Cầu thủ Việt xuất ngoại: Cứ đi sẽ thành đường

07/07/2019 10:22 GMT+7

Đối với nền bóng đá chưa có văn hóa xuất khẩu cầu thủ như VN, dễ hiểu khi ngày bầu Đức ký hợp đồng với CLB Sint Truidense VV (Bỉ), vẫn có những ý kiến băn khoăn lo cho Công Phượng hoặc nghi ngờ động cơ của CLB HAGL.

Nỗi lo của nền bóng đá chưa hoàn thiện

Sức cầu thủ VN như Công Phượng đến đâu mà đòi đá ở châu Âu? Tôi cho rằng sự nhìn nhận này chỉ là lo lắng chung của người hâm mộ VN vì thiếu thông tin
và chưa tìm hiểu kỹ CLB STVV

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh

Tháng 12.2015, HAGL liên tiếp công bố 3 bản hợp đồng cho mượn Công Phượng (sang Mito Hollyhock, Nhật Bản, 1 năm), Tuấn Anh (Yokohama FC, Nhật Bản, 1 năm) và Xuân Trường (Incheon United, Hàn Quốc,1 năm) trị giá 100.000 USD mỗi năm đánh dấu giai đoạn bóng đá VN mới chính thức tham gia chuỗi thị trường chuyển nhượng quốc tế. Tuy nhiên những lần xuất ngoại đó đều chưa gặt hái thành công về mặt chuyên môn. Cả 3 cầu thủ trẻ tiềm năng hàng đầu VN đều không khẳng định được năng lực ở lần đầu xuất ngoại.
Trước đó Lê Huỳnh Đức, Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng, Lê Công Vinh cũng đã lần lượt ra nước ngoài thi đấu. Cựu tiền đạo đội tuyển VN Nguyễn Việt Thắng từng chua chát: “Ở châu Âu người ta coi cầu thủ châu Á không ra gì”. Lê Công Vinh thừa nhận từng rất “cô đơn” nơi xứ lạ Bồ Đào Nha. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường sang Nhật Bản và Hàn Quốc ngoài cạnh tranh vị trí còn phải chống lại định kiến cầu thủ Đông Nam Á và VN vẫn ở tầm thấp, không “đủ tuổi xếp mâm”.
Chưa đến Bỉ, Công Phượng đã được Sint-Truidense chào đón quá nồng nhiệt
Có thời điểm các chàng trai trẻ cảm thấy lạc lõng nơi đất khách. Như Tuấn Anh, sau trận gặp Iraq cùng tuyển VN, anh bị lung lay5 cái răng nhưng không nói với ai. Phải đến khi trở lại VN khoác áo ĐTQG, thông qua một người bạn gọi điện cho HLV Hữu Thắng thì “Nhô” mới được bác sĩ hỗ trợ xử lý trong vòng chỉ vài tiếng. Hệ quả là suốt một thời gian dài tiền vệ này ăn uống không đủ, dẫn đến đuối sức dù các buổi tập tại Yokohama FC anh luôn đều phải vượt ngưỡng. Dù HAGL đã chuẩn bị khá kỹ khi trang bị kiến thức, vốn ngoại ngữ khá tốt cho các cầu thủ nhưng rõ ràng hoàn cảnh “ném đá dò đường” thì những chệch choạc là điều dễ hiểu, nhất là đối với nền bóng đá vẫn chưa thực sự có văn hóa chuyển nhượng như VN.

Việc Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường... xuất ngoại được cho là không hề tham vọng

Ảnh: Buriram - T.L

Không tham vọng đến mức ảo tưởng

Bản hợp đồng cho mượn 1 năm tiền đạo Công Phượng sang Sint Truidense VV (STVV, Bỉ) là lần đầu tiên một cầu thủ VN xuất ngoại sang châu Âu dài hạn. Nói như bầu Đức thì “châu Âu phải bỏ tiền để lấy cầu thủ chứ không phải VN bỏ tiền để xin đi”.
Dễ hiểu khi bên cạnh sự chờ đón, nhiều ý kiến lo lắng thay cho Công Phượng khi từng thất bại ở châu Á và giờ bơi ra biển lớn châu Âu. Đáp lại điều này, bầu Đức nhấn mạnh thế mạnh về quan hệ quốc tế của HAGL và khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với chính sách cho các cầu thủ trẻ được xuất ngoại chơi bóng.
Bầu Đức tỏ ra rất đanh thép khi khẳng định: “HAGL cho cầu thủ ra nước ngoài được tiền, hàng trăm ngàn USD để tái đầu tư cho bóng đá trẻ. Công Phượng cũng học hỏi được rất nhiều cả về bóng đá lẫn ngoài bóng đá. Ngoài ra, em cũng có thêm thu nhập. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài sẽ sớm trưởng thành, để đóng góp lại cho bóng đá VN, cho tuyển VN và cả những giai đoạn sau này. Chúng tôi sẵn sàng chịu mọi chỉ trích, nghi ngờ nhưng sẽ kiên định với triết lý của mình”.
Bầu Đức: "Điên mới bỏ tiền mua cầu thủ để làm thương mại"
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh phân tích: “Khi HAGL chọn CLB Bỉ, nhiều người cho rằng đó là sự ảo tưởng. Sức cầu thủ VN như Công Phượng đến đâu mà đòi đá ở châu Âu? Tôi cho rằng sự nhìn nhận này chỉ là lo lắng chung của người hâm mộ VN vì thiếu thông tin và chưa tìm hiểu kỹ CLB STVV. Thực chất đội bóng này có rất nhiều cầu thủ Nhật và do người Nhật điều hành nên về mặt văn hóa, lối chơi rất phù hợp với sự hòa nhập của Công Phượng. Vì vậy HAGL không hề tham vọng đến mức ảo tưởng khi chọn CLB Bỉ này. Tôi tin là mọi người sẽ thấy Công Phượng chỉ cần đặt ở vị trí tiền vệ tấn công sẽ đủ sức đứng được ở sân chơi này”.

Đồ họa: Phúc Hải

Nhỏ con nhưng khéo léo vẫn sẽ không “chìm”

CLB Hà Nội có quan điểm khác về việc xuất khẩu cầu thủ. Dù đã có những lời đề nghị nhưng họ vẫn chưa đồng ý cho Quang Hải, Đoàn Văn Hậu xuất ngoại. Theo lời Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội thì các cầu thủ trẻ cần thi đấu thêm ở V-League cho thực sự vững vàng, hoàn thiện trước khi bơi ra biển lớn. Ông Hội nói: “Chúng tôi sẽ cho đi nhưng bây giờ chưa phải lúc. Vì nếu chọn lựa CLB không đúng, đặt cầu thủ mình vào cái áo quá tầm trong khi họ chưa được trang bị một cách chỉn chu nhất thì họ sẽ bị ngợp trong môi trường mới. Nhất là khi tầm vóc, sức bền cầu thủ VN không thể địch nổi các cầu thủ to cao của châu Âu hay thế giới”.
Tuy nhiên ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA, lại có ý kiến: “Nhỏ như Quang Hải vẫn có thể lọt vào mắt xanh của những CLB lớn. Nhỏ phải nhanh, kỹ năng chơi bóng phải hơn người. Sức bền chơi bóng đảm bảo cả trận được. Barca có một loạt cầu thủ thể hình, thể trạng khiêm tốn như Xavi, Iniesta, Messi. Những ai thông minh và có tố chất đó có thể thi đấu đỉnh cao. Tôi tin Công Phượng dù thể hình nhỏ hơn so với cầu thủ châu Âu nhưng độ quái trong cách chơi và sự khéo léo giúp anh lần này sẽ không “chìm’”.

Ý KIẾN

Do hệ thống thi đấu của chúng ta còn thiếu sự ổn định và ăn khớp nên đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của VĐV, cầu thủ; bao gồm cả sự tích lũy về nền tảng thể lực. Môi trường bóng đá tại châu Âu đòi hỏi không chỉ về kỹ thuật, chuyên môn mà phải rất khỏe. Tôi cho rằng lúc này khó cho cầu thủ của chúng ta. Nền thể thao phải có sự cải cách quyết liệt, có được một hệ thống ổn định, xuyên suốt thì cầu thủ mới hội tụ đủ những yếu tố cần thiết và quan trọng để vươn tới thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT
Xuất khẩu cầu thủ đi nước ngoài là rất tốt, tạo cho mình sự hòa nhập, học tập với thế giới. Quan điểm của tôi và SLNA là đưa cầu thủ nào đi phải nghiên cứu CLB mới để làm sao đến là phải đá, chứ không dự bị. Ví dụ như Phan Văn Đức nếu qua nước ngoài có thể đá 1 hiệp nhưng ít nhất trong đội hình chủ lực. Tầm bóng đá VN hiện tại không có cửa mơ xuất khẩu những cầu thủ ở vị trí đặc thù đòi hỏi thể hình và toàn diện như thủ môn, trung vệ, trung phong. Nhưng ngược lại chúng ta có thể kiếm suất ở hai biên, tiền vệ trung tâm là những vị trí cho thấy nếu được chăm sóc tốt có thể vượt qua hạn chế về sức bền, tốc độ”.
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh
Tiểu Bảo - Trung Ninh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.