Câu lạc bộ tỉ USD của nông sản Việt

15/10/2018 13:54 GMT+7

Sau nhiều thập niên đi ra thế giới, ngày càng có nhiều nông sản góp mặt trong câu lạc bộ tỉ USD trên bản đồ xuất khẩu.

Những nông sản bình dị như gạo, tiêu, điều, rau củ, trái cây, thậm chí cả phế phẩm nông nghiệp... cũng mang về cho Việt Nam hàng tỉ USD. 
Luôn xuất siêu
Việt Nam đã xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ chung của nền kinh tế và luôn xuất siêu. Suốt 10 năm qua (2008 - 2017), ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng đến 9,24% năm. Năm 2017, xuất khẩu nông sản đạt gần 37 tỉ USD, so với 10 năm trước tăng hơn 20 tỉ USD. Năm 2018 dự kiến xuất khẩu nông sản đạt đến 40 tỉ USD. Những thành tích ấn tượng này là nhờ sự đóng góp của những nông sản Việt với kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm. Trong 3 quý đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 29,5 tỉ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 như: gạo đạt 2,5 tỉ USD tăng 23%; rau quả đạt gần 3,1 tỉ USD tăng 17%; thủy sản 6,4 tỉ USD, tăng 7,2%; lâm sản đạt 6,7 tỉ USD, tăng 16%... Thặng dư thương mại ước đạt 6,2 tỉ USD, tăng 2,85% so với 9 tháng đầu năm 2017.
Hiện Việt Nam có đến 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD/năm. Trong đó 5 mặt hàng: tôm, rau quả, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD/năm. 10 năm trước, năm 2008, Việt Nam chỉ có 5 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm và chỉ 2 mặt hàng đạt kim ngạch 3 tỉ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới và có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ đang lấy lại vị thế khách hàng số một của cá tra Việt Nam từ tay Trung Quốc Công Hân
Sự tăng trưởng xuất khẩu nông sản phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp nông nghiệp vì chính họ là người đã mang nông sản Việt ra thế giới. Tính đến cuối năm 2017 cả nước có 7.033 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn 213.394,9 tỉ đồng; số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng gần gấp 3 lần so với năm 2007. Trên đà đó, thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện đáng kể, năm 2012 thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn chỉ 75,8 triệu đồng đến năm 2017 là 130 triệu đồng. Thành tích này đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn (bình quân 1,5%/năm), nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn.
Đến câu lạc bộ chục tỉ đô
Câu lạc bộ tỉ đô nông sản ngày càng đông đúc, một số mặt hàng như tôm hay gỗ đã nghĩ đến giá trị xuất khẩu vượt chục tỉ USD trong một vài năm tới với những chiến lược được chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Ở thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để "kết nạp" ngành rau quả vào câu lạc bộ này khi mới đạt 3,5 tỉ USD năm 2017 và mục tiêu 2018 là 4 tỉ USD. Nhưng đây là ngành nhiều tiềm năng nhờ tốc độ tăng trưởng cao, thị trường rộng lớn và sản phẩm đa dạng. Hiện nay dù mang danh ngành rau quả nhưng Việt Nam chủ yếu chỉ mới xuất khẩu trái thanh long tươi và ớt tuy nhiên Việt Nam vẫn còn rất nhiều loại rau quả đặc sản khác như: dừa, chôm chôm, nhãn, xoài, sầu riêng… Tổng dung lượng thị trường rau quả toàn cầu được dự báo có thể đạt giá trị đến 300 tỉ USD vào năm 2030, nghĩ là Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng này dựa vào việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đi vào chế biến sâu. Con số xuất khẩu 10 tỉ USD/năm với ngành rau quả là chuyện trong tầm tay. Dự báo trong 5 tới ngành này sẽ là chủ lực của nông sản xuất khẩu.
Đối với ngành gỗ, ông Trần Việt Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng: Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới trong lĩnh vực này, với đà phát triển hiện nay sẽ nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam là công nghiệp chế biến bắt kịp xu hướng thị trường. Bên cạnh đó các doanh nghiệp chủ động tham gia sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất bền vững của thế giới, sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp. Tư duy của các doanh nghiệp gỗ hiện nay không chỉ bán các sản phẩm đơn thuần mà đi vào chế biến và kinh doanh không gian sống, những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao.
Một số mặt hàng chưa dám mơ xuất khẩu chục tỉ nhưng cũng tạo được dấu ấn trong thời gian gần đây chính là hạt gạo. Chất lượng và giá trị hạt gạo xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 507 USD/tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2017. Ở phân khúc gạo trắng chất lượng cao, gạo Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan và nhiều thời điểm giá bán còn cao hơn gạo Thái. Một điều tích cực khác là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hay như ngành chăn nuôi, trước nay vẫn được xem là yếu kém, không có khả năng cạnh tranh thì trong năm nay đã có sản phẩm thịt gà xuất khẩu đi Nhật và thịt heo đi Myanmar. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.
Thời cơ lớn
Ngay trong câu lạc bộ tỉ đô vẫn có nhiều mặt hàng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Sản phẩm cao su và sắn đầu ra vẫn bấp bênh vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Để phát triển bền vững chỉ có cách đầu tư vào chế biến và chế biến sâu. Ngành tiêu và cà phê đang gặp khủng hoảng thừa của thế giới nên giá giảm mạnh. Lời giải cho bài toán này chính là điều tiết lại sản xuất đi kèm với chế biến vì phần lớn sản phẩm xuất khẩu của 2 mặt hàng này vẫn là xuất thô. Hay như ngành điều đang gặp khủng hoảng vì thiếu nguyên liệu và các doanh nghiệp trong ngành tranh mua tranh bán. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề ở góc độ lạc quan, những khó khăn của các nhóm hàng trên chính là cơ hội thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, giữ lại những đơn vị làm ăn chân chính. Hiểu vấn đề theo cách tích cực như vậy sẽ thấy rằng những khó khăn hiện tại sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và những ngành này phát triển bền vững hơn.
Cơ hội lớn khác quan trọng hơn đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện tại chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chỉ trong tháng 9, một phái đoàn doanh nghiệp thủy sản và một phái đoàn doanh nghiệp chăn nuôi của Mỹ sang Việt Nam tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam. Đây rõ ràng không phải là tin vui với người sản xuất nông nghiệp trong nước. Nhưng nếu lật ngược vấn đề sẽ thấy tác động của cuộc chiến với ngành nông nghiệp là rất lớn. Khi hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ bị hạn chế sẽ là cơ hội cho các nước khác trong đó có Việt Nam. Vấn đề còn lại là chính phủ và doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội này như thế nào? Một tính hiệu thật sự tích cực từ cuộc chiến thương mại chính là mới đây Mỹ giảm thuế chống bán phá giá lên tôm và cá tra Việt Nam. Điều này cho thấy Mỹ đang rất cần nguồn hàng hóa thay thế từ các nước khác ngoài Trung Quốc để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Năm 2017, Mỹ đã mất vị trí khách hàng nhập khẩu lớn nhất các tra Việt Nam vào tay Trung Quốc. Thời điểm hiện nay Mỹ đã lấy lại vị trí này. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: Đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm đã vượt công suất thiết kế của nhà máy. Trong đó nhiều đơn hàng đến từ Mỹ.
Cuộc chiến thương mại cũng làm ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu đậu nành và thức ăn chăn nuôi của Mỹ. Người chăn nuôi Việt Nam có thể được lợi vì nguyên liệu đầu vào của ngành này giảm. Bên cạnh đó nếu sản phẩm hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, giảm tiêu thụ hàng Trung Quốc. Sản phẩm chất lượng của Mỹ với giá cạnh tranh bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh và qua đó từng bước nâng cao chất lượng, từng bước nâng cao sức mạnh nội tại của chính doanh nghiệp Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.