0 giờ ngày 26.8.2023, trên đường Phạm Văn Đồng trước lối lên cầu Thăng Long, thành phố Hà Nội, hệ thống biển báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng được bố trí đầy đủ. Nhiều phương tiện giao thông phải quay đầu hoặc đổi hướng di chuyển vì không được phép lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long. Hoạt động này diễn ra từ 0 giờ đến 4 giờ các ngày 26, 27, 28.8, nhằm phục vụ công tác kiểm định, thử tải cầu Thăng Long.
"Nội dung của phạm vi kiểm định công trình lần này, chủ yếu là phần cầu dẫn đường bộ cho phần cầu ô tô ở tầng 2, cầu dẫn cho phần đường sắt ở tầng 1 và hai nội dung hai bên cánh gà của phần cầu đường sắt. Quá trình kiểm định là nhà thầu sẽ tiến hành công tác thu thập dữ liệu và sau đó đi khảo sát hiện trạng, bước tiếp theo đó là quá trình thử tải để kiểm định cầu. Nhà thầu sẽ tiến hành xếp tải ở trên cầu theo các sơ đồ tải trọng và các loại xe đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt, trên cơ sở là các sơ đồ xếp tải có gắn các thiết bị đo. Từ đó có thể xác định được, đánh giá được khả năng chịu tải cũng như tình trạng của công trình", ông Nguyễn Mạnh Hiển (Phó GĐ BQL Dự án đường sắt khu vực I) cho biết.
Ông Hiển cho biết, cầu Thăng Long được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1984. Đến nay, cây cầu này đã xuất hiện một số dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp của vật liệu.
"Theo đánh giá của tư vấn, cũng như là đơn vị quản lý, sau gần 40 năm, cầu cũng xuất hiện một vài hư hỏng, có dấu hiệu xuống cấp của vật liệu, hoặc là một bộ phận của công trình. Tuy nhiên, công trình vẫn được duy tu và bảo trì theo đúng các quy định của Bộ và các đơn vị vẫn đang thực hiện đúng các quy trình. Để có cái nhìn tổng quan, chi tiết thì cần thiết phải có bước kiểm định sâu và đánh giá thật kỹ để từ đó đưa ra được những kiến nghị, giải pháp không những là để sửa chữa trước mắt cũng như quy trình bảo trì sử dụng lâu dài sau này", ông Hiển cho biết thêm.
Bình luận (0)