Cầu thủ không muốn xuất ngoại, đội tuyển Việt Nam khó vươn tầm

17/01/2025 07:28 GMT+7

Chuyện cầu thủ không còn muốn xuất ngoại có thể thành trở ngại với đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần.

100% thành viên đội tuyển Việt Nam đá ở trong nước

Chức vô địch AFF Cup 2024 đã vãn hồi niềm tin của người hâm mộ vào đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây chỉ thuần túy là danh hiệu "chữa lành" cho nỗi đau khủng hoảng mà Quang Hải cùng đồng đội đã bước qua. Để vươn ra châu Á, vô địch AFF Cup là chưa đủ. Thầy trò HLV Kim Sang-sik cần nền móng vững vàng hơn.

Một trong số yếu tố để bóng đá Việt Nam vươn lên là xuất khẩu cầu thủ sang những nền bóng đá phát triển. Tuy nhiên, khía cạnh này đã bị lãng quên trong 2 năm qua. Từ khi Quang Hải về nước sau 1 năm không thành công trên đất Pháp (khoác áo Pau FC tại Ligue 2), câu chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại không còn được nhắc đến.

Cầu thủ không muốn xuất ngoại, đội tuyển Việt Nam khó vươn tầm- Ảnh 1.

Xuất ngoại trở thành chuyện xa xỉ với cầu thủ Việt

ẢNH: NGỌC LINH

Đã có những cầu thủ khước từ cơ hội xuất ngoại. Phạm Tuấn Hải không sang Nhật Bản thi đấu để ở lại CLB Hà Nội với mức lót tay cao. Nguyễn Hoàng Đức từng được một số đội ở Hàn Quốc, Thái Lan "ngỏ ý", nhưng cũng quyết định ở lại trong nước thi đấu. Anh chọn xuống giải hạng nhất chơi bóng, để rồi một thành viên ban huấn luyện đội tuyển phải thốt lên: "Tôi cảm thấy tiếc nuối, vì cậu ấy và nhiều cầu thủ Việt Nam khác đủ khả năng sang nước ngoài chơi bóng để nâng cao năng lực, thay vì hài lòng với lựa chọn ở trong nước".

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những gương mặt xuất ngoại theo nhiều cách khác nhau, từ thời của Lê Huỳnh Đức, Lương Trung Tuấn ngót nghét 2 thập kỷ trước, rồi Lê Công Vinh, Nguyễn Việt Thắng, sau đó đến Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Đặng Văn Lâm, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Toàn... Trong số này, chỉ Văn Lâm chiếm suất đá chính, với 1 mùa giải khẳng định được mình tại Muangthong United (Thái Lan). Đến lúc này, Văn Lâm vẫn là cầu thủ Việt Nam duy nhất được đội bóng nước ngoài bỏ tiền mua hợp đồng. Còn lại đi theo dạng cho mượn hoặc miễn phí, rồi về nước khi không có chỗ đứng.

Hà Nội và bầu Hiển thưởng ‘khủng’ cho cầu thủ CLB Hà Nội, CAHN sau chức vô địch AFF Cup

Theo một số chuyên gia, cú "bước hụt" của nhiều ngôi sao khi xuất ngoại đã tạo ra tâm lý ngại ra nước ngoài chơi bóng cho thế hệ hiện tại của bóng đá Việt Nam. Đồng thời, mức đãi ngộ kếch xù (lương và phí hợp đồng cao) cũng khiến các cầu thủ hài lòng với V-League hoặc hạng nhất. Có nhiều tiền và được ra sân thường xuyên (đồng nghĩa có chỗ đứng ở đội tuyển, duy trì hình ảnh tốt để có hợp đồng quảng cáo) trở thành lựa chọn hàng đầu.

Cầu thủ không muốn xuất ngoại, đội tuyển Việt Nam khó vươn tầm- Ảnh 2.

Tuấn Hải chọn ở lại CLB Hà Nội thay vì xuất ngoại

ẢNH: NGỌC LINH

Hệ lụy

Với 100% số cầu thủ đá trong nước, đội tuyển Việt Nam vẫn vô địch AFF Cup 2024. Tuy nhiên, tiến ra châu Á lại là chuyện khác. Để thành công ở Asian Cup hay vòng loại World Cup, bóng đá Việt Nam phải đối đầu với rất nhiều anh tài châu lục, chứ chẳng phải mỗi Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Malaysia như tại Đông Nam Á.

Khi ấy, vốn kinh nghiệm tích lũy ở V-League, hạng nhất của cầu thủ, hay tài "điều binh khiển tướng" của HLV Kim Sang-sik liệu có đủ?

Để cầu thủ bước lên trình độ mới, việc đến những nền bóng đá vượt trội trình độ như Hàn Quốc, Nhật Bản là đại lộ duy nhất. Dù không thành công ở nước ngoài, nhưng chẳng ít cầu thủ từng thừa nhận: họ học được rất nhiều ở môi trường mới, với sự chuyên nghiệp và chuẩn bị từ khâu tập luyện và chuẩn bị trận đấu đến dinh dưỡng, thể lực, y tế... Đó đều là trải nghiệm quý giá để cầu thủ vươn mình, dẫu đi cùng với đó là rủi ro không được thi đấu thường xuyên và tụt phong độ.

Một chuyên gia bày tỏ với Báo Thanh Niên: "Chuyện đi hay ở là quyết định của cá nhân cầu thủ. Cần nhìn sâu xa vấn đề: bóng đá Việt Nam chưa thể đào tạo cầu thủ với thể hình, thể hình, vốn sống (ngoại ngữ, khả năng thích nghi) và chất lượng chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta chưa đào tạo cầu thủ với mục đích xuất khẩu. Phải có chiến lược đào tạo và phát triển con người theo tiêu chuẩn của những nền bóng đá hàng đầu, như vậy mới có những cầu thủ đủ tầm đá ở nước ngoài. Còn nếu chúng ta cứ đào tạo cầu thủ rồi để họ tự chơi trong nước với nhau, thì có thuê HLV nào dẫn dắt cũng vậy. Đội tuyển Việt Nam rất khó vươn tầm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.