SỢ THẤT BẠI ?
Bóng đá VN từng chứng kiến nhiều trường hợp cầu thủ sang nước ngoài thi đấu. Giai đoạn đầu của quá trình xuất ngoại chỉ có vài cái tên đơn lẻ như Lê Huỳnh Đức (Chongqing Lifan, Trung Quốc), Lương Trung Tuấn (Cảng Thái Lan), Nguyễn Việt Thắng (FC Porto B, Bồ Đào Nha) hay Lê Công Vinh (Leixoes - Bồ Đào Nha và Consadole Sapporo - Nhật Bản). Phần lớn các trường hợp xuất ngoại thời kỳ này nhằm mục đích học việc, tích lũy kinh nghiệm hơn là thực sự thi đấu.
Giai đoạn 2016 - 2022, nhiều tuyển thủ VN bắt đầu bước khỏi biên giới để tìm kiếm cơ hội hơn. Lần lượt Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Lâm, Văn Hậu, Quang Hải thử sức ở những nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước châu Âu như Pháp, Hà Lan, Bỉ. Trong đó cao điểm là vào năm 2019, khi đội tuyển VN có tới 3, 4 cầu thủ xuất ngoại cùng lúc. Tuy nhiên, các chuyến xuất ngoại đều khép lại rất chóng vánh.
Các trường hợp xuất ngoại của cầu thủ Việt có mẫu số chung là đều đi theo dạng cho mượn hoặc chuyển nhượng miễn phí. Lần hiếm hoi mà một đội bóng nước ngoài bỏ tiền chiêu mộ cầu thủ VN là trường hợp của Đặng Văn Lâm, khi anh gia nhập Muangthong United (Thái Lan) từ CLB Hải Phòng với giá 500.000 USD (khoảng 12 tỉ đồng) vào năm 2019. Và câu nói "đắt xắt ra miếng" không sai. Văn Lâm cũng là cầu thủ VN duy nhất sắm vai trụ cột ở CLB nước ngoài. Trong khi đó, các cầu thủ VN còn lại may mắn thì đá chính vài trận, còn không thì cho đến ngày về nước chỉ tích lũy số phút ra sân đếm trên đầu ngón tay. Hiện bóng đá nam VN chỉ còn Công Phượng đang chơi bóng ở nước ngoài. Toàn bộ lực lượng dự Asian Cup 2023 của đội tuyển VN đang chơi ở giải quốc nội.
Quang Hải, Công Phượng xuất ngoại lận đận
"Việc cầu thủ VN ngại xuất ngoại đến từ nhiều nguyên do, trong đó có rào cản tâm lý khi có rất nhiều trường hợp phải ngồi dự bị dẫn tới sa sút phong độ. Dù vậy, chúng ta cần nhìn vào gốc rễ: chất lượng đào tạo ở VN chưa tốt, thiếu quy chuẩn bài bản và thống nhất. Mỗi nơi đào tạo một kiểu, chưa đảm bảo dinh dưỡng, khoa học thể thao... dẫn tới chất lượng cầu thủ chưa cao, chưa đáp ứng được tầm cao ở châu Á. Các CLB cần tự hỏi tại sao chưa thể xuất khẩu cầu thủ sang nước ngoài. Bóng đá VN muốn phát triển thì phải có chiến lược đào tạo và phát triển con người theo tiêu chuẩn của những nền bóng đá hàng đầu, như vậy mới có những cầu thủ đủ tầm đá ở nước ngoài. Còn nếu chúng ta cứ đào tạo cầu thủ rồi để họ tự chơi trong nước với nhau, thì dù HLV Troussier hay ai dẫn dắt đội tuyển VN thì cũng vậy, rất khó mơ xa", chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá.
CHỜ HOÀNG ĐỨC VÀ TUẤN HẢI
Điểm chung của hai cầu thủ vừa đoạt Quả bóng vàng VN (Hoàng Đức) và Quả bóng bạc VN (Tuấn Hải) nằm ở chỗ: cả hai đều khao khát sang nước ngoài thi đấu. Ở tuổi 26, Hoàng Đức đã có 5 năm khoác áo đội tuyển VN, là trụ cột gồng gánh CLB Thể Công Viettel nhiều năm liền. Trong khi Tuấn Hải cũng chứng minh năng lực ở V-League và đá chính ở đội tuyển VN từ tháng 1.2022 đến nay. Bất chấp thất bại của những đàn anh trong quá khứ, bộ đôi này vẫn muốn đi thật xa để nhìn thấy chân trời.
Từng có nhiều năm huấn luyện, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: "Việc Hoàng Đức và Tuấn Hải muốn sang nước ngoài là rất đáng khen, nhưng hãy rút kinh nghiệm từ những người đi trước, đó là phải tìm bến đỗ phù hợp với trình độ, CLB có triết lý bóng đá phù hợp với năng lực, từ đó mới phát triển được. Cầu thủ VN nào cũng vậy, không riêng Tuấn Hải hay Hoàng Đức, đã xuất ngoại là phải được thi đấu. Việc chơi bóng ở cường độ cao, tiếp xúc với cơ sở vật chất, điều kiện ăn uống, tập luyện hiện đại… sẽ mở ra cánh cửa để cầu thủ VN nâng tầm.
Bóng đá Nhật Bản từng nghiên cứu chi tiết về việc cầu thủ Nhật cải thiện ra sao khi được đá ở các giải hàng đầu thế giới, so với việc chỉ đá ở giải trong nước. Bóng đá VN cần có nghiên cứu tương tự. Quan trọng hơn cả, muốn có nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, hệ thống đào tạo của các CLB trên cả nước phải tốt. Nếu không, chẳng khác nào đếm cua trong lỗ, rất khó chờ đợi một lứa cầu thủ giỏi có thể tỏa sáng ở nước ngoài".
Bình luận (0)