Xuân Trường từng bị “mắng” vì tuyệt vọng
Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Việt Hùng, người đã sát cánh bên Xuân Trường trong thời gian anh bị chấn thương cách đây hơn 1 năm rưỡi, tiết lộ: “Tôi muốn thuật lại cảm xúc mà tôi nhớ rất rõ, đó là sự run rẩy trong mình của Trường đúng một ngày sau khi cậu ấy gặp chấn thương khi lên tập trung đội tuyển vào cuối tháng 9.2019. Trước mắt tôi lúc đó là một Xuân Trường với đầu gối chườm đá cùng khuôn mặt buồn đến tuyệt vọng. Nhưng tôi không cho phép mình được buồn cùng cậu ấy mà ngay lập tức tôi phải buông một câu mắng: “Mặt mũi thế này, tâm trạng thế này thì làm sao mà hết chấn thương sớm được”. Bởi vấn đề cần giải quyết cho Trường vào thời điểm đó là tâm lý trước khi thực hiện ca phẫu thuật và tập phục hồi trở lại”.
Ông Hùng kể tiếp: “Cả buổi gặp hôm đó, chúng tôi chỉ nói những câu chuyện giúp Trường vui hơn trong thời gian sắp tới. Tôi chia sẻ với Trường về thói quen đọc sách, tôi có một lời hẹn đủ hấp dẫn với Trường là khi nào chấn thương của em tiến triển tốt mà được bác sĩ đồng ý thì anh sẽ tổ chức một chuyến leo núi bởi Trường rất thích leo núi. Tôi còn hẹn Trường một chuyến đạp xe từ Hà Nội về Tuyên Quang quê hương của Trường khi cầu thủ này đã bình phục chấn thương... Và kết quả là, sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi và tập phục hồi chấn thương, số lượng sách mà Trường đã đọc còn nhiều hơn cả một người có thói quen đọc sách hằng ngày trước đó là tôi. Rồi chuyến leo núi sau khoảng hơn 3 tháng mổ chấn thương tại Hàn Quốc, anh em chúng tôi cũng đã thực hiện được khi Trường về nghỉ Tết Nguyên đán. Cả chuyến đạp xe từ Hà Nội trở về quê thì 2 anh em chúng tôi cũng đã cùng nhau thực hiện khi Trường bình phục chấn thương hoàn toàn. Trả lời báo chí, Trường đã nói rất chuẩn xác rằng, việc phục hồi toàn diện nhất cho một VĐV gặp chấn thương luôn phải gắn liền giữa vật lý trị liệu, tập hồi phục chức năng và cả trị liệu liên quan tới tâm lý”.
Còn bản thân chính người trong cuộc - tiền vệ Xuân Trường khẳng định nếu không có những nhân tố bên ngoài tác động vào những suy nghĩ tiêu cực giúp anh giải tỏa stress, anh sẽ rất khó điều trị thành công, nhất là chấn thương lại khá nặng. Trường nói: “Những ngày ở Hàn Quốc khiến tôi nhận ra vì sao đã có rất nhiều VĐV Việt Nam không thể vượt qua chấn thương, bởi họ không thể có đủ một khoản chi phí khổng lồ, hết sức khổng lồ để điều trị và hồi phục. Tôi may mắn được tài trợ cho việc trị liệu phục hồi. Trong số những con người đã hỗ trợ tôi trong suốt quá trình hồi phục, có nhân vật không thể thiếu chính là bác sĩ Choi của đội tuyển Việt Nam. Tôi có một mối nhân duyên tốt với bác sĩ Choi khi còn chơi bóng tại CLB Gangwon FC bên Hàn Quốc. Cách đây mấy năm, vào thời điểm tôi gặp phải chấn thương dai dẳng, người đại diện của tôi đã giới thiệu tôi tới gặp ông để khám và chữa trị dứt điểm. Và rồi chúng tôi đã gặp mà chưa hề thân thiết. Hai năm sau đó, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ khi gặp lại nhau ở đội tuyển Việt Nam”.
Xuất ngoại từ năm 17 tuổi nhưng để... điều trị chấn thương
Trong số những ca chấn thương tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí phải nhắc đến Tuấn Anh, người có tiền sử chấn thương thuộc hàng “kỷ lục” của bóng đá Việt Nam. Anh đã vắng mặt tại V-League và đội tuyển trong một quãng thời gian dài mà nói như Xuân Trường: “Chàng Nhô đã bỏ lỡ nhiều giải đấu quan trọng vì chấn thương”. Anh từng trải qua 11 loại chấn thương khác nhau mà chấn thương nào cũng dạng “búa bổ” cả: Chấn thương cơ thẳng bụng, cơ chéo bụng, cơ đáy chậu; riêng chân phải bị giãn gân khoeo, viêm cơ nhị đầu đùi, sụn chêm gối; còn chân trái chấn thương đầu gân cơ lược, cơ khép lớn, cơ đùi, rách 25% sụn chêm, đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Tuấn Anh “sở hữu” nhiều chấn thương đến nỗi đôi chân của anh được “mệnh danh” là đôi chân “pha lê”.
Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi đã phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật cho chấn thương đầu gối của mình. Tôi từng phải qua Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc để phẫu thuật chấn thương và tập phục hồi. Đó là những khoảng thời gian dài và rất nhiều khó khăn đối với tôi khi phải một mình tới môi trường rất mới để tập luyện. Tôi có một ký ức là năm 17 tuổi đã dính chấn thương và chú Đức (bầu Đức - PV) đã tạo điều kiện giúp tôi sang Pháp điều trị. Tương lai tôi có lẽ đã là một dấu hỏi lớn nếu như không được điều trị kịp thời”. Kiệm lời và khá kín đáo nhưng ý chí vượt khó của Tuấn Anh khó ai sánh bằng. Lửa quyết tâm, không hoảng hốt, thối chí giữa những phong ba bão táp của sự nghiệp đã trả Tuấn Anh về với sân cỏ - nơi anh xứng đáng thuộc về. Năm 2019, sau 14 tháng vắng mặt ở các đấu trường trong nước và quốc tế, Tuấn Anh được thầy Park triệu tập lên đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Đôi chân “pha lê” của anh đã biến ảo tuyệt vời, đánh tan mọi nghi ngờ của thiên hạ về quyết định của ông Park.
Bình luận (0)