Cậu Vàng - Sáng tạo và chỉn chu nhưng chưa đủ!

09/01/2021 10:10 GMT+7

Ngày 8.1, phim điện ảnh Cậu Vàng lấy cảm hứng từ một số tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao, kịch bản do cố NSND Bùi Cường viết, đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện, bắt đầu công chiếu trên toàn quốc.

“Thế giới điện ảnh” Nam Cao

Có thể thấy, cách kể chuyện của Cậu Vàng qua góc nhìn hiện đại cộng thêm những kỹ thuật tân tiến của kỹ xảo, quay hình, ngôn ngữ điện ảnh… là một trong những yếu tố mang đến sự thú vị, bất ngờ cho khán giả. Phim vẫn giữ được tinh thần và giá trị nhân văn của nguyên tác, dù đạo diễn - biên kịch không chỉ phối hợp lại những nhân vật điển hình trong các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao như Lão Hạc, Chí Phèo, Tắt đèn, Sống mòn, Đời thừa…, mà còn sáng tạo, khai thác thêm nhiều câu chuyện của những nhân vật mới tại làng Vũ Đại. Những ai yêu thích văn chương Nam Cao sẽ thấy được sự sáng tạo của tác giả kịch bản cũng như đạo diễn khi kết hợp những lão Hạc, Binh Tư, Chí Phèo, Bá Kiến... xuyên suốt trong một bộ phim.
Cậu Vàng ghi điểm bởi bối cảnh xã hội làng quê Bắc bộ xưa. Hình ảnh làng quê VN hiện lên thân thuộc do được quay ở Đường Lâm (Hà Nội), Ninh Bình... Từ bối cảnh ruộng lúa, đồng hoa cải, xóm làng, nhà cửa cho đến những cảnh đàn hát ca trù ả đào trên chiếu trước sân nhà hay gánh múa rối nước... đều được tái hiện đầy tính nghệ thuật. Nhưng chính cái “nghệ thuật” này qua những thước phim lung linh đã khiến nhiều khán giả cho rằng cảnh “đẹp quá” so với hiện thực, khiến màu sắc về xã hội nông thôn VN trước Cách mạng Tháng Tám với tất cả sự ngột ngạt, tăm tối ở những bi kịch cùng quẫn đau đớn chưa được đẩy đến tận cùng. Lão Hạc là truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao viết về thân phận người nông dân trong xã hội cũ, đăng báo lần đầu năm 1943. Còn Chí Phèo là bức tranh hiện thực sinh động, viết năm 1941, hư cấu trên cơ sở người thật việc thật ở làng Đại Hoàng (tỉnh Hà Nam) quê nhà văn Nam Cao, để nói về những số phận bế tắc, vòng đời luẩn quẩn của người nông dân khốn khổ. Tuy nhiên, có thể thông cảm và nghĩ thoát hơn về những cảnh quay đẹp trong phim bởi đó là những phân đoạn “có ý đồ” nhằm lột tả cảm xúc của nhân vật chứ không phải chỉ đơn thuần là “cho đẹp”. Đó là khi Cò - con trai lão Hạc - và người yêu tên Cải đang lâng lâng hạnh phúc, tính chuyện cưới xin nên mới có cảnh đồng cải vàng óng ả mà cậu Vàng chạy nhảy tung tăng hay cảnh triền đê xanh mướt cỏ, lấp loáng dòng sông ngút chân trời là khi lão Hạc đã qua đời đem theo giấc mơ ngày mai thanh bình, con trai lão sẽ trở về...
Càng về sau, bộ phim tách mình khỏi nguyên tác khi nhiều nhân vật như vợ Ba của Bá Kiến, Lý Cường - con trai Bá Kiến, Binh Tư - kẻ nát rượu cùng quẫn ở làng, Lê Văn - người yêu cũ vợ Ba của Bá Kiến, vợ chồng ông giáo Thứ, Cải và Cò, hay cả số phận bà vợ Cả, vợ Hai của Bá Kiến… dù chỉ phác họa vài nét hay nhiều đất diễn hơn đều có bi kịch riêng để khán giả “hiểu” được nhân vật. Tuy nhiên, điểm này cũng khiến phim mất trọng tâm, dàn trải cho khá nhiều nhân vật.

“Nhân vật chính” nhiều tranh cãi

Việc Cậu Vàng chọn chú chó làm một trong những nhân vật trung tâm, điểm kết nối các nhân vật khác chính là điều mới mẻ, độc đáo của tác phẩm này. Tuy nhiên, cậu Vàng chỉ như nhân vật phụ suốt ở hai phần ba phim, chỉ đoạn kết khi lão Hạc chọn cái chết bằng cách ăn bả chó, thì những cảnh diễn của cậu Vàng mới được đẩy lên cao trào. Nhưng những cảnh cao trào đó cũng chưa thực sự bùng nổ để đem lại cảm xúc lớn cho người xem; gượng gạo nhất là cảnh cậu Vàng “lên ngôi” thủ lĩnh bầy chó trong làng trước khi đi trả thù cho chủ, với góc quay na ná phim Vua sư tử (The Lion King). Các cảnh tương tác giữa chó và người có dụng công nhưng vẫn còn theo kiểu quay ăn may, ngẫu hứng “diễn xuất” của chú chó (dù đã được chuyên gia Hà Xuân Hoàng - huấn luyện chó chuyên nghiệp - đào tạo nhiều kỹ năng, biểu cảm), nên có lẽ chưa thể hiện hết được ý đồ của nhà làm phim. Để ghi nhận thì Vàng tỏa sáng nhất ở cảnh lặng lẽ chảy hai hàng nước mắt dài khi chứng kiến cái chết vật vã của lão Hạc.
Cậu Vàng từng gây tranh cãi khi chọn một chú chó thuộc giống Shiba của Nhật Bản vào vai Vàng. Trước những ý kiến gay gắt sẽ tẩy chay phim, trong buổi họp báo chiếu ra mắt tại TP.HCM, đạo diễn Trần Vũ Thủy chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi tìm được khoảng 8 chú chó giống Việt, đưa đi đào tạo ở trung tâm nhưng chúng không đáp ứng được tiêu chí ê kíp đề ra. Cậu Vàng trong phim không chỉ là một chú chó bình thường, mà mang đầy đủ cảm xúc: vui, buồn, tức giận, cắn xé... nên chú chó giống Shiba là lựa chọn hoàn hảo nhất tôi có thể tìm được”.
“Phim chỉ lấy “tứ” từ tác phẩm của Nam Cao và phát triển theo hướng khác. Quan trọng nhất là việc sáng tạo vẫn giữ tinh thần gốc về sự phản kháng và khao khát sống lương thiện của người nông dân khi bị dồn vào bước đường cùng; hướng đến một tác phẩm về luật nhân - quả, bài học đối nhân xử thế và một tinh thần tươi sáng ở cái kết nhân văn. Hoàn thành kịch bản và làm phim tri ân nhà văn Nam Cao và cố đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa - những người đã cho cố NSND Bùi Cường (bố vợ tôi) vai Chí Phèo để đời trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, là tâm nguyện lớn nhất cuối đời của NSND Bùi Cường, nên khi ông mất đi, tôi là người viết tiếp giấc mơ dang dở của bố vợ - cũng là người thầy dẫn dắt tôi vào nghề điện ảnh. Tôi tin giờ đây ở suối vàng, ông sẽ mãn nguyện với những gì bộ phim Cậu Vàng đã làm được”, ông tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.