Chính lúc này, con đường "mơ hồ", lúc ẩn lúc hiện, như có như không từ thập niên 1860 bỗng hiện lên, càng lúc càng rõ, thành con đường chính từ khu vực gần Lăng Cha Cả đi xéo xuống khu vực gần cầu Huệ cũ, băng qua rạch Nhiêu Lộc, "tiếp quản" con đường nhỏ nối dài (của đường Đặng Văn Ngữ hiện nay) sang bên kia rạch Nhiêu Lộc ra đường Thiên Lý (lúc ấy mang tên đường Thuận Kiều, rồi đường Verdun, nay là Cách Mạng Tháng Tám).

Cuối đường Đặng Văn Ngữ nhìn ra rạch Nhiêu Lộc xưa có một cây cầu, đó là cầu Lão Huệ
Ảnh: C.M.C
Con đường ấy (nay là đường Bùi Thị Xuân) khi đó chắc chắn phải có cầu để thông tuyến. Và những bản đồ từ đầu thập niên 1910 trở đi đã có cây cầu này, không thấy ghi tên. Cây cầu mới cách vị trí cầu cũ chỉ khoảng 50 - 60 m.
Như đã nói ở các kỳ trước, dọc rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước và sau thời Pháp thuộc xưa có bốn cây cầu chính được ghi nhận. Theo tác giả tập khảo cứu Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945, chỉ cầu Điếm/Chợ Mới/Kiệu còn ở vị trí ban đầu, hai cây cầu Thị Nghè, cầu Bông đã dịch chuyển vị trí.
Cụ thể cầu Thị Nghè hai lần đổi vị trí, cầu hiện nay cách cầu đầu tiên (ở khu vực chung cư Nguyễn Ngọc Phương, cuối đường Huỳnh Mẫn Đạt, P.19, Q.Bình Thạnh hiện nay) tổng cộng hơn 360 m; cầu Cao Miên/cầu Bông hiện nay vốn ở vị trí cầu Sắt, tức cầu Bùi Hữu Nghĩa hiện nay (cạnh cầu này hiện vẫn còn rạch Cầu Bông), cách đó 170 m (Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945, trang 235 - 240).
Dù dịch chuyển, hai cầu này vẫn mang tên cũ. So với quãng đường dịch chuyển vị trí của cầu Thị Nghè và cầu Bông (360 m và 170 m), "cầu Lão Huệ mới" có khoảng dời ít hơn nhiều. Tuy nhiên, nó có còn gọi là Lão Huệ hay không thì thú thật tôi cũng không rõ khi không bản đồ lẫn người dân nào gọi tên này nữa. Có thể do nó ở vùng hẻo lánh, "cùng nguyên", chỉ có giá trị nội vùng nên người ta đã quên khuấy đi.
Và một lý do trực tiếp quyết định số phận hẩm hiu của cây cầu Sạn (đến mức tới giờ, dù mới biến mất hoàn toàn hơn 20 năm nay, nhưng tới giờ, chưa thấy ai có được hình ảnh chụp cây cầu này): hương lộ 16 (từ giữa thập niên 1960 thành đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai) rộng hơn, trải nhựa. Bà con trồng rau ở các khu vườn rau xóm Vườn Rau dọc hai bên con đường mòn không có tên, sau này tên Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), từ Lăng Cha Cả, qua cổng xe lửa số 6 hiện nay khoảng 250 m - về phía Q.3.

Ty Cơ Xa trước 1975 (Xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa và kho hàng hóa Hòa Hưng, nay là ga xe lửa Sài Gòn) cắt ngang đường nối Bùi Thị Xuân ra Cách Mạng Tháng Tám hiện nay
Ảnh: Tư liệu
Từ sau 1954, bà con các khu trồng rau nếu muốn chở rau bằng xe ngựa hoặc xe lam, buộc phải đi đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), qua khu chợ Ông Tạ cũ vốn buôn bán sầm uất để lên ngã ba Ông Tạ, ra đường Lê Văn Duyệt - Phạm Hồng Thái để lên Hòa Hưng, Sài Gòn, hoặc xuống Bà Quẹo, Hóc Môn.
Chiều ngang cầu Sạn lúc ấy thu nhỏ thảm hại, chỉ còn vài mét, bằng gần một nửa cầu Ông Tạ. Cầu lại thấp. Hồi cuối thập niên 1960, mỗi khi trời mưa lớn, nước chỉ mấp mé cầu Ông Tạ, nhưng lại ngập hẳn mặt cầu Sạn. Kỷ niệm thời con nít, cuối thập niên 1960 của tôi và bạn bè trong xóm là mưa ngập, toàn bám mấy cây sắt hai bên cầu Sạn để tạt nước trên cầu trửng giỡn nhau.
Và một lý do quan trọng: sau khi có mặt khoảng hai chục năm, đầu thập niên 1930, một xưởng bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy xe lửa và kho lưu trữ hàng hóa (trước 1975 là Ty Cơ Xa Sài Gòn, nay là Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn) đã được xây dựng, chặn ngang con đường nối từ cây cầu này ra đường Verdun (thay tên đường Thuận Kiều, sau 1954 là Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng Tám).
Có thể nói từ lúc này, "cầu Lão Huệ mới" đã không còn vị trí "đi một mạch" từ Lăng Cha Cả đến đường Thiên Lý/Thuận Kiều/Verdun cũ nữa. Đoạn đường còn lại ở hai bên cơ xưởng này ngày càng "teo tóp" lại, nay chỉ là một con hẻm nhỏ hơi cong quẹo, chiều ngang một, hai thước.
Xin nói thêm: nếu cây cầu Lão Huệ xưa đến lúc này vẫn còn thì nó cũng chịu số phận này khi xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa và kho hàng hóa Hòa Hưng - nay là ga xe lửa Sài Gòn - cũng cắt ngang nó từ thập niên 1930. (còn tiếp)
Bình luận (0)