Cấu trúc lớn nhất vũ trụ

19/08/2012 03:10 GMT+7

Các chuyên gia do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dẫn đầu đã phát hiện được cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ tính đến thời điểm này, đó chính là cụm thiên hà Phượng Hoàng.

Nằm cách trái đất 7 tỉ năm ánh sáng, cụm thiên hà khổng lồ này được kết nối với nhau bởi trọng lực. Nó có kích thước trải dài khoảng 7,3 triệu năm ánh sáng, chứa 3 nghìn tỉ sao và có khối lượng gấp 2.500 nghìn tỉ lần mặt trời của chúng ta.

Để so sánh, dải Ngân Hà của chúng ta chỉ chứa khoảng 200 tỉ ngôi sao. Space.com dẫn lời trưởng nhóm Michael McDonald cho hay kẻ giữ kỷ lục trước đó là cụm thiên hà El Gordo, từng được xác định có thể nhỉnh hơn về kích thước, nhưng tính toán mới nhất cho thấy Phượng Hoàng mới là quán quân của vũ trụ. Phượng Hoàng vẫn đang sản xuất sao với tốc độ nhanh chóng mặt, 740 sao/năm, nhiều hơn gấp 5 lần nhà kỷ lục trước đó là cụm thiên hà Abell 1835. Còn Ngân Hà chỉ “đẻ” được 1 hoặc 2 ngôi sao trong cùng thời gian. Phượng Hoàng lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2010 bởi kính thiên văn Nam Cực 10 m, và các chuyên gia phải mất hơn 2 năm mới xác định được họ đã tìm thấy cái gì. Bên cạnh đó, hố đen ở trung tâm cụm thiên hà này có khối lượng gấp 10 tỉ lần mặt trời, trở thành hố đen lớn nhất từng được phát hiện. Hố đen của dải Ngân Hà gấp khoảng 4 triệu lần khối lượng mặt trời.

Cấu trúc lớn nhất vũ trụ
Ảnh: NASA/MIT 

 Thụy Miên

>> Vào khu vực khắc nghiệt nhất vũ trụ
>> Bản đồ 3D lớn nhất về vũ trụ
>> 1 tỉ USD phát triển “taxi vũ trụ”
>> Mùi của vũ trụ
>> Tàn tích của vũ trụ sơ khai

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.