Đặt bình gốm Bát Tràng vẽ vàng để... trồng quất
Quất trồng trong bình "hút lộc" mang thông điệp "thuận buồm xuôi gió" với những chi tiết vẽ tỉ mỉ, tinh xảo bằng vàng là tác phẩm cây cảnh mới lạ được ông Hoàng Anh Hiệp, chủ vườn quất Bắc Hiệp (P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội) tung ra thị trường dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Gọi là bình "hút lộc" vì đây là kiểu bình có thiết kế thân tròn, phình rộng nhưng cổ bình lại thắt nhỏ, với ý nghĩa thu hút tài lộc cho gia chủ. Những chiếc bình "hút lộc" vẽ vàng thường đặt trang trí trong phòng khách, bàn làm việc... nhưng được ông Hiệp đặt làm riêng để trồng quất.
Ông Hiệp cho biết, những chiếc bình "hút lộc" này được đặt làm ở làng gốm Bát Tràng nổi tiếng, thân bình nổi bật với hình ảnh cánh buồm căng gió. Các họa tiết trên thân bình được vẽ bằng vàng kim nhập khẩu từ Đức.
Đặc biệt, ông Hiệp đặt làm bình "hút lộc" cỡ lớn với chiều rộng 0,5 m và cao 0,5 m nhưng cổ bình lại siêu nhỏ nên để đưa cây vào bên trong phải cắt đi phần lớn rễ cây. Mỗi cây chỉ giữ lại một vài nhánh rễ chính nên sau khi đưa vào trong bình, nhà vườn phải mất hàng năm để chăm, nuôi cây phục hồi trở lại.
Để đưa mỗi bình quất như thế ra thị trường, nhà vườn phải nuôi từ 2 - 3 năm để đảm bảo cây già đẹp, khỏe. Năm đầu tiên thử nghiệm với dòng sản phẩm mới lạ này, ông Hiệp chỉ dám đầu tư hơn 30 bình, hướng đến nhóm khách hàng trung cấp. Bởi lẽ, chi phí đầu tư cho mỗi tác phẩm này khá lớn, gấp nhiều lần so với làm hàng phổ thông. Chỉ riêng tiền bình đặt làm tại xưởng với số lượng lớn giá đã hơn 2 triệu đồng/bình, chưa kể cây phôi, công chăm sóc, chi phí cho phân, thuốc… Theo đó, giá bán mỗi bình tại vườn thấp nhất từ 5 - 6 triệu đồng, cây đẹp nhất lên tới 10 triệu đồng nhưng phần lớn cây đã có chủ.
"Trồng quất trong bình "hút lộc" thì nhiều vườn ở Tứ Liên đã làm rồi nhưng trồng trong bình vẽ vàng đặt riêng từ Bát Tràng với loại bình lớn thì gần như chưa có. Khi thực hiện ý tưởng này, tôi chỉ muốn nâng giá trị nghệ thuật, vẻ đẹp của cây quất Tứ Liên. Nhưng thật bất ngờ, ngay năm đầu tiên bán dòng sản phẩm này khách hàng rất thích, nhiều người đến xem cây lần đầu, chốt mua luôn tại vườn", ông Hiệp nói.
Quýt tạo hình khổng lồ không bao giờ lo ế
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến sớm với gia đình ông Nguyễn Trung Thành, chủ vườn quýt tại thôn Phi Liệt (xã Liên Nghĩa, H.Văn Giang, Hưng Yên) khi ông đã bán xong toàn bộ vườn cây cảnh, thu về hơn 1 tỉ đồng và có lãi trên 600 triệu đồng.
Có 20 năm làm nghề cây cảnh nhưng ông Thành chuyên tâm làm dòng quýt tạo hình khổng lồ khoảng 15 năm nay.
Từ cây quýt bình thường, dưới bàn tay tài hoa và những ý tưởng độc đáo theo từng năm, ông Thành uốn thành những chậu cây có hình tán ô, tạo hình rồng, bình hút lộc, thỏi vàng, cúp vàng... Đặc biệt, ngoài những tác phẩm trực tiếp sáng tạo, ông Thành nhận tạo hình cây riêng theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Thành thông tin, cặp quýt tạo hình rồng tạo hình năm nay đã bán xong cho một đại gia ở Ninh Bình với giá 50 triệu đồng; 2 đôi chậu bình "hút lộc" đã chuyển cho khách hàng ở Kiên Giang và TP.HCM, cùng mức giá 50 triệu đồng/cặp.
Để uốn tạo hình cỡ lớn, theo ông Thành, cây quýt phải nuôi ít nhất 3 năm, sau đó được đánh vào nuôi trong chậu, năm nào cũng phải đảo cây, thay đất mới. Công đoạn khó nhất là canh thời tiết, thời điểm để "bắt quả" cho cây, nếu "trượt" quả là mất thêm 1 năm nữa.
Khi đã "bắt quả" thành công phải chăm sóc kỹ càng, tỉ mỉ để giữ quả trên cây luôn sáng mã, không bị muội và rám vỏ. Trước tháng 10 hàng năm, nhà vườn bắt đầu uốn tạo hình cho từng chậu, mỗi chậu cây hoàn thành cần tới 3 ngày công lao động.
Sau 15 năm gắn bó với nghề trồng quýt tạo hình khổng lồ, nhà vườn của gia đình đã có khách quen khắp cả nước. Nhiều vị khách quen còn đặt ông Thành làm cây riêng về chơi trong biệt thự, khách sạn, phòng khách…
"Chi phí đầu tư lớn thì giá bán phải cao nhưng với dòng sản phẩm này, chưa năm nào tôi lo bị ế, tồn hàng qua tết cả. Vườn cứ làm được bao nhiêu là bán hết bấy nhiếu, năm nào cũng bán cây xong, sạch vườn từ rất sớm", ông Thành chia sẻ.
Bình luận (0)