Cầu siêu đồng bào tử vong vì dịch Covid-19: Xoa dịu những đau thương một năm trước ở TP.HCM

18/08/2022 11:36 GMT+7

Sáng 18.8 (tức 21.7 âm lịch), tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) GHPGVN TP.HCM khai mạc Trai đàn Đại lễ cầu siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 . Chương trình diễn ra trong liên tục 3 ngày.

Đại lễ cầu siêu đồng bào tử vong trong dịch Covid-19 có sự tham gia của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Quyền Pháp chủ GHPGVN, các chư tôn đức GHPGVN, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, các cấp lãnh đạo, GHPGVN TP.HCM, cùng thân nhân của đồng bào tử vong trong dịch Covid-19.

Đại lễ cầu siêu đồng bào tử vong vì Covid-19: ngậm ngùi nhớ mẹ, nhớ em

Với chủ đề “Hộ quốc Nhân vương phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng”, đại lễ được cử hành ở chánh điện của Việt Nam Quốc Tự - trung tâm hành chính của GHPGVN TP.HCM trong không khí trang nghiêm, xúc động.

Nhiều Phật tử từ các nơi đến Việt Nam Quốc Tự cầu siêu cho đồng bào mất trong đại dịch
nhật thịnh
Đại lễ cầu siêu diễn ra trang nghiêm tại Việt Nam Quốc Tự
nhật thịnh

Phát biểu trong lễ khai mạc Trai đàn, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN cho biết, không phải hôm nay chúng ta mới bắt đầu tưởng niệm đến những người đã mất và ghi nhận công lao của tất cả các vị chiến sĩ thầm lặng hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, trải qua 1 năm TP.HCM đã có thay đổi, đã có phát triển nhưng ở trong lòng người còn những ẩn khuất chưa giải tỏa được, Trai đàn này chúng ta giải tỏa tất cả những nỗi ẩn khuất đó để người quá cố có thể về Phật, tái sanh trên cuộc đời, cùng chúng ta xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đại lễ diễn ra trong 3 ngày liên tiếp

nhật thịnh

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành đến tham dự đại lễ

nhật thịnh

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban Trị sự, GHPGVN TP.HCM chia sẻ, Đại lễ cầu siêu lần này diễn ra trong không khí của mùa Vu Lan, cũng đúng với tinh thần Thông bạch của Trung ương Giáo hội hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động tùy theo tình hình thực tế để thể hiện tình người, tinh thần tri ân và báo ân.

Vì vậy, Ban Trị sự đã dựng một bia đá trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự để ghi dấu nỗi đau thương của những người nằm xuống, nhắc nhở người còn sống, đặc biệt là thế hệ trẻ phải nhớ ơn những người đã hy sinh vì sự nghiệp chung.

Đại lễ cầu siêu diễn ra trong không khí của mùa Vu Lan báo hiếu

nhật thịnh

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN kỳ vọng, Trai đàn này chúng ta giải tỏa tất cả những nỗi ẩn khuất đó để người quá cố có thể về Phật, tái sanh trên cuộc đời,
Nhật thịnh

“Tính từ thời điểm khi đại dịch bùng phát đợt thứ 4 mà TP.HCM là nơi chịu ảnh hưởng và mất mát lớn nhất đến nay đã tròn 1 năm, nói theo ngôn ngữ dân gian là “giỗ đầu” hay “tiểu tường”. Việc tổ chức Đại lễ cầu siêu ở thời điểm này thể hiện mong muốn xoa dịu phần nào nỗi buồn thương vẫn còn âm ỉ nơi những người có thân nhân qua đời trong đại dịch”, Hòa thượng Thích Lệ Trang thông tin.

Theo Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự, đây là cơ hội để mọi người ngồi lại với nhau cùng quán chiếu, tu tập trong mùa Vu Lan. “Chỉ có sự tu tập mới có thể hóa giải được những buồn đau còn day dứt trong các gia đình, trong cuộc đời của nhiều người”, Hòa thượng chia sẻ.

GHPGVN TP.HCM trao tặng 1.000 phần quà (trị giá 1,2 tỉ đồng) đến các gia đình khó khăn do dịch Covid-19 và 1 tỉ đồng cho Quỹ Vì người nghèo TP.HCM
nhật thịnh
Phật tử, gia đình có thân nhân mất trong dịch Covid-19 đến tham dự đại lễ
nhật thịnh

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, thời khắc này nhìn lại 1 năm là chặng đường đồng thuận, đồng tâm của toàn thể nhân dân TP.HCM, đồng bào cả nước cùng vượt qua khó khăn của đại dịch.

Bà Phan Kiều Thanh Hương cũng tri ân sự đóng góp của đồng bào nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài, lực lượng tuyến đầu đã cùng cộng đồng bước qua đại dịch. “Trong nhiều năm qua cũng như trong đại dịch, Ban trị sự GHPGVN các cấp đồng hành các cấp để có những hoạt động ý nghĩa, vơi bớt đau thương với gia đình bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19”, bà Hương bày tỏ.

Bia đá trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự ghi dấu nỗi đau thương của những người nằm xuống

nhật thịnh
Phật tử ghi giấy cầu an, cầu siêu cho người thân
nhật thịnh
"Khủng khiếp", ông Lâm Hưng Gia (60 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) nói khi nhắc về ký ức đại dịch. Người thân của ông may mắn chỉ bị Covid-19 nhẹ, nhưng 1 người ông quen biết đã ra đi đột ngột trong dịch. Hôm nay, ông đến tham dự đại lễ, mắt rưng rưng khi nghĩ về những ngày này của 1 năm trước và cầu nguyện tất cả người mất trong đại dịch được siêu sanh cực lạc.
vũ phượng

Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cũng đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo TP.HCM năm 2022 1 tỉ đồng, đồng thời trao tặng 1.000 phần quà cho các gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 trị giá 1,2 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.