Chợt nhớ câu xưa ba thường bảo: “Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa”. Ở quê tôi, nông phu thường nhìn trời để đoán thời tiết, cầu vồng thường được gọi là “cái mống”. Nhìn để biết, và mỗi lúc nhìn thấy vậy, ba tôi hay nhắc “đi học nhớ đem áo mưa nghe con”.
Thực ra, thuở ấy áo mưa chỉ là một mảnh ni lông cột túm lại phần trên, phơ phất trước gió cứ kêu sột soạt mỗi khi ra đồng.
Sau mỗi lần cầu vồng hiện như vậy là mưa xuống, ở những mảnh ruộng đang trổ đòng, tôi chọn chỗ nước sâu một chút để đặt vài cái lờ, hoặc những cái róc nhỏ (róc là một dụng cụ đan bằng tre, có cái tôi chẹn ở đầu, để cá rô cá giếc theo con nước tràn bờ ruộng lọt vào không chui ra được). Khi chiếc mống hiện lóng lánh bảy sắc báo hiệu những cơn mưa về, là lúc những lờ, những róc cùng những chiếc đó được tháo ra, sửa sang lại, chèn kỹ những chỗ thưa, mà mùa mưa trước đi đặt bẫy cá đem về chưa kịp sửa, để khi đặt xuống đâu đó những con cá khỏi lọt ra khi chúng vùng vẫy.
Ấy vậy nên đến tận bây giờ, câu đồng dao nằm lòng thuở nhỏ cứ trở đi trở lại trong đầu: “Trời mưa trời gió, vác đó đi đơm. Chạy về ăn cơm, chạy ra mất đó”. Cứ mãi hình dung rồi tự bật cười về cái sự tiếc nuối của cậu bé nào trong câu ca này khi bị mất đi chiếc đó, mất cả con cá mắc ở trong, mà cậu ta vẫn hy vọng là sẽ đem về khoe với mẹ, mất đi cả cái thú trong cơn mưa là mẹ sẽ làm nồi cá kho với lá gừng hái từ ngoài vườn thơm nức mũi…
Cái cầu vồng ấy, tôi cũng bắt gặp vào một chiều mưa năm ngoái ở Kuala Lumpur, Malaysia, lúc cùng một đoàn báo chí trở về khách sạn sau khi dự khai trương đường bay của một hãng hàng không trong nước. Trong cơn mưa chiều, trên căn phòng tầng 15 ở xứ người tôi thấy hiển hiện như ở đâu đó khuôn mặt và giọng nói của người đã khuất “nhớ đem theo áo mưa nghe con, mưa đó”. Nhìn cái quầng tròn tán sắc ánh sáng bảy màu ấy, tôi chợt ngẫu hứng mấy câu “Cầu vồng sắc màu lóng lánh. Cuộc đời thì lắm truân chuyên. Mai rồi chắc con cũng hiểu. Màu nào cũng lắm nợ duyên…”. Cái nỗi lòng của người đi trước, về những bước đi của con cái, âu cũng là nỗi lo muôn thuở, khó mấy ai kể hết được.
Bởi vậy nên, với tôi cái mống thân thương báo hiệu trước mỗi khi mưa về, cũng đồng nghĩa với cái ân điển của đất trời bao la đối với cõi người ở hạ giới. Ý nghĩa của sự hòa trộn những màu sắc của chiếc cầu vồng để tự thân nó lung linh trong tâm khảm, đôi khi khiến cho tôi miên man nghĩ ngợi đủ điều, như chiều nay trên đường về trong cơn mưa vội!
Bình luận (0)