Bóng đá Việt Nam đang chấn động bởi bê bối ma túy khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bàng hoàng, bức xúc.
Cựu Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Vũ Lâm chia sẻ: “Có 2 biện pháp giúp ngăn ngừa việc cầu thủ nội sa ngã, thậm chí lao vào con đường sử dụng ma túy, thứ nhất đó là biện pháp kỹ thuật, xét nghiệm ở cấp CLB và ở cấp độ các giải đấu.
Biện pháp thứ nhì là tăng cường giáo dục cầu thủ từ khâu đào tạo. Các CLB trên thế giới không quản lý cầu thủ sau giờ tập và sau giờ thi đấu, cầu thủ tự quản lý bản thân khi rời CLB về nhà.
Nhưng sáng hôm sau, các đội nước ngoài có thể kiểm tra doping đột xuất các cầu thủ của mình. Rồi ở các giải đấu quốc tế, việc kiểm tra doping cầu thủ cũng là việc quen thuộc, họ có thể kiểm tra theo phương án bốc thăm, hoặc chọn lựa ngẫu nhiên những cầu thủ mà họ cho rằng có biểu hiện bất thường. Việc kiểm tra khiến cho các cầu thủ không dám buông thả, vì nếu buông thả, nguy cơ bị phát hiện quá cao”.
Còn về việc giáo dục ý thức của cầu thủ từ khâu đào tạo, cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm nói: “Vẫn có những cầu thủ Việt Nam rất nghiêm túc trong sinh hoạt, vẫn có những CLB và những lò đào tạo giúp giới chuyên môn và người hâm mộ yên tâm về lối sống và cách hành xử của cầu thủ bên ngoài sân bóng. Ví dụ như Hà Nội FC, HAGL, Thể Công Viettel thường cho ra lò những cầu thủ có ý thức tốt về việc nói không với chất cấm”.
Khi xảy ra sự việc cầu thủ bị phát hiện sử dụng ma túy, những người chịu tác động trực tiếp chính là cầu thủ. Ví dụ như trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng trong nhóm 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh bị tạm giữ vì nghi dính dáng đến ma túy mới đây, cầu thủ này gần như tự đóng lại sự nghiệp đang hứa hẹn rộng mở của mình. Nếu điều này được các cầu thủ ý thức từ nhỏ, từ khi còn là các em năng khiếu ở các lò đào tạo, họ sẽ dần hình thành một phản xạ gần như tự nhiên, tự giác tránh xa lối sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ nói trên.
Tiếc rằng có không ít CLB ở trong nước không trang bị những kiến thức đấy cho các cầu thủ. Với một số ông bầu, họ nuông chiều cầu thủ đến mức chỉ cần cầu thủ đấy thể hiện tốt trên sân, mọi biểu hiện vô kỷ luật trong và ngoài sân tập đều có thể được bỏ qua. Một chi tiết nữa không thể không nhắc đến, ở chỗ hầu hết những vụ cầu thủ nội dính dáng đến ma túy, chỉ được biết đến sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, chứ hiếm khi có chuyện các đội bóng chủ động kiểm tra và phát hiện thói xấu từ các cầu thủ của mình. Điều này càng chứng tỏ các CLB vừa thiếu quan tâm, vừa thiếu trang thiết bị y tế phù hợp cho việc tiến hành kiểm tra doping, kiểm tra chất cấm.
Ban tổ chức (BTC) các giải đấu cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, cũng ít kiểm tra trước và trong quá trình giải diễn ra. Đúng là với những vi phạm, người vi phạm tức các cầu thủ là những người có lỗi lớn nhất, họ cần được giáo dục tốt hơn, cần được đào tạo tốt hơn. Tuy nhiên, đòi hỏi sự tự giác của toàn thể giới cầu thủ ngay lập tức cũng hơi khó, nên bản thân các CLB, những nhà quản lý các giải đấu phải có thêm biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, đó là công tác kiểm tra doping định kỳ và đột xuất.
Bình luận (0)