Cầu thủ Việt kiều: Nguồn lực đang bị bỏ phí

11/03/2019 07:39 GMT+7

Bóng đá Việt Nam (VN) đang có nguồn cầu thủ Việt kiều khá dồi dào mà nếu biết cách tận dụng, các đội tuyển của chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Bài toán đặt ra cho Liên đoàn Bóng đá VN là làm cách nào để chọn ra những cầu thủ phù hợp và tạo điều kiện giúp họ trở về nước, cống hiến tài năng cho các đội tuyển.

Sức mạnh tuyển VN sẽ tăng đáng kể

HLV Mai Đức Chung, Phó chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia thuộc VFF, cho biết: “Chủ trương của Nhà nước và Chính phủ VN là luôn trân trọng các nguồn lực kể cả về tài chính, kinh tế lẫn chất xám từ cộng đồng kiều bào ta đang làm việc và sinh sống khắp nơi trên thế giới. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cũng như nhiều ngành nghề khác tại VN, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ Việt kiều. Đặc biệt thành công rực rỡ của bóng đá VN năm 2018 càng là một cú hích, khiến các cầu thủ Việt kiều có trình độ cao muốn góp sức cho tuyển VN.
[VIDEO] CẦU THỦ GỐC VIỆT THI ĐẤU NỔI BẬT Ở NA UY 
Đây sẽ là nguồn cung cấp nhân lực hết sức quý báu mà chúng ta cần phải biết cách tận dụng. Các cầu thủ Việt kiều đa số được đào tạo từ bé, ở các CLB chuyên nghiệp tại châu Âu như Pháp, Na Uy, Úc, CH Czech, Hà Lan nên chúng ta không phải nghi ngại gì về ý thức tập luyện của họ. Tôi xin nhấn mạnh rằng, nếu VN biết cách chiêu mộ, mời được họ về VN và những cầu thủ này phù hợp với lối chơi của tuyển VN thì sức mạnh của bóng đá VN ở vòng loại World Cup 2022 sẽ tăng lên đáng kể”.
Năm 2012, trong một khóa tập huấn dành cho HLV VN tại CH Czech, HLV Mai Đức Chung được cộng đồng người Việt ở đây giới thiệu một cầu thủ trẻ đang thi đấu cho CLB Sparta Praha B tại giải hạng 2. Sau khi tận mắt xem “giò cẳng” Mạc Hồng Quân, ông Chung đã quyết định bàn bạc với VFF và mời anh về nước.
Năm đó, ông Chung cũng phát hiện thêm một cầu thủ Việt kiều khác là Nguyễn Thanh Giang nhưng chỉ có Quân tạm coi là thành công khi được khoác áo đội U.22 VN, U.23 VN và tuyển VN. Quân cũng đã về hẳn VN và hiện đang đầu quân cho CLB Than Quảng Ninh. Năm 2014, ông Chung phát hiện ra Michal Nguyễn (cầu thủ Việt kiều CH Czech) sau khi chứng kiến một số trận đấu của anh tại câu lạc bộ FK Baník Most tại giải hạng hai nước này. Trung vệ sinh năm 1990 đã được VFF đồng ý triệu tập vào tuyển VN năm 2015.

Nhưng mọi chuyện không dễ dàng

Cầu thủ Việt kiều, nguồn lực đang bị bỏ phí1
Mạc Hồng Quân 
Cầu thủ Việt kiều, nguồn lực đang bị bỏ phí2
Michal Nguyễn
Kể lại trường hợp của Mạc Hồng Quân, Michal Nguyễn để chứng minh một điều, nếu VFF thực sự quan tâm và có hẳn một ban chuyên môn để thẩm định chất lượng của các cầu thủ Việt kiều thì rõ ràng, bóng đá VN sẽ chẳng mất mát gì. Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Thanh Niên, một quan chức VFF thừa nhận: “Vì nhiều lý do khác nhau mà chúng tôi chưa thể cử người sang tận nơi, xem xét trình độ chuyên môn của những cầu thủ Việt kiều. Thứ nhất là khó khăn về kinh phí. Thứ hai là nếu cứ có lời giới thiệu mà VFF lại cử cán bộ sang thì quả là không xuể vì VFF được biết, số cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài phải lên đến hơn 10 người”.
Cũng có ý kiến cho rằng, tại sao không đề nghị trợ lý Lee Young-jin sang tận nơi nhưng cũng theo quan chức VFF: “Điều này bất khả thi vì ông Lee cũng rất bận tại đội U.23 VN.
Một khó khăn nữa là hầu hết các cầu thủ Việt kiều đều không biết nói tiếng Việt nên chúng tôi hết sức lo ngại vì khả năng thích ứng của họ tại môi trường bóng đá VN. Có thể trình độ cao nhưng nếu không hòa nhập được thì cũng khó thành công, nhất là tuyển VN trước mỗi trận đấu tại vòng loại World Cup 2022, chỉ có 5 - 7 ngày chuẩn bị, sẽ là quá ngắn để cầu thủ Việt kiều đó thích nghi, hiểu được đồng đội mới và ngược lại.
Cũng phải tính đến một khó khăn khác là trong trường hợp cầu thủ đó đáp ứng được mọi mặt nhưng khi được triệu tập về VN (cụ thể là 6 lần trong năm 2019 để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 chẳng hạn), liệu CLB của họ có đồng ý”.
Cầu thủ Việt kiều, nguồn lực đang bị bỏ phí3
Đặng Văn Lâm
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phân tích: “Đúng là sẽ khó khăn cho cả đôi bên nếu cầu thủ Việt kiều không vượt qua được những bất đồng về ngôn ngữ, thời tiết, khí hậu và cả văn hóa ứng xử, giao tiếp. Chúng ta có được sự cống hiến rất thành công của thủ môn Đặng Văn Lâm, cũng phải nhờ đến một thời gian dài, Lâm thi đấu cho các CLB tại VN, cho U.19, thậm chí còn từng được HAGL đưa sang Lào.
Lâm hay Mạc Hồng Quân biết tiếng Việt cũng là một lợi thế rất lớn khi khoác áo đội tuyển. Nhiều trường hợp cầu thủ Việt kiều dù có tài năng nhưng lại không phù hợp với bóng đá VN, khả năng hòa nhập kém nên không được trọng dụng. Bởi vậy, một trong những cách để thử thách cầu thủ Việt kiều là VFF nên giới thiệu họ cho các CLB để các cầu thủ này có thể thử việc. Sau đó, VFF và ban huấn luyện đội tuyển sẽ có cơ hội chọn lựa nếu thấy phù hợp”.

Phải nhập lại quốc tịch VN

Một trở ngại rất lớn nữa mà VFF chưa quá mặn mà với việc thu nhận cầu thủ Việt kiều là thủ tục về việc nhập tịch. Theo luật Nhập tịch, người VN định cư ở nước ngoài muốn có nguyện vọng giữ quốc tịch nước ngoài và xin nhập quốc tịch VN, phải làm hồ sơ gửi Sở Tư pháp địa phương. Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp sẽ xem xét trong vòng 85 ngày (gần 3 tháng). Và chỉ khi thấy phù hợp mới đồng ý cấp quốc tịch VN. Luật sư Mai Hồng Hải, Đoàn luật sư Thiên Ân, cho hay người được trở lại quốc tịch VN thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt.
Mới đây, thủ môn Filip Nguyễn (sinh năm 1992), hiện đang khoác áo Slovan Liberec tại giải hạng nhất CH Czech đã trực tiếp liên hệ với HLV Mai Đức Chung để nhờ giới thiệu cho tuyển VN. Ông Chung cho hay: “Khi gặp Filip, tôi cũng khá choáng ngợp với thể hình rất lý tưởng của cậu ấy. Filip luôn quả quyết rằng, cậu ấy rất vinh dự và tự hào nếu được khoác áo tuyển VN và sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho đội tuyển. Filip nhiều lần đến Đại sứ quán VN tại CH Czech nhưng vẫn phải chờ để được lấy quốc tịch VN”.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Chúng tôi không bao giờ đóng cửa với nhân tài mà luôn chào đón cầu thủ Việt kiều nếu họ thực sự có chuyên môn, phong độ ổn định và hội nhập tốt. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chưa kể thủ tục pháp lý cũng không đơn giản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.