Bạch Đằng có thể do nhà thầu, công nhân thi công vụng về. Do quá trình đúc dầm cầu trên cao căn chỉnh chưa tốt, dẫn tới độ cao của dầm cầu bị đúc lệch nhau. “Trong thiết kế, các yếu tố về thời tiết, kỹ thuật đều được tính toán hết, nhưng trong thực tế thi công phát sinh nhiều vấn đề. Trước đó, cầu Mỹ Thuận cũng từng xảy ra tình trạng chênh nhau giữa các đốt dầm khoảng 5 cm, nhưng nhà thầu đã nhanh chóng bù vênh để điều chỉnh”, ông Sủng cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, hiện tượng vênh giữa các đốt dầm không ảnh hưởng tới khả năng chịu lực, việc bù vênh sẽ đảm bảo êm thuận cho xe chạy. Ông Sủng cũng đánh giá, việc thêm 200 m3 bê tông để bù vênh là giải pháp kỹ thuật, tuy nhiên cần tính toán và thi công chuẩn xác khi tiến hành bù vênh để không bị ảnh hưởng tới chất lượng cầu.
Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.