Cầu sông Hàn, Thảo Cầm Viên, động Thiên Đường... xác lập Kỷ lục Bất biến Việt Nam

12/09/2022 10:54 GMT+7

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa công bố Các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam năm 2022, nhằm giới thiệu, quảng bá các kỷ lục không thể thay thế và không (hoặc ít khi) bị phá vỡ của đất nước, con người Việt Nam .

Theo đó, nhiều công trình và địa danh thắng cảnh nổi tiếng như Cầu quay sông Hàn, Thảo Cầm Viên, động Thiên Đường... và nhiều tên tuổi nổi danh khác cũng được xác lập Kỷ lục Bất biến Việt Nam năm 2022. Cụ thể như sau:

Trạm khí tượng thủy văn Phù Liễn trên 100 tuổi

Năm 1902, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định 421 cho phép xây dựng tòa nhà chính của Sở khí tượng Đông Dương trên đỉnh núi Phù Liễn cách mặt nước biển 116 m. Vào lúc bấy giờ, núi Phù Liễn còn là vị trí đắc địa phục vụ cho công tác nghiên cứu và dự báo khí tượng ở khu vực Đông Dương. Nơi này gồm 12 trạm khí tượng và 29 trạm khí hậu. Đài khí tượng tự hào là trung tâm nghiên cứu dự báo khí tượng thủy văn sánh ngang với đài khí tượng của Mỹ ở Manila (Philippines), đài khí tượng Tokyo (Nhật Bản).

Đài khí tượng Phù Liễn tự hào là trung tâm nghiên cứu dự báo khí tượng thủy văn sánh ngang với đài khí tượng của Mỹ ở Manila (Philippines), đài khí tượng Tokyo (Nhật Bản)

VietKings

Năm 1906, Đài khí tượng Phù Liễn được chính thức đi vào hoạt động quan trắc lấy số liệu về nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, lượng mưa, và tốc độ gió. Đài khí tượng Phù Liễn đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc quan trắc khí tượng cho ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 5.11.1976, đài được đổi tên thành Đài khí tượng thủy văn Phù Liễn và được giữ cho đến ngày nay. Vào năm 2018, Tổ chức khí tượng thế giới đã chính thức cấp bằng công nhận trạm khí tượng thủy văn Phù Liễn là trạm khí tượng trên 100 tuổi.

Động Thiên Đường (Quảng Bình)

Nằm ở km 16 (cách rìa nhánh tây đường Hồ Chí Minh gần 4 km), trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191 m, bao quanh là cánh rừng nguyên sinh hoang sơ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, hang động Thiên Đường được hình thành trên nền địa chất caxtơ cổ, có niên đại từ 350 – 400 năm về trước. Với chiều dài hơn 31,4 km và rộng khoảng từ 30 – 100 m, có đoạn rộng nhất lên tới 150 m; chiều dài đáy đến trần khoảng 60 – 80 m; động Thiên Đường trở thành hang động khô dài nhất Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung do Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá. Động Thiên Đường được chia làm nhiều khoang, khoang rộng nhất có chiều rộng lên đến 150 m, chiều cao 100 m.

Động Thiên Đường trở thành hang động khô dài nhất Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung

VietKings

Hệ thống thạch nhũ trong động vô cùng phong phú về giá trị địa chất cũng như hình hài, được gọi với những cái tên mỹ miều như: Thạch Hoa Viên, tháp Liên Hoa, Thỏ Ngọc, cung Giao Trì, cung Quảng Hàn, Quần Tiên hội tụ,…

Thảo Cầm Viên – vườn thú lâu đời nhất Việt Nam

Thảo Cầm Viên, còn gọi là Sở thú ở TP.HCM là vườn thú lâu đời nhất Việt Nam và là một trong những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới. Vườn thú được Pháp xây dựng từ năm 1864.

Ban đầu, vườn thú có tên là Vườn Bách Thảo, từ năm 1956 vườn Bách Thảo được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến nay.

Sau 158 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với khoảng 1.000 cá thể động vật gồm hàng chục loài có vú, hàng chục giống chim, nhiều giống bò sát và bộ sưu tập khoảng 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích 20 ha... và liên tục được bổ sung thêm.

Hiện Thảo Cầm Viên là thành viên của nhiều tổ chức động, thực vật quốc tế, trong đó có Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA); Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Hiệp hội Vườn thú và Hồ cá thế giới (WAZA); Tổ chức Quản lý loài quốc tế (ISIS)...

Thảo Cầm Viên, còn gọi là Sở thú ở TP.HCM là vườn thú lâu đời nhất Việt Nam

Hiện Thảo Cầm Viên là thành viên của nhiều tổ chức động, thực vật quốc tế

VietKings

Ngoài ra, trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có hai công trình kiến trúc đặc sắc khác, đó là Đền Vua Hùng dựng năm 1926 và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP.HCM mở cửa từ năm 1929.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Năm 1958, Việt Nam Cộng hòa đã thành lập Cục Nguyên tử lực và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân ra đời mang tên: Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 ha bên đường Nguyên Tử Lực, phía đông bắc trung tâm Đà Lạt.

Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4.1961 và được hoàn thành vào tháng 12.1962. Đây là một công trình do chính phủ Mỹ tài trợ, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình. Mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế… cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản về vật lý lò phản ứng và an toàn bức xạ.

Mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế

VietKings

Từ đó đến nay, các nhà khoa học hạt nhân Việt Nam đã vận hành an toàn và khai thác thành công thiết bị hạt nhân này vào những mục tiêu hòa bình trong đời sống và công cuộc xây dựng đất nước.

Cầu sông Hàn – cầu quay dây văng đầu tiên tại Việt Nam

Cầu quay Sông Hàn được khởi công xây dựng ngày 2.9.1998 và khánh thành, đưa vào sử dụng đúng ngày kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng 29.3.2000.

Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Đà Nẵng, vì cầu sông Hàn là cây cầu quay dây văng đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, cầu sông Hàn do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, đồng thời được xây dựng với sự giúp đỡ của người dân địa phương. Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ đông. Cầu có chiều dài 487,7 m, rộng 12,9 m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 m, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

Hằng đêm, phần giữa của cây cầu sẽ quay quanh trục một góc vuông 90 độ, nằm song song với dòng chảy để tàu bè lớn có thể chạy từ sông ra biển và ngược lại. Thời gian để cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Đến khoảng 3 giờ 30, cầu Sông Hàn sẽ được quay về vị trí cũ.

Cầu sông Hàn – cầu quay dây văng đầu tiên tại Việt Nam

VietKings

Cầu sông Hàn không chỉ góp phần thuận lợi cho giao thông đô thị và phát triển kinh tế của thành phố như mà còn được xem là một biểu tượng của một thành phố thủ phủ miền Trung này.

Vì vậy, với việc xác lập Kỷ lục Bất biến Việt Nam năm 2022 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, cầu quay sông Hàn tiếp tục sẽ là điểm đến hấp dẫn, tiếp tục quảng bá cho du lịch cho thành phố Đà Nẵng ngày càng khởi sắc sau đại dịch. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.