Chiếc cầu rất đỗi đơn sơ - dù tác dụng của nó rất lớn lao - đi đâu ở khắp miền Nam bộ cũng bắt gặp. Người ta dùng vài thân tre già hoặc thân cây tạp gác qua những cái giá tréo đã cắm xuống dòng kênh, gá thêm tay vịn bên trên, đôi bờ không còn ngăn cách, lòng người xóa được nỗi phiền.
Chiếc cầu nối liền đôi bờ lối xóm láng giềng. Bạn bè, họ hàng muốn lui tới thăm nhau, nhờ chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch đỡ phải lội nước hay đợi đò. Chiếc cầu tre giản dị, dễ thương là điểm hẹn hò, chia tay, gặp lại của biết bao đôi trai gái. Và khi đã trở thành vợ chồng vẫn nhắc hoài kỷ niệm bên “chiếc cầu tre lắt lẻo”.
Bọn tôi ngày ấy thường tụ tập ngồi vắt vẻo trên chiếc cầu tre nghêu ngao ca hát sau những trận đá banh tưng bừng, rồi cả bọn thi nhau nhảy xuống kênh. Nước văng tung tóe hòa lẫn tiếng cười ngây ngô của tuổi thơ ngày ấy.
Hôm rồi về quê thăm nhà. Thật bất ngờ! Chiếc cầu tre biến mất. Một chiếc cầu bằng bê tông sừng sững hiện ra. Vậy là từ nay ba mẹ tôi đỡ phải vất vả qua cầu những khi mưa dầm. Trẻ em tự do tung tăng đến trường mà không nhờ người lớn đón đưa. Trong niềm vui ấy bất chợt tôi có cảm giác như mất đi một người bạn thân thiết đã gắn bó trong những năm tuổi thơ.
Tôi chợt nghĩ, trong tiến trình công nghiệp hóa hôm nay liệu đứa trẻ nhà bên có dịp được đứng trên những “chiếc cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” hay chỉ nhận ra qua hình ảnh cùng câu hát “ầu ơ…”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)